Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ trước đã có giới thiệu về bài viết “Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai: Trưởng ban dân vận hết lòng vì dân”, kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết về “Dấu ấn mang tên Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh”, vị Bộ trưởng mang dòng dõi ngoại giao từ trong máu khi tiếp bước người cha đáng kính, vị cố Ngoại trưởng vô cùng lừng lẫy Nguyễn Cơ Thạch.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được nhớ đến như một nhà ngoại giao xuất sắc nhất ở Liên Hiệp Quốc những năm 1980, ông là người đã chiến đấu, bảo vệ cũng như giải vây cho Việt Nam trong các phiên họp Đại hội đồng giữa trùng trùng bao vây và cô lập.
Để tiếp nối những cố gắng mà cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn dang dở, hơn 33 năm sau tại Đại hội Đảng XII, ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được bầu vào Bộ Chính trị. Như vậy ông đã đảm nhiệm chính vai trò, trọng trách (cả về Đảng và Nhà nước) mà trước đây cha ông đã từng đảm nhiệm.
Để nói về Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sinh ra tại Nam Định vào năm 1959. Ông là con út của ông Nguyễn Cơ Thạch (tức Phạm Văn Cương) và bà Phan Thị Phúc. Hai ông bà có 4 người con. Ông Nguyễn Cơ Thạch là người cha hết sức nghiêm khắc. Ông luôn đòi hỏi các con mình phải tự rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành.
Năm 1977, ông Phạm Bình Minh cùng lúc thi đậu vào 2 trường: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam, là trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại giao duy nhất ở Việt Nam, là cơ quan sự nghiệp tương đương cấp Tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao) với số điểm cao chót vót. Đứng giữa hai sự lựa chọn, ông Nguyễn Cơ Thạch với mong muốn có một người con tiếp nối sự nghiệp ngoại giao cho nước nhà đã tâm sự với ông Phạm Bình Minh rằng: “Bố rất tâm huyết với công tác ngoại giao và thực lòng mong muốn trong 4 đứa có một người sẽ kế nghiệp”.
Thế là Phạm Bình Minh trở thành sinh viên của trường Đại học Ngoại giao. Câu chuyện này cũng từng được chính Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhắc lại. Ông bảo: “Tôi luôn biết ơn bố tôi. Mong muốn của ông đã thôi thúc tôi phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để làm một công việc đầy ý nghĩa”. Chính nhờ những lời động viên của bố, cùng với niềm yêu thích ngoại giao mãnh liệt mà ngày nay chúng ta có một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lừng lẫy Phạm Bình Minh.
Bằng kiến thức học vấn uyên bác, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại giao, năm 1981, ông được nhận vào làm Chuyên viên Vụ Đào tạo, Bộ Ngoại gia. Con đường ngoại giao chuyên nghiệp của ông cũng bắt đầu từ đây. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trưởng thành từ Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh; cán bộ tập sự cấp vụ; Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế; Đại sứ, Phó Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Quyền Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Các tổ chức Quốc tế; Trưởng đoàn đối thoại về nhân quyền với các nước; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Nhằm củng cố thêm kiến thức phục vụ cho công tác Ngoại giao, năm 1994, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hoàn thành xuất sắc, tốt nghiệp thạc sĩ Luật và Ngoại giao tại Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher trực thuộc Đại học Tufts (Fletcher School of Law and Diplomacy, Tufts University, Massachusetts), ông thuộc lớp sinh viên đầu tiên qua Mỹ học dưới sự tài trợ của học bổng Fulbright.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông Phạm Bình Minh chính thức được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng. Từ tháng 8/2007 đến tháng 1/2009 ông là Thứ trưởng, rồi Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Sau đó ông lần lượt đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau đó, ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ Nhất BCH TƯ Đảng khóa XII.
Thời điểm ông Phạm Bình Minh trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao cũng chính là thời điểm Việt Nam đang cố hết sức mở rộng mối quan hệ ngoại giao, vươn mình ra biển lớn, hội nhập cùng với thế giới. Kể từ đó đến nay, có thể nói rằng chưa bao giờ ngoại giao và hợp tác quốc tế của Việt Nam lại đạt được những thành tựu lớn lao như vậy. Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã tạo ra nhiều cơ hội cho tăng cường hợp tác phục vụ phát triển. Việt Nam đã triển khai hiệu quả quan hệ với các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để phát triển nội lực hình thành những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thành công này có phần đóng góp rất quan trọng của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Năm 2016, tròn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện (1986-2016), nhờ có công ngoại giao của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mà Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng – an ninh. Cũng từ đó đưa Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở thời điểm này, nhờ có sự hoạch định đường hướng rõ ràng trong các vấn đề đối ngoại từ phía Bộ trưởng Phạm Bình Minh mà Việt Nam đã dần hội nhập với quốc tế trong nhiều lĩnh vực mà từ trước nay chưa từng tham gia: hợp tác quốc phòng-an ninh, lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới. Hơn nữa, Việt Nam năm 2016 đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ chế của Liên Hiệp Quốc, là thành viên của Hội đồng nhân quyền, ECOSOC, đóng vai trò tích cực trong ASEAN và vào những ngày cuối năm, tin vui dồn dập báo về khi Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế và Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào cuối năm 2016, ngay trước khi kết thúc năm hoạt động sôi nổi Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM)- một bước khởi động cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam là nước chủ nhà… Đó là những thành tựu hết sức nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại trên bình diện đa phương.
Trong suốt 5 năm nhiệm kỳ, có lẽ sự kiện đối ngoại quan trọng nhất, tạo được tiếng vang nhất và cũng là sự kiện mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bỏ vô vàn tâm huyết để thực hiện đó chính là việc tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP. Đà Nẵng, đưa hình ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới trong mắt bạn bè thế giới.
Với sự tham dự của đầy đủ các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và số lượng đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên đông đảo nhất trong 10 năm gần đây; từ khâu tổ chức, chủ trì, điều hành đến chất lượng nội dung các văn kiện; việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong cả Năm APEC… đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Các thành viên, bạn bè và báo chí quốc tế đánh giá cao chủ đề năm APEC 2017 của Việt Nam và 4 ưu tiên của chương trình nghị sự và nội dung các văn kiện. Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Qua đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện tinh thần “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Cũng chính trong Tuần lẽ cấp cao APEC, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói rằng: “Chúng ta cũng có thể tự hỏi là APEC cũng nhiều năm, nhiều nước thực hiện, tại sao lại coi APEC 2017 là thành công hết sức lớn của Việt Nam. Chính là vì năm 2017, tình hình thế giới hết sức khó khăn, những giá trị cốt lõi của APEC đang bị đe dọa. Đó là APEC thúc đẩy tự do thương mại, thúc đẩy liên kết kinh tế, nhưng tình hình thế giới 2017 xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ đã đe dọa giá trị cốt lõi trong hợp tác của APEC. Nhưng với vai trò chủ nhà của APEC năm 2017, thì chúng ta đã hết sức thành công, đã gắn kết được các nền kinh tế thành viên với những chủ đề mà chúng ta đã đề ra, và đặc biệt là trong năm APEC 2017, các nước đã đạt được sự nhất trí với chúng ta, về tiếp tục những giá trị của APEC, tiếp tục duy trì việc thúc đẩy liên kết kinh tế”. Và để đạt được thành công như vậy, Phó Thủ tướng đã bỏ không ít tâm huyết, vượt qua biết bao thử thách khi suốt quá trình tổ chức, Việt Nam đã gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại, đôi lúc tưởng chừng đổ vỡ. Tuy nhiên, bằng sự kiên định với mục tiêu đề ra, đồng thời khéo léo, linh hoạt xử lý các khác biệt, qua đó đạt đồng thuận chung, cuối cùng Phó Thủ tướng cũng đã đạt được thành quả mỹ mãn là Tuần lễ APEC vô cùng thành công ngoài mong đợi, với tràn ngập lời khen đến từ bạn bè quốc tế.
Nối đà thành công của APEC Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Bộ Ngoại giao tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ, trở thành điểm sáng nổi bật của ngoại giao Việt Nam năm 2018 khi liên tiếp tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Diễn đàn Nghị viện Châu Á — Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Me Kong mở rộng (GMS) lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển Campuchia — Lào — Việt Nam (CLV) lần thứ 10…
Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) do Việt Nam tổ chức tháng 9/2018 tại Hà Nội được đánh giá là thành công nhất trong lịch sử 27 năm qua của diễn đàn này. Các sự kiện đa phương tầm vóc nói trên đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Thành công của những sự kiện đó cho thấy vai trò, vị thế và uy tín của đất nước ta đã tăng đáng kể, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bước ngoặt tạo nên tiếng vang lớn cho hành trình ngoại giao Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có lẽ là vào năm 2019, năm đánh dấu một bước ngoặt lớn của Việt Nam trong hoạt động ngoại giao đa phương. Không chỉ góp những tiếng nói chủ động và tích cực vào các diễn đàn toàn cầu, Việt Nam đã trúng cử vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục.
Với số phiếu trúng cử của Việt Nam là 192/193 phiếu, một con số cao kỷ lục trúng cử trong lịch sử bầu các thành viên của Liên Hợp Quốc. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.
Cũng chính tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) ở thành phố New York, Mỹ, vị lãnh đạo ngoại giao đầy nhiệt huyết với tinh thần yêu nước dạt dào đã không ngần ngại khẳng định chủ quyền Biển Đông của nước nhà với Liên Hiệp Quốc. Hơn hết là ông cũng không ngần ngại dành sự chỉ trích cho quốc gia đã có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
“Chúng tôi kêu gọi những bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vốn được xem là “Hiến pháp đối với các đại dương“. Các quốc gia liên quan cần tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương vốn có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển, đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”, tuyên bố sắc lạnh của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2019.
Đây không phải là lần đầu tiên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu cao quan điểm về chủ quyền Biển Đông, cũng như đưa ra những chỉ trích thẳng thừng hành vi ngang ngược của quốc gia láng giềng trước thế giới. Còn nhớ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) diễn ra tại Thái Lan, chính ông đã nêu đích danh nhóm tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng khẳng định, những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC.
Thậm chí khi gặp mặt trực tiếp các vị lãnh đạo ngoại giao đến từ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chưa một lần sợ sệt mà luôn tỏ rõ quan điểm bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đơn cử khi có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường vào năm 2015, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng thẳng thừng đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở Luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung. Không chỉ bằng lời nói, chính vị Phó Thủ tướng, vị Ngoại trưởng tài ba này đã dùng ánh mắt sắc lạnh để đối mặt với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nhằm tỏ rõ thái độ không hài lòng với những hành động đi ngược lại pháp luật quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Bằng chính lời nói và ánh mắt sắc lạnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, với cương vị là một Bộ trưởng Bộ Ngoại giao luôn theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh vẫn luôn là một người niềm nở, chan hoà nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hoà bình với tất cả các quốc gia trên thế giới, đương nhiên là cả với nước bạn láng giềng Trung Quốc. Mới đây, chính trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước Biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có thái độ vô cùng niềm nở, thậm chí Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh còn có bức ảnh chụp với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chạm nhẹ cùi chỏ và nở nụ cười bang giao vô cùng thoải mái. Điều đó thể hiện cái tâm, cái tầm của một nhà ngoại giao tài ba luôn biết nhu cương đúng lúc với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Để nói về thành tựu ngoại giao của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong nhiệm kỳ này, sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến dấu ấn của Việt Nam trong công tác thúc đẩy giải pháp hòa bình năm 2019 là việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội, một sự kiện cầu nối để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đối thoại và tiến gần hơn tới các vấn đề xung quanh tình hình hạt nhân Triều Tiên. Sự kiện đối ngoại này được dư luận quốc tế và khu vực đánh giá rất cao. Đây không phải đơn thuần là một sự kiện, mà nó hàm chứa việc Việt Nam đã vượt ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của chúng ta, sẵn sàng đóng góp vào công việc chung, đó là vấn đề đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực Bán đảo Triều Tiên. Việc này còn thể hiện một điều Việt Nam đã chủ động tích cực, sẵn sàng tham gia, có thể tạm gọi là vai trò hòa giải.
Là một quốc gia yêu nêu cao tinh thần hoà bình, tương thân tương ái nên việc được gia nhập vào Liên Hiệp Quốc, thực hiện sứ mệnh hoà bình là một điều vô cùng vinh dự và tự hào đối với Việt Nam. Đầu năm 2020, với cương vị Chủ tịch HĐBA Liê Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc, chúng ta đã có được một tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương Liên Hợp Quốc với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Các cuộc thảo luận về Hiến chương trước đây chưa bao giờ ra được tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an như vậy. Đây là sáng kiến của Việt Nam trong vai trò Chủ Tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An, cho thấy vai trò của Việt Nam được nâng lên tầm cao mới trong quan hệ quốc tế. Sự kiện này cũng là một dấu ấn quan trọng đầu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình tại Hội Đồng Bảo An.
Có thể nói, năm 2020 là một năm đại thành công của ngành Ngoại giao Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, bởi dù phải đối mặt với rất nhiều thách thức, kể cả thách thức truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với những đề xuất, sáng kiến nổi bật trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN.
Trước sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của nền tảng khoa học kỹ thuật trên toàn cầu, ngành Ngoại giao đã đi tắt, đón đầu khi mạnh dạn áp dụng các ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các sự kiện quan trọng, góp phần duy trì và tăng tính kết nối giữa không chỉ Việt Nam với các nước, mà giữa các khu vực trên thế giới. Các hội nghị trực tuyến liên tiếp được Việt Nam chủ trì tổ chức, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra vào tháng 6/2020 với sự tham dự của các nước thành viên ASEAN, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát.
Với tất cả những thành tựu mà bản thân Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng với cả bộ máy Bộ Ngoại giao cố gắng đã được chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra lời tuyên dương “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đó chính là thành quả và cũng là sự khích lệ to lớn để Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tiếp tục cố gắng hơn nữa giúp nâng vị thế Việt Nam ngang tầm các cường quốc khác trên thế giới. Hơn hết là lèo lái ngành ngoại giao Việt Nam chuyển mình theo dòng chảy của thời cuộc, để luôn là người tiên phong trong công cuộc bảo vệ lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc.
BBT Cánh Cò