Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết về ông Trương Hòa Bình – vị phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ xuất thân từ Trung Tướng. Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – một trọng trách đầy vinh dự, nhưng cũng không kém nặng nề, là cánh tay phải giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo tất cả các lĩnh vực trọng yếu.
Đảm nhiệm cương vị là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã và đang là cánh tay phải đắc lực trợ giúp Thủ tướng điều hành, xử lý các công việc hệ trọng liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, và các chính sách gắn liền an sinh xã hội. Trong suốt thời gian qua, dù là với vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hay Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng ghi nhiều dấu ấn.
Năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Trương Hòa Bình được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được bầu – đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trước khi trở thành Phó Thủ tướng Thường trực, ông Trương Hòa Bình xuất thân là vị Trung Tướng an ninh, kinh qua các chức Phó phòng (PA17), rồi Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiêm thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, trực tiếp tham gia chỉ đạo điều tra nhiều vụ án lớn tại khu vực phía Nam, trong đó có vụ Năm Cam khét tiếng một thời.
Cùng với học vị tiến sĩ Luật và sự am hiểu về lịch sử, đời sống văn hóa của người dân, khi đảm nhiệm vai trò ghế nóng Thường trực Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình đã áp dụng vào công tác quản lý, vừa giúp bộ máy hành chính, công vụ của Chính phủ hoạt động ngày càng trơn tru, đồng thời góp phần tạo nên những kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, thúc đẩy sự vận hành, cống hiến cho các cán bộ trong hệ thống.
“Anh nào sợ trách nhiệm thì xin nghỉ để người khác làm”
Đó là câu nói đầy khí chất của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, phát biểu trực tiếp trong buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao. Có mặt báo chí và cán bộ ban ngành tham dự, đích thân Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình không ngần ngại mổ xẻ 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương khi cầm trên tay các tài liệu cho thấy sự tắc trách, trì trệ của một vài cá nhân có trách nhiệm.
Phó Thủ tướng Thường trực phân tích: “Anh nào cũng muốn có vị trí, được bổ nhiệm, nhưng đề xuất thì sợ trách nhiệm. Anh nào sợ trách nhiệm thì thôi xin nghỉ để người khác làm, nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật. Còn nếu anh phát huy hết phẩm chất, năng lực, đạo đức, tinh thần trách nhiệm và nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, đề xuất có căn cứ thì không ai phạt anh được”. Từ đó, ông chỉ đạo rõ: “Phải khởi tố, xét xử những cá nhân sai phạm, việc đó không thể không làm, khối u thì phải cắt bỏ”.
Trên tinh thần: “Công chức nhà nước phải đề cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cá nhân nào sợ trách nhiệm thì xin nghỉ để người khác làm. Nếu trì trệ quá, không hoàn thành nhiệm vụ phải kiểm điểm, kỷ luật. Anh nào sợ trách nhiệm thì xin nghỉ để người khác làm”. Từ đó, những cán bộ tha hóa, không tận tâm phục vụ công việc, không xứng đáng đồng lương người dân chi trả dần bị loại ra khỏi hệ thống, thay vào đó là guồng máy làm việc được chỉn đốn, thấy rõ nét.
Kết quả thấy rõ nét từ sự sâu sát chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, các ban ngành chức năng đã đẩy mạnh triển khai thanh tra, kiểm tra hàng loạt các doanh nghiệp có dấu hiệu “đen” như: thanh tra toàn diện Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc; thanh tra công tác quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường; kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán điện. Kết quả thanh tra tiếp tục góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cùng với việc quản lý, xem xét các báo cáo về sự vận hành của các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của các cơ quan chức năng, Phó Thủ tướng Thường trực còn lắng nghe và nắm tin từ tiếng nói của nhân dân, từ các diễn đàn, kênh đối thoại và sự vận hành của Chính phủ kiến tạo. Cũng từ đó mà những cán bộ, công chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, khi có đơn kiện và thông tin, Phó Thủ tướng thường trực kịp thời chỉ đạo ngành Thanh tra phải kiểm tra và nếu đúng như vậy, phải “loại ra khỏi bộ máy”.
Tạo ra tiền đề, điểm cộng phát triển kinh tế đất nước
Xã hội càng phát triển, ngành thương mại càng đóng vai trò của mình, cuộc sống với những bon chen, xô bồ ai cũng tìm cho mình vị thế trong xã hội để mưu cầu hạnh phúc. Đó là lẽ đương nhiên nhưng mưu cầu bằng khe hở của pháp luật và nước mắt của người khác đó là hiểm họa. Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo từng đơn vị liên quan: Bộ Công an và Bộ Công Thương cùng lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả; chỉ đạo Bộ Tài chính (Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng (lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) xây dựng nhiều kế hoạch, chuyên đề, nhằm tăng cường công tác kiểm soát tuyến biên giới đường bộ, đường biển… Với sự thanh tra, kiểm tra và tấn công từ nhiều lực lượng ở những gọng kiềm khác nhau, trong thời gian qua vấn nạn hàng giả được xử lý, triệt phá triệt để ở nhiều nơi. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 11.291 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ 2019.
Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ án ma túy được đưa ra ánh sáng, hàng nghìn vụ vận chuyển ma túy, truy bắt tội phạm buôn ma túy từ nước ngoài về Việt Nam được Bộ Công an, kết hợp cùng Bộ Quốc phòng chặn đứng, vô hiệu hóa. Khối lượng ma túy thu giữ không còn là kg mà đã là hàng tấn. Sự phối hợp nhịp nhàng, ngày càng đồng bộ của các lực lượng chức năng dưới sự điều hành của các Ban chỉ đạo của Chính phủ đã truy bắt thành công các loại tội phạm, góp phần ổn định cuộc sống người dân, giữ gìn môi trường an ninh, trong sạch và đó cũng là điểm cộng cho sự phát triển kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam. Sự thành công đó có tác động sâu sắc đến kết quả hiện nay mà Chính phủ có được: Dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD. Lạm phát đang có xu hướng giảm, đặc biệt, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.
Không phải ngẫu nhiên mà ở chốn nghị trường, các Đại biểu Quốc hội thường truyền tai nhau, sự thành công của Chính phủ trong những năm nay trong công tác điều hành, kiến tạo, phát triển kinh tế đất nước, không thể thiếu bóng dáng và đóng góp của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Tâm hồn thắp sáng những niềm thương
Với lịch di chuyển, công tác, hội họp dày đặc và thường xuyên xử lý những vấn đề đột xuất, là một chính trị gia giữ vai trò trọng yếu, quyết định các chính sách liên quan trực tiếp an ninh quốc gia, an sinh xã hội, nhưng ông là một lãnh đạo rất gần gũi với dân. Những vùng lũ lụt bị ảnh hưởng nặng nề, ông luôn có mặt để kiểm tra, trực tiếp thị sát, chỉ đạo và thăm hỏi người dân. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự xuất hiện của người lãnh đạo vào thời khắc người dân cần sự quan tâm, người lính căng mình chống lũ cần sự động viên nó quý giá vô cùng. Và phải là một người lãnh đạo có tâm, có tầm, chịu thương, chịu khó thì mới đến những nơi như thế.
Ngần ấy năm đảm nhiệm chức vụ trọng yếu, là cánh tay phải của Chính phủ, nên sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bất kỳ nơi đâu, đồng bào dân tộc và các tín đồ tôn giáo luôn dành cho ông sự triều mến. Nhất là với cộng đồng Hồi giáo tại TP.HCM, nhắc đến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ai cũng dành cho ông tình cảm mặn nồng, thắm thiết. Phó Thủ tướng thường trực không chỉ đem đến cho người dân những phần quà tiếp sức, mà còn trao cơ hội cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Có khi đó là túi gạo, có khi là phần học bổng, có khi là chiếc xe đạp, dù món quà là gì, Phó Thủ tướng khi gặp dân cũng trao tận tình và người dân đón nhận đều cảm thấy hạnh phúc. Tình cảm đó xuất phát từ trái tim nên dễ đến với trái tim và gieo niềm tin yêu, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để người dân lấy đó làm động lực vươn lên, thay đổi cuộc sống.
Cuộc đời mỗi người được đúc kết, bất cứ ai thành công cũng phải có hi sinh, có khi chấp nhận đơn độc một mình, chính trị gia thì càng hy sinh nhiều hơn nữa. Nhưng hiếm có chính trị gia nào như Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, vừa hoàn thành sứ mệnh của người lãnh đạo, đứng đầu các Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, cải cách tư pháp, lại vừa được lòng dân.
Đời người không đo lường bằng năm tháng, với một chính trị gia cũng vậy, thước đo giá trị đời người được thể hiện qua việc đã làm được những gì, đem lại những giá trị, lợi ích gì cho nhân dân, dân tộc. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình được nhiều đại biểu quốc hội nhận định: “Vị chính trị gia vừa đặt công đức ở đền chùa và đặt cả trong nhân dân”.
Ban Biên Tập