Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ trước đã có giới thiệu về bài viết “GS.TS Vương Đình Huệ: Từ giảng viên tài chính đến chính trị gia nhiều dấu ấn”, kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết về “Dấu ấn mang tên… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân” – nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, được người dân trìu mến gọi bằng cái tên “nữ kiệt xứ dừa”.

Còn nhớ, lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhậm chức người đứng đầu Quốc hội, đã làm dư luận xôn xao lúc bấy giờ. Có người vui mừng cảm thán “thì rồi cũng phải đến lúc phụ nữ vùng lên chứ”. Nhưng cũng có một vài người hoài nghi “không biết một người phụ nữ chân yếu tay mềm sẽ dẫn dắt cơ quan lập pháp như thế nào đây?”. Và rồi vị tân Chủ tịch Quốc hội lúc ấy đã làm cho người dân ngạc nhiên bởi sự điều hành vừa sắc sảo, linh hoạt, nhưng cũng rất kiên quyết, trách nhiệm và khách quan tại các Kỳ họp Quốc hội. Chính cách điều hành của người đứng đầu Quốc hội, đã tạo nên bầu không khí trao đổi thắng thắn, đầy tính xây dựng, mang tính chất gợi mở, tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Mà theo như lời các chuyên gia đánh giá thì “cách điều hành rất chi tiết, mềm mại, đặc biệt rất chi tiết trong từng vấn đề mà đại biểu hỏi. Khi Bộ trưởng mà chưa trả lời hết thì Chủ tịch Quốc hội còn gợi ý. Có thể nói cách điều hành khiến phiên chất vấn nghiêm túc nhưng không căng thẳng và có sinh khí”. Còn ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) chia sẻ: “tôi đặc biệt ấn tượng với cách điều hành nhạy bén, “trúng vấn đề” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân”. Hay như ông Lê Nam, nguyên ĐBQH khóa XIII bày tỏ: “Theo tôi, cách thức điều hành của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất tốt, làm tăng sức hấp dẫn, sôi động và đi sâu vấn đề”.

Là người được đào tạo bài bản về kinh tế, có bằng Thạc sĩ chuyên ngành tài chính tín dụng, cũng như kinh qua nhiều vị trí công tác quản lý từ địa phương đến trung ương, trải đều các lĩnh vực kinh tế – tài chính, thương mại, lao động – xã hội. Đây chính là nền tảng giúp bà Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành tốt Quốc hội và các phiên họp, xây dựng các dự luật, nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế, kinh tế đất nước, ý nguyện của người dân và thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, như Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Bộ Luật Lao động… Đặc biệt là việc Quốc hội phê chuẩn các Hiệp định CPTPP, EVFTA và EVIPA đã gửi đi thông điệp quan trọng mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Không chỉ là hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề lớn, quan trọng của quốc gia, mà là những tâm tư, nguyện vọng, gắn liền với đời sống của người dân như: vấn đề có nên tăng giờ làm thêm hay không; thu hồi bồi thường đất cho người dân như thế nào; chuyện giá thịt lợn bị đẩy lên cao; công tác phòng chống dịch covid -19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thu phí giao thông tại các trạm BOT;… đã được Quốc hội và các ĐBQH quan tâm thảo luận, kiến nghị, giải quyết thấu đáo ngay tại “hội nghị Diên Hồng”.

Một trong những điểm nhấn được cử tri đánh giá cao Quốc hội nhiệm kỳ này là việc phát thanh, truyền hình trực tiếp cuộc họp bàn, thảo luận về ngân sách Nhà nước gắn với thảo luận về kinh tế – xã hội. Điều này cho thấy tính dân chủ, cởi mở trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét và từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân vào các hoạt động quan trọng của đất nước; củng cố niềm tin về cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đại diện cho nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt là Kỳ họp thứ 9 vừa qua, mang dấu ấn mạnh mẽ bởi đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày trong đợt 1 (từ ngày 20-28/5). Hình thức họp trực tuyến này không những mang lại hiệu quả cao, mà còn tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước. Có thể thấy, tinh thần đổi mới là một dấu ấn quan trọng trong hoạt động Quốc hội, thể hiện nhất quán lời hứa “về một Quốc hội đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự của đất nước” của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Được biết đến là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhưng với các chính khách nước ngoài, bà Nguyễn Thị Kim Ngân toát lên một vẻ đẹp sắc sảo, mạnh mẽ và quyết đoán không kém gì các chính khách nam. Không chỉ cho bạn bè quốc tế thấy hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại, tự tin, mà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện là một nhà ngoại giao khôn ngoan, khi trong các chuyến công du Hàn Quốc, Lào, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ… đã góp phần thúc đẩy hợp tác, tăng cường quan hệ với các nước trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, là chuyến thăm và làm việc tại Pháp và Nghị viện châu Âu, của người đứng đầu Quốc hội đã góp phần thúc đẩy tiến trình ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Bên cạnh đó, hình ảnh nữ Chủ tịch Quốc hội cũng tạo dấu ấn tại nhiều chương trình nghị sự, các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF)… khi đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị mang tính xây dựng, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam – thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trái ngược với hình ảnh quyết đoán, sắc sảo, không kém phần cứng rắn trên nghị trường hay khi gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài, hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân trước người dân luôn gần gũi và bình dị, mang đậm phong cách người phụ nữ Nam Bộ. Trong những chuyến vi hành, người ta bắt gặp vị lãnh đạo với bộ quần áo bà ba, cùng khăn rằn, đến với bà con để trò chuyện, lắng nghe tất cả ý kiến, nguyện vọng của cử tri và giải đáp, trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành, tiếp thu để hoàn chỉnh các dự án luật. Trong những buổi tiếp xúc cử tri tại các địa phương, bà luôn thể hiện mình là một người gần gũi, mộc mạc, không hề có khoảng cách giữa người lãnh đạo với dân.

Còn nhớ tháng 10/2016, tại hai huyện Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã trực tiếp thị sát tình hình nơi đây, hỏi thăm, động viên bà con, chỉ đạo công tác khắc phục sau mưa lũ. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Ngân vô cùng giản dị, gần gũi, đầu đội mũ cối, xắn quần lội nước đến từng nhà dân trao quà khiến bà con vùng rốn lũ cảm thấy ấm lòng. Hành động này không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của người đứng đầu Quốc hội mà còn toát lên từ tận đáy lòng sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc những khó khăn, thiệt hại với bà con. Rồi thì mấy ai quên được việc bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi nghe tin nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập, vị lãnh đạo đã hủy bỏ chuyến công du nước ngoài tức tốc về Cần Thơ thăm gia đình các nạn nhân. Thời điểm đó, hầu hết lãnh đạo đều được CSGT hướng dẫn đi vòng qua Cần Thơ đến bến Ninh Kiều để tới hiện trường. Với cách đi vòng như thế, các vị lãnh đạo sẽ ngồi ô tô đến bến tàu. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân không chọn con đường đó mà đi bằng phương tiện xe máy. Bất chấp lời khuyên, bà nhờ một bác xe ôm chở tới hiện trường, tận bệnh viện thăm hỏi người bị nạn và thân nhân. “Nhìn cảnh bà ngồi xe máy băng đồng, tôi có cảm giác đó là bà chị ở xóm hơn là một vị lãnh đạo” – nhà báo Nông Huyền Sơn chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ba lần lấy phiếu tín nhiệm chức danh (năm 2013, 2014, 2018), trên cả cương vị Phó Chủ tịch cũng như Chủ tịch Quốc hội hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Ngân luôn đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao. Chính những lá phiếu đã nói lên tất cả niềm tin và sự đánh giá khách quan của cử tri cả nước với sự điều hành Quốc hội của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân.

BBT