+
Aa
-
like
comment

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: Nữ Ủy viên Bộ Chính trị người dân tộc thiểu số đầu tiên trong lịch sử

28/08/2020 16:35

Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, trong kỳ trước Cánh cò đã có bài “Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: Từ cán bộ Đoàn nhiệt huyết đến Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất”, kỳ này xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết về “Dấu ấn mang tên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng” nữ Ủy viên Bộ Chính trị người dân tộc thiểu số đầu tiên.

Tham gia cách mạng khi chỉ mới 11 tuổi, gần 50 công tác trên chính trường, 39 năm tuổi Đảng, nữ chính khách dân tộc thiểu số đầu tiên giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có một sự nghiệp chính trị đầy vẻ vang và đầy tự hào.

Bà Tòng Thị Phóng, một người phụ nữ dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại thành phố núi Sơn La, vùng đất hào hùng từng trải qua không ít thăm trầm của lịch sử. Chính tại nơi đây, vị vua hùng tài đại lược Lê Thái Tông đã hai lần thân chinh đánh tan quân phiến loạn vùng biên cương phía Tây, bảo vệ sự bình yên cho bờ cõi nước nhà. Đây cũng là nơi chứng kiến ý chí cách mạng kiên cường bất khuất của người anh hùng dân tộc Tô Hiệu, khi ông bị thực dân Pháp giam cầm và qua đời tại nhà tù Sơn La. Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông, nữ sinh Tòng Thị Phóng, khi chỉ mới 11 tuổi, đã dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia công tác đoàn thanh niên thời trung học. Tốt nghiệp Cử nhân Luật, bà Tòng Thị Phóng trở thành một trong những gương mặt nổi bật của cộng đồng người dân tộc thiểu số khi cùng lúc đảm nhận vai trò Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII năm 1996.

Năm 2001 ghi nhận dấu mốc tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của bà Tòng Thị Phóng, với vai trò Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Một năm sau, bà tiếp tục giữ trọng trách Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Sáu năm sau đó – trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XII – bà trở thành nữ chính khách thứ tư trong lịch sử nhậm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội. Nhưng dấu son rực rỡ nhất chính là lúc bà ghi tên vào sử sách là người phụ nữ dân tộc thiếu số đầu tiên được Ban Chấp hành Trung ương tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng đã đóng góp hết mình phát triển, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan lập pháp. Còn nhớ, trong phiên làm việc ngày 23/5/2019, không như thường lệ, thay vì nhắc tên đại biểu tiếp theo để chuẩn bị phát biểu, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng đã chỉ đạo bỏ qua công đoạn này, mà dùng màn hình điện tử thể hiện thông tin. Trả lời phỏng vấn, bà Phóng chia sẻ rất đơn giản: “Tôi sẽ bỏ đọc tên đại biểu tiếp theo để tiết kiệm mấy giây cho Quốc hội.” Nhưng chúng ta cũng biết, nghị trường có đến gần 500 đại biểu, nếu có thể cắt giảm chỉ hai giây cho khâu chuẩn bị của mỗi người, Quốc hội đã tiết kiệm gần 20 phút quý báu. “Vài giây” của Phó Chủ tịch, thực tế đang mang lại sự hữu ích không hề nhỏ, và cũng cho thấy sự linh hoạt của Quốc hội trong kỷ nguyên công nghệ.

Không chỉ là một lãnh đạo tận tụy, uy tín, bà Tòng Thị Phóng còn được biết đến là một người giàu tình cảm, luôn quan tâm đến hoàn cảnh của những cán bộ cấp dưới. Trong một cuộc họp về Luật cảnh vệ vào năm 2016, bên cạnh việc thảo luận về đối tượng được bảo vệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng không quên đề cập đến chế độ cho lực lượng cán bộ cảnh vệ. Ngay trong cuộc họp, bà đã chia sẻ về những cái khó trong công tác của các cảnh vệ, từ nhiệm vụ theo sát bảo vệ 24/24, đến những yêu cầu khắt khe phải tác nghiệp độc lập, hoàn toàn chủ động, khó trông chờ sự hỗ trợ bên ngoài. Dù biết đó là nhiệm vụ, bà vẫn luôn để tâm, thấu hiểu cho nỗi vất vả của những người túc trực bên mình, mới hiểu tại sao hai cảnh vệ của Phó Chủ tịch lại gắn bó với bà hơn 16 năm qua. Bà chia sẻ: “Hai đồng chí Đại tá của tôi, đã thuỷ chung gắn bó suốt 15-16 năm nay, có tiến bộ rất nhiều. Theo quy định bảo vệ 24/24 thì có một người bám việc lại đảo cho người kia đi huấn luyện, tập tành. Hoàn cảnh tác nghiệp của anh em nhiều khi cũng gian khó lắm…”

Trong suốt cuộc đời làm chính trị gần 50 năm của mình, bà Tòng Thị Phóng luôn canh cánh trong lòng mối lo về cuộc sống của đồng bào người dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có cộng đồng người dân tộc Thái. Năm 2019, trong Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào các dân tộc rất ít người” tại Nghệ An, đồng chí Tòng Thị Phóng đã lắng nghe những khó khăn đồng bào DTTS khi thiếu thốn diện tích sản xuất nông nghiệp, qua đó chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương bằng hết sức lực của mình khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, bà Phóng cũng nhắc nhở việc quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của người DTTS, bảo tồn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu vùng đồng bào là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất. Đối với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển luôn là mục tiêu hàng đầu. Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.

Bên cạnh đời sống của đồng bào DTTS, với tư cách là một người phụ nữ, bà Phóng luôn đề cao vai trò của nữ giới trong việc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội. Trong cuộc gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Tòng Thị Phóng cho biết các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới đang đánh giá rất cao đoàn đại biểu nữ nước ta, khẳng định tất cả thành công trong hoạt động ngoại giao nghị viện đều có sự đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam. Điều đó cho thấy, vai trò của người phụ nữ trong các chương trình nghị sự, cũng như mọi mặt đời sống – xã hội đều đang được những lãnh đạo như PCTTTQH Tòng Thị Phóng quan tâm đặc biệt, như một lực lượng không thể thiếu trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Sau 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam, dù ở đâu và làm gì, cũng đang tấm gương sáng, không chỉ của cộng đồng người dân tộc thiếu số, mà cho cả thế hệ trẻ của đất nước. Sự hiện diện của bà trên chính trường, nghị sự khẳng định tầm vóc của đồng bào dân tộc thiếu số, tuy không đông đảo nhưng đầy năng lực, sức sáng tạo và trên hết, một tinh thần yêu nước, cống hiến trọn đời cho nhân dân.

BBT Cánh Cò 

Kỳ 1: GS.TS Vương Đình Huệ: Từ giảng viên tài chính đến chính trị gia nhiều dấu ấn

Kỳ 2: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “nữ kiệt xứ dừa” vừa nhẹ nhàng, vừa cương quyết

Kỳ 3: Nhiệm kỳ Bộ trưởng Tô Lâm: Những chiến công nhìn lại

Kỳ 4: Phó thủ tướng trẻ nhất Việt Nam và anh hùng chống giặc thời bình Vũ Đức Đam

Kỳ 5: Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Vị Giáo sư điềm đạm dẫn dắt đầu tàu kinh tế của đất nước

Kỳ 6: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: Từ cán bộ Đoàn nhiệt huyết đến Ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi nhất

Bài mới
Đọc nhiều