+
Aa
-
like
comment

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: Vị Đại tướng vinh hạnh được luân chuyển đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam

22/12/2020 11:10

Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ trước đã giới thiệu chân dung PTT, BT Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh – Vị lãnh đạo đưa vị thế Việt Nam nâng tầm thế giới, kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn chân dung Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Người con ưu tú của mảnh đất Duy Tiên, Hà Nam và cũng đồng thời là vị chính khách được vinh hạnh luân chuyển đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Từ cậu bé trường làng, ham học, có suy nghĩ khác với bạn đồng lứa

Đại tướng Ngô Xuân Lịch là một người con hiếu học và là một người sống chân thành, tình cảm của mảnh đất Lương Xá, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam. Ở một vùng quê nghèo thời bấy giờ, người dân vẫn tấm tắc dành lời khen ngợi đối với cậu bé Ngô Xuân Lịch, dù gia đình rất khó khăn nhưng luôn học giỏi đứng nhất vùng. Không những thế, anh em trong gia đình còn thương yêu nhau hiếm có, luôn là tấm gương được các bậc phụ huynh trong làng răn dạy con cái noi theo.

Đặc biệt, do ham học, tiếp xúc với nhiều sách vở, thấm nhuần được tư tưởng lớn về việc dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông, đã khiến một cậu bé xuất thân từ làng, mặc dù gia đình không có truyền thống, nhưng lại quyết định theo con đường binh nghiệp với mong muốn đóng góp một phần sức lực của mình trong việc bảo vệ đất nước. Mang tư tưởng lớn trong tim, ông đã nhập ngũ vào giai đoạn cuối Chiến tranh Việt Nam và được biên chế vào Sư đoàn 341 (còn gọi là Đoàn Sông Lam) Quân khu 4 mới thành lập trước đó không lâu tại Nghệ An. Tiếp đến, ông cùng đơn vị tham chiến trong chiến dịch Hồ Chí Minh sau đó là Chiến tranh biên giới Tây Nam.

Đến vị Đại tướng được luân chuyển đặc biệt trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ham học hỏi, không ngại xông pha, ông đi từ chiến sĩ lên chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn. Từ Trung đội trưởng của Sư đoàn 341, Quân khu 4 ông được tin tưởng giao phó nhiệm vụ Trợ lý Tổ chức, Phòng Chính trị của Quân khu 4. Sau đó, ông đã tự bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ. Và sau này, ngay cả trong quá trình thăng tiến binh nghiệp, ông vẫn không quên tự nâng cao kiến thức cho bản thân bằng hàng loạt các lớp chính trị, nghiệp vụ khác nhau. Tất nhiên, với những gì đã có cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm, cộng thêm tinh thần đầy nhiệt huyết của cậu bé trường làng ngày nào, ông được tin tưởng, tín nhiệm, giao phó nhiều trọng trách mới, ngày càng nặng nề hơn. Đại tướng Ngô Xuân Lịch được luân chuyển công tác về Quân khu 1 đến Quân khu 3 và cuối cùng là giao phó trọng trách Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Theo PGS- TS Đại tá Trần Ngọc Long – Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, lần đầu tiên nước ta có một vị Đại tướng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Chân dung vị Bộ trưởng có khả năng tiếp nối truyền thống và nâng tầm vị thế của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam

Còn nhớ, khi ông nhậm chức, nhiều học giả, và cả những tướng lĩnh cũng như nhân dân rất kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch. Không phụ sự kỳ vọng và tín nhiệm, tiếp nối kỳ tích vĩ đại, Việt Nam là một trong 5 Quân đội thiện chiến bậc nhất trên thế giới từ giữa thế kỷ 20, ngày hôm nay nhận định ấy vẫn đúng dưới một mốc thời gian khác. Dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam ngày càng khiến thế giới phải kinh ngạc với một quân đội chính quy tinh nhuệ và hiện đại, có đủ sức mạnh để sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc trước bất kỳ tình huống nào. Như trong cơn bão lũ vừa qua, chính lực lượng đặc công Việt Nam đã giải cứu thành công 9 thuyền viên mắc kẹt ngoài biển khi tất cả các lực lượng cứu hộ khác đã gần như “bất lực”. Lại nói, quân đội Việt Nam mặc dù độ thiện chiến gia tăng nhưng quân số lại giảm, thậm chí còn giảm sâu tới 10% quân số của toàn lực lượng. Có được kết quả đáng khích lệ đó, là từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch: giải thể, điều chỉnh một số cơ quan trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; giải thể 14 Lữ đoàn, tổ chức lại 4 cơ quan chiến lược. Ai cũng biết, thu gọn “ghế” là một việc vô cùng khó khăn, bởi đụng chạm lợi ích của rất nhiều người, làm không tốt sẽ còn gây ra hệ lụy xấu về mặt tổ chức. Ấy vậy mà với sự tâm huyết của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, bộ máy vẫn làm việc hiệu quả trơn tru. Không những vậy, còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Sức mạnh quân sự của Việt Nam

Đặc biệt, dưới yêu cầu gắt gao của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam đã gây chấn động thế giới bằng việc ra mắt hàng loạt các tàu Quân sự. Việc sở hữu các tàu tên lửa thế hệ mới, tàu chống ngầm, tàu mặt nước cùng khả năng nâng cấp tàu ngầm Kilo 636, cải hoán, hiện đại hóa, sửa chữa lớn, đảm bảo kỹ thuật cho tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống ngầm và các loại tàu mặt nước đã góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Ngoài ra, Quân đội cũng được chỉ đạo triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay. Đặc biệt, dưới sự dẫn dắt của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Và cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà chúng ta trang bị nhiều trong những năm gần đây.

Không những gia tăng sức mạnh quân sự của Việt Nam trên biển Đông, mà Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng rất chú trọng đến việc đối ngoại quốc phòng, nhằm thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với tất cả các nước, từ đó góp phần vào việc giữ vững hoà bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, là vấn đề bảo về chủ quyền biển Đông suốt những năm gần đây. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao quân sự Việt Nam thăm chính thức nhiều quốc gia như Trung Quốc, Myanmar, Nga, Lào và Campuchia…; Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước ASEAN; Tham gia đối thoại quốc phòng – an ninh thường xuyên ở nhiều cấp độ với các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ; Tăng cường trao đổi các đoàn quân sự cấp cao, giao lưu giữa các sĩ quan trẻ, hợp tác giữa các nhà trường, các viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Việt Nam…Nhờ vậy mà Việt Nam đã kêu gọi được sự đồng thuận chung tay ủng hộ của các nước lớn trong khu vực về vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo đúng chủ trương mà chúng ta đưa ra. Không những vậy, việc gia tăng hợp tác quân sự với các nước ở khu vực biển Đông đã phần nào chế ngự được sự hung hãn đồng thời cũng tạo ra tâm lý e dè của Trung Quốc đối với Việt Nam. Cũng từ việc gia tăng hợp tác ngoại giao mà Hải quân Việt Nam đã lập đường dây nóng và tiến hành tuần tra chung với hải quân một số nước như Campuchia, Malaysia,  Thái Lan, Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp bảo vệ an ninh trên các vùng chồng lấn và khu vực giáp ranh trên biển. Đồng thời, cũng đã thiết lập và duy trì quan hệ giữa Tổng cục Tình báo quốc phòng Việt Nam và các cơ quan tình báo quân sự các nước là kênh trao đổi thông tin quan trọng về các vấn đề quốc phòng – an ninh. Chính vì những đóng góp to lớn ấy, mà năm 2019, “Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” sau 55 năm thành lập.

Cũng thật là thiếu sót, khi không nhắc đến một đội ngũ người lĩnh “mũ nồi xanh” của Quân đội Việt Nam với nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới từ sự chỉ đạo thành lập của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch. Với yêu cầu nghiêm ngặt về phẩm chất cũng như năng lực, được đích thân Bộ trưởng phê duyệt, những chiến sĩ đã khiến người dân ở các quốc gia Châu Phi, đặc biệt là Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi xem không chỉ như như một người lính của Liên Hợp Quốc, mà là biểu tượng của một nền văn hóa Việt Nam, của những “người lính Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, trong tổng số 27 đồng chí đã kết thúc nhiệm kỳ, có 7 đồng chí được Liên Hợp Quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc. Tỷ lệ này chỉ chiếm 1 đến 2% trong các tỷ lệ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Chính vì sự nỗ lực không mệt mỏi ấy, đã khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình bền vững cho đất nước.https://canhco.net/bo-truong-ngo-xuan-lich-vi-dai-tuong-duoc-vinh-hanh-luan-chuyen-dac-biet-trong-lich-su-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-p459142.html

Quyết tâm tiếp nối và xây dựng một lực lượng “Bộ đội Cụ Hồ”, sẵn sàng xông pha hiểm nguy, không tiếc hy sinh tính mạng vì nhân dân

Ngoài việc hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, lực lượng Quân đội Việt Nam đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành quyết liệt trong phòng, chống dịch Covid-19, duy trì hơn 1.600 tổ, chốt kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đất liền và trên hướng biển. Nhờ đó, mà Việt Nam chúng ta ngay sát biên giới của ổ dịch, có đường biên giới dài hàng chục nghìn km với Trung Quốc nhưng vẫn kiểm soát được rất tốt tình trạng nhập cư trái phép vào Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở để các lực lượng, đơn vi khác tiến hành khoanh vùng, cách ly, xử lý những trường hợp nhiễm bệnh và góp phần tạo nên kỳ tích hiếm có mà cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Không chỉ có vậy, quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở doanh trại để làm khu cách ly đúng quy định, tích cực tham gia xử lý môi trường, nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kít, test chẩn đoán nhanh vi rút SARS-CoV-2… từ đó góp phần không nhỏ vào công tác công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Khi tình hình dịch bệnh đã có những dấu hiệu khả quan, tưởng chừng, những người lính Cụ Hồ sẽ được thả lỏng một chút sau những ngày căng mình chống dịch, vậy nhưng thiên tai, lũ lụt ập đến và lực lượng quân đội lại lên đường theo mệnh lệnh của trái tim. Những ngày ấy, vị tư lệnh ngành Quốc phòng cùng các lãnh đạo nhà nước hầu như thức trắng đêm, để lên phương án, chỉ đạo, cứu dân, làm sao giảm thiệt hại ít nhất về người và của. Phối hợp với các lực lượng chức năng khác, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 16 nghìn bộ đội, dân quân tự vệ, hàng nghìn phương tiện cùng lực lượng các địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức sơ tán nhân dân đến địa điểm an toàn, tích cực tìm kiếm người mất tích ở Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và trên các vùng biển đảo. Các đồn Biên phòng đã duy trì trực 100% quân số để kịp thời giúp dân trong mọi tình huống; phối hợp với địa phương, các lực lượng sắp xếp cho 6.563 tàu, thuyền trên địa bàn neo đậu, di dời hàng trăm hộ dân đến các vị trí an toàn.

Cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Bộ đội Cụ Hồ. Với cán bộ, chiến sĩ quân đội, cứu giúp nhân dân không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần, mà là mệnh lệnh từ trái tim. Chính vì suy nghĩ cao cả ấy mà bộ đội đã đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên mạng sống của mình. Chính mệnh lệnh trái tim đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ đạp bằng mọi hiểm nguy, gian khó để có mặt cứu dân nhanh nhất, bởi nếu chậm thì họ tự thấy mình không hoàn thành nhiệm vụ, như làm lỡ thời cơ cấp cứu người thân. Và cũng chính vì vậy mà đất nước đau đớn khi mất đi 13 cán bộ, chiến sĩ trên đường cứu hộ công nhân mắc kẹt ở Thủy Điện Rào Trăng 3, 14 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế – Quốc phòng 337… Thế nhưng, như những lời chia sẻ động viên của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đối với các anh hùng ngã xuống thời bình thì, đau đớn mất mát là điều không ai mong muốn, tuy nhiên hãy biến sự đau đớn khi mất đi đồng đội bằng những nỗ lực cao hơn nữa, để sự ra đi của họ không trở nên vô nghĩa.

Có lẽ, vì những tinh thần ấy mà trong bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ toàn quân không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, kịp thời có mặt ở những nơi gian khó; khẳng định vai trò của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Hôm nay, là tròn 76 năm kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân. Là dịp để nhìn lại những đóng góp và cả những hy sinh của người lính mang phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Xin kính cẩn nghiêng mình tri ân những người lính Cụ Hồ đã anh dũng hy sinh trong thời chiến và cả thời bình để dân tộc ta được sống những ngày tháng độc lập tự do hôm nay. Xin thể hiện lòng tri ân đối với những nỗ lực, cố gắng của lực lượng quân đội trong việc giữ gìn và bảo vệ an ninh đất nước. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng về những đóng góp, dẫn dắt, nâng tầm để Việt Nam ngày hôm nay có một lực lượng quân đội chính quy, tinh nhuệ, khiến thế giới phải ngả mũ thán phục như ngày hôm nay.

BBT Cánh Cò

Bài mới
Đọc nhiều