Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định 37 về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương trong toàn Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Sáng nay (9.12), tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai dự hội nghị. Ảnh Hải Nguyễn
Cùng tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Dự hội nghị tại các điểm cầu Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội của Trung ương và địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mới đây Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm.
Hội nghị này nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Quy định 37 về “Những điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương trong toàn Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Nâng cao nhận thức trách nhiệm, quyết định chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm thực hiện quyết liệt có hiệu quả Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
PGS.TS Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt, đã nhấn mạnh tới việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đây cũng là nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy, nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm cụ thể hóa tinh thần Đại hội vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động trong thực tế đã được ban hành, trong đó có nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp trong lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả
Trình bày Báo cáo về những nội dung chủ yếu về Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, từ năm 1990 đến nay, cùng với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các nghị quyết Đại hội Đảng từ khóa VII đến khóa XIII, Đảng đã ban hành các văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong đó, tại Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xem xét Báo cáo Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của BCHTW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Báo cáo kết quả thực hiện Quy định 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2012 của BCHTW khóa XI về những điều đảng viên không được làm, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, Quy định 37-QĐ/TW ngày 1/11/2021 về những điều đảng viên không được làm. Ngày 1/12/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 03-KH/TW để thực hiện Kết luận 21.
Đối với việc thực hiện Kết luận 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Kết luận số 21 tiếp tục nhấn mạnh những mặt đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII đó là, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy, tổ chức đảng; triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cổ niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Nhận thức, trách nhiệm cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên; nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hoà giữa xây và chống. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan cán bộ, đảng viên vi phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Thị Mai, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XI vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đó là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Sinh hoạt Đảng đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tiên phong, gương mẫu, còn quan liêu, cửa quyền, chưa sâu sắt cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái.
Bên cạnh đó, một số mục tiêu của Nghị quyết Trung ương IV khoá XI chưa đạt. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, còn nề nang, né tránh, ngại va chạm. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm.
Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo chưa rõ ràng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; việc nhận diện, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén, hiệu quả chưa cao…
Theo đồng chí Trương Thị Mai, Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức bộ máy, tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Trên cơ sở đó, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Kết luận 21, đó là: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình.
Thứ hai, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bổ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đối với việc triển khai Kế hoạch số 03-KH/TW thực hiện Kết luận số 21-KL/TW yêu cầu phải nhận thức sâu sắc tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong thực hiện Kết luận, tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đối với Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, theo đồng chí Trương Thị Mai đây là văn bản quan trọng để đảng viên nhìn nhận, soi xét lại mình, tự sửa mình trong công tác, cuộc sống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII, Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cấp phó trong quy hoạch
Điểm lại những nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kết luận 21, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, xã hội; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”.
Cùng với đó, thí điểm một số chủ trương, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ. Đặc biệt thực hiện giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cấp trưởng, cấp dưới trực tiếp.
Về kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 21, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư khái quát 11 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm việc tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đối với những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc quy định của Đảng, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc thì cấp trên phải xem xét, chỉ đạo cấp dưới kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Trong nhiệm kỳ này, sẽ tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo theo quy định, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành T.Ư Đảng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; trong Quốc hội khoá XV đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn (năm thứ 3, nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp).
Kế hoạch cũng yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách, tài sản nhà nước, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm, khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản thất thoát; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (thực hiện thường xuyên).
Tùng Lâm