+
Aa
-
like
comment

Trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa 13

11/05/2020 11:52

Tiểu ban nhân sự đã báo cáo Bộ Chính trị lần 2 về dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khóa 13 trước khi trình hội nghị TƯ hôm nay. 

Phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 12, Ban chấp hành TƯ khóa 12 sáng nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, TƯ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khóa 13, từ đó làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ khóa 13 và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 2026.

Trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa 13
Hội nghị TƯ 12

Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin

Theo Tổng bí thư, chúng ta phải xây dựng được một Ban chấp hành TƯ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng – thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Tiểu ban nhân sự đã chuẩn bị dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ khóa 13. Sau khi báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc TƯ và các ủy viên TƯ.

Tiểu ban đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị lần thứ 2 trước khi trình hội nghị TƯ hôm nay.

Báo cáo của Bộ Chính trị trình TƯ đã nêu khá đầy đủ về kết quả tổng kết công tác nhân sự Đại hội 12, về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng TƯ khóa 13 ; tiêu chuẩn ủy viên TƯ; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban chấp hành TƯ.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị mỗi ủy viên TƯ cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên.

“Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn ủy viên TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc”, Tổng bí thư đặt vấn đề.

Ngoài ra, Tổng bí thư cũng lưu ý đến phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.

“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, ‘lợi ích nhóm’, chạy chức, chạy quyền…”, Tổng bí thư nói.

Phương hướng bầu cử ĐBQH khóa 15

Về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 2026, theo quy chế làm việc của Ban chấp hành TƯ, thời gian qua Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao và Đảng đoàn QH đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng đề án về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 2026.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn QH đã hoàn chỉnh đề án trình TƯ xem xét, quyết định tại hội nghị này.

Trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa 13

Từ đó, đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đặt ra trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa 15 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 2026; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử.

Theo Tổng bí thư, cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới sẽ là lần thứ 3 thực hiện Nghị quyết hội nghị TƯ 4 khóa 10 về đổi mới tổ chức bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một thời điểm, theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về bầu cử hiện hành.

Tổng bí thư đề nghị TƯ thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề nêu trong đề án và tờ trình để có cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công việc bầu cử.

Trong đó, chú ý phân tích, bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề cốt yếu, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử.

Cụ thể mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; số lượng, cơ cấu, độ tuổi của ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội.

Hay như đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu HĐND ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức HĐND phường; ngày bầu cử dự kiến… và các công việc tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Bầu người thật sự xứng đáng dự Đại hội

Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ 13 , Tổng bí thư cho biết, theo quy định của Điều lệ Đảng, Ban chấp hành TƯ có nhiệm vụ quyết định việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc.

Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm việc phân bổ đại biểu ở một số Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Bộ Chính trị trình Ban chấp hành TƯ cho ý kiến về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đối với 67 đảng bộ trực thuộc TƯ.

Trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương khóa 13
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Theo đó, nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, bảo đảm thành công của Đại hội.

“Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc”, Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư đề nghị các ủy viên TƯ tập trung cho ý kiến về các nguyên tắc, tiêu chí để phân bổ đại biểu; việc dự kiến phân bổ số lượng cụ thể như đã nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị và các phụ lục số liệu kèm theo.

Sau khi Ban chấp hành TƯ thống nhất về nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định cụ thể số lượng đại biểu của từng đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 .

Cũng tại hội nghị này, TƯ sẽ cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau hội nghị TƯ 11 (tháng 10/2019) đến hội nghị TƯ 12 khóa 12; báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019.

“Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu kỹ và cho ý kiến vào những vấn đề cụ thể nhưng hết sức quan trọng này, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Kiểm tra TƯ trong thời gian tới”, Tổng bí thư lưu ý.

Bài mới
Đọc nhiều