Lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu vùng, làm sao sống?
Qua hai lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các nhà làm chính sách đều muốn hạn chế điều kiện nhận BHXH một lần, khuyến khích người lao động đóng tiếp hoặc bảo lưu, cộng dồn để hưởng lương hưu khi về già. Song quy định không dễ thực hiện khi vấp phải phản ứng của nhiều lao động.
Thống kê từ năm 2016 – thời điểm Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, mỗi năm khoảng 750.000 người rời khỏi hệ thống an sinh bằng cách rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, chiếm trên 5% tổng số người tham gia. Lao động rút một lần có tuổi đời bình quân 33, thường đóng BHXH từ 1 đến 3 năm, tập trung ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, thuộc các ngành nghề da giày, dệt may.
Đơn cử tại Đồng Nai, Bảo hiểm xã hội tỉnh này đã chi trả cho gần 42.000 người nhận BHXH một lần với số tiền 2.300 tỷ đồng, tính đến ngày 15/11. Thống kê cho thấy người “rút một cục” có mức lương tháng 5 – 6 triệu đồng, chủ yếu là lao động làm việc dưới 10 năm. Hồ sơ nhận trợ cấp một lần rất ít ghi nhận trường hợp lương cao từ 10 triệu trở lên. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai nhận định đa phần lao động rút BHXH một lần là công nhân trẻ, lương thấp, không có tích lũy.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội, nhận định công nhân rút BHXH một lần để làm việc riêng đã trở thành “tập quán”, không phải hình thành trong đại dịch mà đã có từ trước đó. Từng phỏng vấn nhiều nữ công nhân ngành may, ông nhận thấy họ có “chiến lược” cho việc này, chọn mốc đóng BHXH trên 10 năm và dưới 15 năm, rút một lần để lo việc lớn như xây sửa nhà, kinh doanh, mở tiệm tạp hóa, cho con vào đại học.
Ông Lộc phân tích, phần đông công nhân là lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, ý niệm về BHXH còn xa lạ. Họ quan niệm trẻ cậy cha, già cậy con và gia đình, con cái chính là “bảo hiểm xã hội tự nhiên” chứ không phải là số tiền tích lũy những năm lao động để sau này hưởng lương hưu. Đây chính là nhóm không kỳ vọng gì nhiều về già có lương hưu, ngược lại với số đông lao động văn phòng, trong khu vực nhà nước.
Với nhiều công nhân, BHXH một lần giống như là khoản tiết kiệm để làm việc lớn. Vụ ngừng việc tập thể của công nhân Pouyuen (TP HCM) năm 2015, để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (thiết kế theo hướng người lao động không được nhận hỗ trợ một lần sau khi nghỉ việc, mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu) thể hiện rất rõ “tập quán” này. Công nhân đi làm, đóng BHXH với kỳ vọng đây là một khoản tiết kiệm và khi các nhà làm chính sách muốn hạn chế thì họ không chấp nhận.
Hiện thu nhập gồm lương tối thiểu cộng tăng ca chỉ giúp hàng triệu công nhân sống trong ngưỡng tối thiểu, dễ rơi vào kiệt quệ khi có biến cố xảy ra. Do vậy, theo ông Lộc, giữa cái “trước mắt cần tiền” mà người lao động nhìn thấy và “tương lai về già có lương hưu”của chính sách BHXH đang không gặp nhau.
Các cán bộ công đoàn cơ sở – nơi gần gũi với công nhân lao động, thừa nhận gặp nhiều rào cản trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội. 16 năm làm công đoàn, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam – doanh nghiệp có hơn 27.000 lao động, thuộc Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), luôn tận dụng mọi cơ hội để giải thích về chế độ hưu trí, lợi – hại khi rút BHXH một lần cho công nhân. Song ông nhận thấy nhiều lao động có tâm lý không tin tưởng, nhất là khi họ đứng trước thực tế khó tiếp cận chính sách hỗ trợ…
Chính sách thay đổi liên tục cũng khiến không ít công nhân “phập phồng”. Vị cán bộ công đoàn không dám cam kết chắc chắn điều gì, khi lao động hỏi “quy định về lương hưu, bảo hiểm có hiệu lực chỉ vài ba năm đã sửa đổi, thì 20 – 30 năm nữa sẽ sửa đổi tiếp ra sao?”. Ông Trường thấy khó trả lời, vì vấn đề còn tùy thuộc vào cách tính, chỉ số bù đắp trượt giá, thay đổi của quy định pháp luật trong tương lai.
“Lương hưu xa vời, khó tính trong khi rút một cục thì tính được ngay”, ông Trường nói, lấy ví dụ người lao động làm việc 10 năm, lương đóng BHXH 7 triệu đồng, có thể tính liền số tiền hưởng trợ cấp một lần, quy ngay ra tài sản, trâu bò, làm nhà…
Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam, nhận thấy tâm lý e ngại, một phần không tin tưởng chính sách hưu trí của công nhân chính là rào cản lớn nhất. Bà Thủy ví dụ, khi khuyên người lao động tiếp tục tham gia BHXH để nhận lương hưu, một công nhân dẫn chứng người thân của họ vừa nhận quyết định chi trả chế độ hưu trí hơn 3 triệu đồng mỗi tháng.
Trong khi lương đóng BHXH của công nhân hiện nay cũng chỉ xấp xỉ lương tối thiểu vùng, chưa đầy 5 triệu đồng mỗi tháng. Tiền đóng BHXH 20 năm trước có giá trị, nhưng khi về già hưởng lương hưu lại mất giá, trong khi hệ số bù đắp không đáng kể, cũng khiến người lao động phải tính toán.
“Lương hưu thấp hơn cả lương tối thiểu vùng, làm sao họ sống?”, bà Thủy day dứt.
Hiến kế giải quyết các vấn đề nêu trên, ông Lê Nhật Trường cho rằng trước hết cần đẩy mạnh truyền thông để các công nhân nắm bắt được thực chất ý nghĩa của BHXH. Cơ quan bảo hiểm xã hội nên có những tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, tiếp cận đến từng doanh nghiệp, cập nhật kiến thức cho nhân sự làm chính sách an sinh ở từng nhà máy. Đó là lực lượng gần công nhân nhất. Với công nhân, cán bộ tuyên truyền phải có những cuộc trò chuyện trực tiếp, “mặt đối mặt”, lắng nghe để giải đáp hết khúc mắc.
Theo ông, nhiều công nhân rút BHXH một lần do không hiểu chính sách, với suy nghĩ “biết có sống đến ngày nhận lương hưu không mà đợi”, trong khi bệnh tật, rủi ro ngày càng nhiều. Song khi nghe giải thích về chế độ tử tuất, hỗ trợ cho bố mẹ, con cái, người thân nếu không may người lao động qua đời, họ đã suy tính lại.
Ngoài tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp có chính sách lương tốt sẽ giữ chân lao động ở lại với nhà máy. Khi đời sống công nhân được đảm bảo sẽ hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Tại Pousung, những công nhân có thâm niên trên 10 năm nhận lương cơ bản gần chục triệu đồng mỗi tháng, chưa tính các khoản phụ cấp khác. Nếu nghỉ việc để rút BHXH một lần, khi quay lại hệ thống, họ phải chấp nhận lương mới nên khá dè chừng, trái ngược với công nhân trẻ.
Bà Thủy thì nhận định ngoài công nhân dệt may, các ngành như chế biến thủy hải sản, giày da… ngoài 40 tuổi, nhiều lao động sẽ tự nghỉ việc. Phần nhiều lao động những ngành này là nữ, họ trở về quê chăm gia đình, con cái, hoặc nghỉ vì sức khỏe kém. Một nữ công nhân đi làm năm 18 tuổi và nghỉ việc lúc 40, đã có 22 năm tham gia BHXH bắt buộc. Họ phải chờ ít nhất 15 năm nữa mới có thể nhận lương hưu. Thời gian quá dài.
Có một thực tế là tuổi nghỉ việc và tuổi nghỉ hưu của nhóm lao động trực tiếp sản xuất ở Việt Nam đang cách xa nhau, khoảng 20 – 25 năm. Cần thu hẹp khoảng cách này, theo bà Thủy, khi đó người lao động mới có động lực chờ lương hưu.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đặt vấn đề cần có chính sách riêng cho nhóm công nhân trẻ, những người có xu hướng rút BHXH một lần. Cơ quan làm chính sách cần định nghĩa lại và làm tròn đầy hơn khái niệm “bảo hiểm xã hội” tránh diễn ngôn duy nhất là “nhận lương hưu”. Bởi trên thực tế, nhiều lao động rút BHXH một lần và lý luận rằng dùng khoản đó gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua bất động sản, kinh doanh, có tiền lo cho tuổi già.
“Chúng ta có thể thay đổi thói quen cho người lao động bằng việc tạo cho họ bệ đỡ chính sách ưu tiên”, ông nói, cho rằng ở Việt Nam thói quen chi tiêu tiền mặt còn phổ biến khiến lao động không chú ý tới việc xây dựng “hồ sơ tín nhiệm tài chính”, song vấn đề này lại được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia. Người lao động có hồ sơ tài chính minh bạch sẽ được tạo điều kiện mua nhà, mua xe trả góp theo chính sách ưu đãi của chính phủ nước đó. Việc hưởng chính sách hiện nay ở Việt Nam đang cào bằng, không quan tâm tới những người tuân thủ.
Việt Nam cũng cần tạo dựng dần chính sách ưu tiên cho lao động có hồ sơ tài chính minh bạch. Cụ thể, khi họ tham gia vào hệ thống BHXH, tuân thủ chính sách, đóng góp đầy đủ, có “hồ sơ tài chính tín nhiệm” cao, thì Nhà nước ưu tiên cho họ tiếp cận dịch vụ phúc lợi công ưu đãi. Ví như TP HCM sắp tới có 1 triệu căn nhà giá rẻ cho lao động, chính quyền áp dụng tiêu chuẩn này vào có lẽ sẽ đo lường được tính hiệu quả của chính sách.
Nhiều năm nghiên cứu về lao động di cư, ông nhận thấy nhóm công nhân trẻ, làm công việc giản đơn, dễ rút BHXH một lần khi có việc cần kíp. Nhưng họ cũng là lực lượng dễ quay lại hệ thống BHXH sau một vài năm. Doanh nghiệp cũng chấp nhận vì có lợi cho cả đôi bên, đóng BHXH với mức lương thấp.
Trong bối cảnh trên, Nhà nước có thể tạo hai hệ thống song hành, linh hoạt, bao gồm BHXH truyền thống và mã số an sinh xã hội. Mã số này kích hoạt khi người lao động nghỉ việc, tạm dừng tham gia BHXH hoặc chuyển từ khu vực chính thức sang phi chính thức. Trong thời gian đó, họ vẫn có thể duy trì mức đóng 8% vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Khi lao động trở lại đi làm trong doanh nghiệp, họ tiếp tục đóng BHXH và được hưởng nguyên quyền lợi như cũ.
Với quy định hiện hành, lao động nghỉ việc đồng nghĩa ngừng tham gia BHXH, vô hình trung “khuyến khích” họ rút ngay một cục tiền về. Dù cơ chế cho chuyển sang chế độ BHXH tự nguyện nhưng lao động không mặn mà vì mức hưởng thấp. “Thiết kế mã số an sinh sẽ như sợi dây níu lao động ở lại với hệ thống an sinh”, ông Lộc nói.
Tuyết Anh