“Lá chắn” ngăn chặn những ai mượn cái mũ “dám nghĩ, dám làm” để làm sai, làm trái
Đảng viên không được “lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm vừa được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định số 47 năm 2011 nhưng có nhiều điểm mới đáng chú ý, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Chặn những ai mượn cái mũ “dám nghĩ, dám làm” để làm sai, làm trái
Trong đó phải kể đến nhiều quy định mới liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Điều này đúng như tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vào tháng 10 vừa qua: “Việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Đầu tiên phải kể đến là Điều 3 của Quy định 37 bổ sung một nội dung hoàn toàn mới so với quy định cũ. Đó là đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyển quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.
Tổng Bí thư không ít lần nhấn mạnh: “Nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc…”.
Vì vậy, việc bổ sung Điều 3 với những nội dung hoàn toàn mới như nói trên là để khắc phục tình trạng “phai nhạt lý tưởng”.
Đáng chú ý là quy định lần này bổ sung thêm điều hoàn toàn mới vào Điều 11: Đảng viên không được “lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Điểm mới này nhằm thích ứng với các chủ trương mới của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Điều này có thể được xem như là “lá chắn” để ngăn chặn những ai lợi dụng danh nghĩa vì lợi ích chung, mượn cái mũ “dám nghĩ, dám làm” để làm khác, làm trái, làm sai quy định vì lợi ích riêng.
Đáp ứng yêu cầu mới
Điều 13 quy định, đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác” cũng là nội dung mà Quy định 47 chưa có.
Bên cạnh đó, Quy định 37 cũng bổ sung một số hành vi mới yêu cầu đảng viên không được làm. Đó là hành vi không được “đe doạ, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý” tại Điều 6.
Hay như Điều 9 cũng thêm hành vi không được “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”.
Đảng viên không được “có hành vi chạy chức chạy quyền” tại Điều 12; hành vi không được “tham ô” được bổ sung vào Điều 14 hay thái độ “thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội” trong Điều 18 cũng là những điểm mới của những điều đảng viên không được làm.
Những điểm mới này như Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua là nhằm đáp ứng yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi thì cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Tổng Bí thư yêu cầu, từng Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn.
Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa Quy định về những điều đảng viên không được làm mà Trung ương mới bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.
Những điều đảng viên không được làm cũng là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Tùng Lâm