Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị phương án nhân sự Đại hội vào tháng 9/2020
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị về công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ TP bao gồm văn kiện và phương án nhân sự vào tháng 9 tới.
Sáng nay (24/7), Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của Văn phòng T.Ư Đảng, các ban Đảng T.Ư và Hội đồng Lý luận T.Ư vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 2025.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội dự kiến tổ chức Đại hội Đảng bộ TP vào cuối tháng 10 này. Dự kiến, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ báo cáo Bộ Chính trị về công tác tổ chức Đại hội bao gồm văn kiện và phương án nhân sự vào tháng 9.
Hiện nay, TP đang gấp rút hoàn thành việc lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị.
Ông Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, giúp cho TP xây dựng được chiến lược phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Góp ý kiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, nhiệm kỳ này là nền tảng, cơ sở cho sự bứt phá sắp tới.
Theo ông, 5 năm vừa rồi, Hà Nội có nhiều sự thay đổi, nhất là quy hoạch, quản lý.
Dù công tác quy hoạch, quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, nhưng theo ông Thắng, nên làm rõ thêm về kỷ cương thực hiện trật tự đô thị. Ông cho hay việc xử lý nhiều toà nhà xây không theo giấy phép, vi phạm pháp luật rất khó khăn.
“Với Hà Nội, quan trọng nhất để văn minh, xanh, sạch thì điều đầu tiên là quy hoạch”, ông Thắng nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư cũng đề nghị đánh giá nghiêm túc việc phát triển 5 TP vệ tinh rất chậm, thậm chí có TP hiện chưa khởi động.
Theo ông Thắng, nếu không làm được các TP vệ tinh, đưa dần các trường đại học ra khỏi nội đô… thì “không gian Hà Nội sẽ bị co trong nội đô”.
Đề xuất thêm một sân bay quốc tế tại Hà Nội
Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư Trần Quốc Cường bày tỏ, ông cảm thấy Hà Nội phát triển hạ tầng đô thị rất mạnh chủ yếu phía Bắc và Tây, còn phía Nam thì kém.
Ông Cường cho rằng, Hà Nội cần chú ý phát triển hệ thống giao thông phía Nam, tạo tam giác kinh tế là Hà Nội Hải Phòng Quảng Ninh và Hà Nội Thanh Hóa Hà Tĩnh.
“Kể cả phát triển thêm một sân bay quốc tế để giảm tải cho sân bay Nội Bài”, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư nói.
Đi cùng với phát triển hạ tầng giao thông, theo ông Cường, Hà Nội cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, cứu hộ, ứng phó biến đổi khí hậu.
“Yêu cầu xây dựng đô thị đặc biệt vì quy mô dân số rất lớn, phát triển kinh tế xã hội rất lớn thì công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đề nghị bổ sung thêm việc phải đầu tư một cách trọng điểm, hiệu quả về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, đào tạo đội ngũ phòng cháy, chữa cháy”, ông Cường nêu.
Đề cập đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo ông Cường, dự thảo báo cáo cần bổ sung thêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy định số 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, có kèm số liệu cụ thể.
Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư còn đề nghị, mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước vì liên quan đến “phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt”.
Một vấn đề nữa, theo ông Cường, cần lưu tâm đến tình huống có thể xảy ra những vụ bạo động, biểu tình rất lớn để có phương án xử lý.
“Với góc độ nhìn từ nội chính, tôi mong Hà Nội suy nghĩ đến việc xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đặc thù Thủ đô để có thể đáp ứng yêu cầu khi giải quyết những vụ biểu tình, bạo động đông người”, ông Cường góp ý.
Hương Quỳnh/ VNN