+
Aa
-
like
comment

Chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa sống còn với vận mệnh đất nước

02/02/2020 07:19

Không ai đánh bại được chúng ta ngoại trừ chính chúng ta, nếu những khuyết điểm và sai lầm không được nhận thức, không được sửa chữa.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, trả lời báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Để chăm lo thế nước, vun đắp lòng dân, xây dựng Đảng xứng đáng “là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, dẫn dắt công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, Đảng ta ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Mấy năm nay, nhân dân cũng thấy rất rõ, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được tiến hành quyết liệt, rốt ráo. Quá trình chống tham nhũng, chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” được đặc biệt coi trọng, đặc biệt kể đầu nhiệm kỳ khóa XII và “không dừng, không ngừng”. Tính từ đầu nhiệm kỳ, hơn 90 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, kỷ luật, thậm chí truy tố trước pháp luật và hàng vạn đảng viên khác phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình.

PV: Thưa GS Vũ Minh Giang, là người có nhiều năm nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy trong thời gian qua?

GS.TS Vũ Minh Giang: Việt Nam rất cần một chính quyền mạnh vì lịch sử hàng nghìn năm cho thấy, ở một địa chính trị đặc biệt, chúng ta có quá nhiều điều phải ứng phó. Một hệ thống chính trị nhất nguyên là hoàn toàn cần thiết và trong thời gian dài, sức mạnh của hệ thống đó phát huy tác dụng. Tuy nhiên, quyền lực nếu không được kiểm soát thì rất dễ bị tha hoá. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nói về điều này. Và thực tế có nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, đến cả Ủy viên Bộ Chính trị bị mắc khuyết điểm.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, song một nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta phải để tâm khắc phục là làm sao quyền lực, nhất là quyền lực với mỗi cá nhân phải được kiểm soát. Ta đang từng bước thực hiện thành công mục tiêu đó. Lòng tin của nhân dân tăng trở lại và hy vọng vào tương lai tươi đẹp hơn với bộ máy trong sạch hơn, vì dân, vì nước nhiều hơn.

Hệ thống chính trị nhất nguyên hoàn thiện hơn, định chế, cơ chế giám sát quyền lực, nhất là coi trọng vai trò giám sát của người dân chính là điều nhân dân mong muốn

Nhân dân và cả đội ngũ cán bộ đảng viên không ai muốn thêm vị này vị kia bị đưa ra xử lý, mà muốn làm sao hiện tượng đó không có nữa, tức là xử lý triệt để tận gốc là kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói một cách hình ảnh là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” chính là việc giám sát quyền lực để quyền lực không bị tha hoá.

PV: Thưa PGS Nguyễn Viết Thảo, ông chia sẻ gì về vấn đề kiểm soát quyền lực? Và ông có thể nêu ra những bài học đắt giá khi buông lỏng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

PGS Nguyễn Viết Thảo: Tôi hoàn toàn chia sẻ tầm quan trọng sống còn, nóng bỏng hiện nay là hoàn thiện “lồng” thể chế, pháp luật, cơ chế để kiểm soát quyền lực từ đầu cũng như trong suốt quá trình thực thi quyền lực, ở mọi cấp, mọi nơi, mọi chức danh. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì chắc cũng không đi đến tận gốc.

Tôi nghĩ cần nhấn mạnh toàn bộ nội dung đầy đủ của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức. Có như thế, cộng với “lồng” cơ chế pháp luật thì mới có một Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, xứng đáng với vai trò tiền phong, lãnh đạo cả dân tộc.

Chúng ta nhớ lại câu kinh điển nhưng đầy ý nghĩa thực tiễn của Lênin: Không ai đánh bại được chúng ta ngoại trừ chính chúng ta, nếu những khuyết điểm và sai lầm không được nhận thức, không được sửa chữa.

Liên Xô tan rã bắt đầu từ đâu? Chính là từ tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô khi công tác xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả chóp bu lãnh đạo rệu rã, mất phương hướng, thậm chí có dấu hiệu phản bội. Một Đảng với gần 20 triệu đảng viên mà gần như không có hành động nào đáng kể bảo vệ XHCN. Bài học thực tiễn này đắt giá lắm, nên chúng ta phải xây dựng Đảng một cách đồng bộ, toàn diện, trong đó có nội dung nóng bỏng là chống tham nhũng, tiêu cực – dù đây không phải toàn bộ và cũng chưa chắc là nội dung quan trọng nhất của công tác xây dựng Đảng.

Tôi cho rằng, thời điểm này, xây dựng chỉnh đốn Đảng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn có ý nghĩa quyết định, sống còn đối với vận mệnh đất nước, vận mệnh của chế độ.

PV: Cuộc khủng hoảng ở Liên Xô cho thấy một thực tế “đảng đông nhưng không mạnh”. Điều này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng từng dẫn câu nói của Lênin “thà ít mà tốt”. Vậy làm thế nào để đảng vừa đông lại vừa mạnh, thưa GS Vũ Minh Giang?

GS.TS Vũ Minh Giang: Số lượng là một thực thể, nhiều khi là đáng kể nhưng chất lượng tập hợp ấy còn quan trọng hơn. Nói vừa đông, vừa mạnh chính là muốn lực lượng hùng hậu và chất lượng tập hợp ngày càng tăng lên. Muốn chất lượng tập hợp ấy trở thành sức mạnh vật chất thì trước hết từng cá thể phải được rèn luyện về phẩm chất đạo đức, phải được nâng cao nhận thức. Đặc biệt là ý chí chiến đấu của người cộng sản phải không ngừng được trui rèn. Các yếu tố này thuyên giảm thì nó trở thành bình thường, rồi sau đó tầm thường, dẫn đến tập hợp đông đôi khi thành ô hợp vì ai cũng lo cho cá nhân mình, nhóm của mình. Điều đó dẫn đến như vectơ ngược chiều đẩy nhau làm cho thực thể nhanh chóng tan rã.

Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra cơ chế, quy định có tính pháp lý để kiểm soát quyền lực thì đồng thời công tác giáo dục, xây dựng Đảng phải làm thế nào để có đội ngũ mong muốn. Ở đây có việc lựa chọn cán bộ vào đội ngũ chủ chốt, nhất là cấp chiến lược phải hết sức thận trọng. Bởi không cẩn thận thì người nhận được nhiều sự đồng tình chưa chắc là người chúng ta cần, vì cán bộ đó có cái “tài” vận động phiếu, tranh thủ chỗ này, chỗ kia. Cho nên rất cần xem xét lại quá trình để xem người cán bộ đó là ai, lập được công trạng gì hơn là được nhiều người ca tụng.

Thứ hai, xin nhấn mạnh việc rèn luyện thường xuyên đối với cán bộ, kể cả người người đã trong hàng ngũ có chức, có quyền. Chẳng đâu xa, tôi nhớ Bộ Chính trị Lào thường xuyên mời chuyên gia phía Việt Nam sang để tổ chức lớp nâng cao lý luận. Tôi từng tham gia lớp như vậy và thấy toàn bộ lãnh đạo từ cấp cao nhất của Đảng, Chính phủ ngồi nghe rất nghiêm túc. Người có chức vụ cao nhất thấy vẫn cần đi học.

Do đó, theo tôi muốn Đảng “vừa đông, vừa mạnh” thì phải mạnh từng cá nhân, chú trọng công tác tổ chức và rèn luyện nâng cao trình độ thường xuyên.

PV: Chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta đã dặn lại rằng, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Nửa thế kỷ qua, những lời dặn này, dường như chưa cũ, phải không thưa PGS Nguyễn Viết Thảo?

PGS Nguyễn Viết Thảo: Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trước lúc đi xa, trước hết Bác nói về Đảng. Người nhấn mạnh nhiều lần chữ “thực sự”: Đảng ta phải thực sự đoàn kết thống nhất, cán bộ đảng viên phải là những người đầy tớ thật trung thành của nhân dân… Bác quan tâm trăn trở lo lắng về điều đó là hoàn toàn có lý. Bác là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện đảng ta nên rất rõ cái mạnh và vấn đề đang đặt ra cho Đảng.

Lo lắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đúng với những năm đó mà kiểm nghiệm lại 50 năm qua có thể thấy Bác để lại lời cảnh báo, lời chỉ dẫn và quan điểm xử lý vấn đề một cách toàn diện.

Chúng ta tích cực xây xựng chỉnh đốn Đảng nhưng nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng quang vinh, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, có trách nhiệm với Đảng, với dân thì chúng ta phải khẳng định công cuộc chính đốn Đảng chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa đúng như mong đợi của nhân dân. Bởi vậy, để luôn luôn xứng đáng với niềm tin của nhân dân, với vai trò đội tiền phong của dân tộc thì không còn cách nào khác, Đảng ta phải thực hiện ngày càng có hiệu quả Di chúc của Bác Hồ về xây dựng, chính đốn Đảng trên tất cả bình diện, trong đó có vấn đề nóng bỏng trước mắt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh.

PV: Quay lại điều mà GS Vũ Minh Giang nói là Đảng muốn mạnh thì từng đảng viên phải mạnh. Người ta nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, người dân nhìn vào những người gần mình nhất có nêu gương hay không. Vậy trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng, người đứng đầu có vai trò thế nào, nhất là vai trò nêu gương?

GS.TS Vũ Minh Giang: Với một đảng chính trị thì người đứng đầu có vai trò cực kỳ quan trọng vì tất cả đảng viên – lực lượng nòng cốt của tổ chức chính trị ấy hướng về người đứng đầu không chỉ ở tư tưởng, tài năng lãnh đạo, thuyết phục dẫn dắt mà còn là tấm gương sáng của cá nhân. Đảng ta trong thời gian rất dài có sự trong sạch vững mạnh vì có người sáng lập và lãnh tụ Đảng là tấm gương về đạo đức, chứ không chỉ vì tài năng, năng lực lãnh đạo.

Người Việt Nam hay nói rằng “nói không đi đôi với làm”, nói hay nhưng thực tế cuộc sống không đúng như những gì mình nói thì hiệu lực lời nói không những không tác dụng mà có khi ngược lại. Nhưng khi có biểu hiện tấm gương sáng về hy sinh, liêm khiết, trong sạch thì chỉ nói nửa ý người ta cũng theo. Bản thân cuộc sống của người đứng đầu đã là điều gửi thông điệp gì đó.

Hiện nay chúng ta làm mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; làm trong sạch Đảng là có cả vai trò nêu gương của người đứng đầu chứ không phải chỉ là biện pháp quyết liệt. Bởi nếu chỉ quyết liệt thì người ta có trăm phương nghìn kế để hoá giải, vô hiệu hoá.

PGS Nguyễn Viết Thảo: GS Vũ Minh Giang nói rất sâu sắc. Ta đều biết rằng trước kia chưa có nhiều quy định, quy chế như bây giờ nhưng tại sao toàn dân hồ hởi tin tưởng theo Đảng, Chính phủ? Vì lúc ấy, lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo ưu tú, kiệt xuất của Đảng và Nhà nước là tấm gương rất sáng về đạo đức, phong cách lối sống, trí tuệ, năng lực…

Trung ương Đảng ta nhiệm kỳ hiện này đã tiếp thu bài học ấy, ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định rất cần thiết, nhưng nhân dân chờ đợi thực hiện trong cuộc sống. Trước hết ở Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, dứt khoát phải chọn được cán bộ gương mẫu, là tấm gương vào vị trí đứng đầu. Còn để xác định người đó thực sự là tấm gương thì dựa vào dân xem có phải là tấm gương thật hay không. Bác Hồ nói một câu rất sâu sắc là dựa vào dân để xây dựng Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Hương Giang – Ngọc Thành/VOV

Bài mới
Đọc nhiều