“Xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”
Dân có giàu thì nước mới mạnh. Vì thế mà chúng ta mới ra được Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đi cùng với sự phát triển đó, chúng ta cần cảnh báo nghiêm khắc đội ngũ cán bộ, đảng viên không để xảy ra hiện tượng “dân coi thường”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ về việc dùng người là quốc sách. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì cán bộ là những người đưa đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, phổ biến cho nhân dân, giúp nhân dân thi hành. Để có cán bộ tốt, không cách nào khác là phải đào tạo, bồi dưỡng.
Người Việt Nam ai cũng thấu, nghèo là nỗi nhục. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tâm sự với thanh niên, sinh viên: “Sứ mệnh của thế hệ chúng tôi là rửa nỗi nhục mất nước. Bây giờ có hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước rồi, sứ mệnh của thế hệ các bạn là rửa nỗi nhục nước nghèo; đưa đất nước giàu mạnh sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Cùng với việc khuyến khích cả xã hội làm giàu thì chúng ta lại phải cảnh giác với sự làm giàu của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ cổ chí kim, ông bà ta vẫn luôn căm ghét “tham quan ô lại”. Người dân thuộc mọi thành phần kinh tế có thể làm bất cứ điều gì để giàu nếu pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức thì không được phép lách luật làm giàu bằng mọi giá.
Khi đã là cán bộ, đảng viên thì phải thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Vào Đảng không phải để làm quan, phát tài”. Những người có chức, có quyền mà chỉ lo làm giàu cho bản thân thì rất dễ “buôn ô bán lọng”, ngày nay gọi là “thị trường chạy chức, chạy quyền”. Đây là nguy cơ gây ra bất công, bất ổn xã hội, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước, của Đảng và chế độ.
Hiện tượng cán bộ có chức, có quyền “chấm mút” không chỉ khiến “dân coi thường” mà còn gây nên hiện tượng phân hóa giàu-nghèo trong Đảng. Đây là tâm sự đau đáu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta:
“Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu-nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống xa cách người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?… Mai kia, Đảng này sẽ là Đảng của ai?”.
Mối quan hệ giữa “Đảng là người lãnh đạo” và “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” là mối quan hệ mật thiết hữu cơ, thiếu một trong hai yếu tố đó, Đảng không còn lý do để tồn tại.
Nâng cao phẩm chất, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không chỉ để thực hiện tốt chức năng, vai trò “người lãnh đạo”, mà chính là để làm tròn bổn phận cao cả của “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Là người đầy tớ thì phải có những phẩm chất trung thành, tận tụy, trung thực, cần kiệm, liêm chính, lo trước thiên hạ, vui sau mọi người.
Là người lãnh đạo, cần phải có trí tuệ, trình độ, năng lực, sáng suốt hơn người, nhìn xa trông rộng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Do đó, để xứng đáng với sứ mệnh của mình, Đảng phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hiền, vừa minh.
Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu, lý tưởng đã đề ra; nhưng mặt khác, Đảng là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị. Để Đảng không đi chệch hướng, nhất thiết phải phục tùng sự giám sát của nhân dân. Nhân dân chỉ tin và làm theo những gì Đảng đúng và Đảng phải thực sự quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực và chính đáng của nhân dân.
Bài học mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô là: “nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi”, nên “Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu nên khi tình huống xấu xảy ra đã tan rã. Có thể nói, đây là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải thấm thía, luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào “vết xe đổ” đau xót đó”.
“Dân coi thường” là một hiện tượng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo nghiêm khắc đội ngũ cán bộ, đảng viên trong buổi nói chuyện với đảng viên trẻ ngày 27/8/2019. Đồng chí nhấn mạnh: “Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng tham thế, chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút. Nói nhỏ là chấm mút, nói to là vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, dân coi thường”.
Những lời cảnh báo về hiện tượng “dân coi thường” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đảng viên trẻ cũng chính là lời nhắc nhở cán bộ, đảng viên cả nước, trước hết là với những người có chức, có quyền phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, quyết tâm phòng, chống nạn “chạy chức, chạy quyền” để giữ vững danh hiệu “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Trước sức cám dỗ của quyền lực, trước sự tác động của văn hóa thực dụng… một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, xa rời chức trách “người đày tớ nhân dân”. Thực trạng này trực tiếp đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần chỉ dẫn của Người, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, cho Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là người lãnh đạo xứng đáng, là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân.
Lấy mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng hoà quyện vào niềm tin chân chính và sức mạnh vô địch của nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Làm được như vậy, nhất định Đảng ta “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc.
Hồng Đinh