Vietnam Airlines hỏi: “Chúng tôi là ai?”
“Chúng tôi là ai?” là một sai lầm trong xử lý khủng hoảng truyền thông của VNA, nếu nó là một phần của kịch bản xử lý khủng hoảng.
Câu chuyện chiếc áo bị dí tàn thuốc, sự kỳ thị bôi bác cả đội ngũ của một số người (cho dù tới nay chả có gì xác nhận nó là sự thật: ko có địa chỉ xảy ra sự việc; không có tên tuổi “nạn nhân”, không có ví dụ cụ thể rõ ràng về sự kỳ thị…) dù sao cũng có những cảm thông nhất định. Không hẳn là do người ta tin ngay rằng có sự việc như thế, nhưng chuyện đó cũng khiến mỗi người kích hoạt sự thận trọng, kích hoạt cái phanh trong chính mình: đừng ném đá quá đà, vô căn cứ, vơ đũa cả nắm… Và từ đó, đừng vì sự vô trách nhiệm và cẩu thả của BN 1342 mà xúc phạm hoặc phủi đi những gì đội ngũ tiếp viên VNA đã làm được cho xã hội, cho cuộc đời.
Chuyện lẽ ra, cứ để mỗi người tự điều chỉnh với sự thiện cảm và công tâm tự thân. Nếu thế thì đã tốt đẹp.
Thế thì hôm nay lại mọc ra cái thông điệp “chúng tôi là ai…?” kể lể công trạng và sự hy sinh của mình, khi mà cả xã hội đang gồng lên sau mấy tháng bình yên vì sai phạm của BN1342 và sự thiếu trách nhiệm của VNA trong quản lý cách ly.
Cho dù các bạn là ai, thì các bạn đều là công dân, phải chấp hành nghiêm túc quy định về cách ly.
Cho dù các bạn là ai, thì cũng bình đẳng trước pháp luật. Vi phạm luật hình sự thì bị phạt tù. Ngay cả những người hôm qua vào sinh ra tử hiện cũng đang thụ án trong trại giam khá nhiều. Nên nhìn vào đó để biết mình chưa là ai cả.
Cho dù bạn là ai, thì mỗi nghề đều có đặc thù nghề nghiệp. Cô tiếp viên trên trời hay anh thợ lau kính cao ốc hay chị quét rác ngoài đường hay anh công nhân vệ sinh ống cống thành phố đều có thể bị tai nạn rủi ro khi lao động. Không có cái nào hy sinh hơn cái nào.
Cho dù bạn là ai thì bạn đang làm một nghề nuôi sống bản thân chớ không phải xung phong nhận cái khổ về mình. Không nên tự vỗ ngực như những người sẵn sàng hy sinh, lấy máu viết đơn xin đi đánh giặc vậy được.
Tất cả những gì nên làm, những ngày qua các bạn đã làm rất đẹp: xin lỗi xã hội vì sự vô kỷ luật của đồng nghiệp; coi đây là bài học để cẩn trọng hơn.
Vậy mà giờ lại đi hỏi xã hội “chúng tôi là ai..?”. Nghe quen quen như những tay sặc men bia từng bị an ninh hàng không lập biên bản cấm bay vì hành xử “mày biết tao là ai không?”.
Nếu đây là chi tiết trong một kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông của VNA thì các bạn đã phạm những sai lầm nguyên tắc:
– Không ghi nhận sai lầm (vừa ghi nhận xong thì xoá đi bằng thái độ vừa nói)
– Không kiểm soát thông tin
– Gây nghi ngờ về sự chân thành khiến thông tin tiếp theo không còn đáng tin cậy.
Thực ra trước khi hỏi xã hội “chúng tôi là ai…?”, các bạn nên tự biết các bạn là ai!
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả