Viết cho một thế hệ biết ngẩng đầu và biết cúi đầu
Giữa thời bình, máu vẫn đổ, nước mắt vẫn rơi, những người lính vẫn ngã xuống, họ trẻ, rất trẻ, thậm chí, có những chàng lính còn kém cả tuổi tôi. Họ đã nằm xuống, họ đã hi sinh khi chúng tôi đang mải mê vùi đầu vào game và net. Họ chẳng có gì ngoài lý tưởng, ngoài tình yêu Dân tộc và Tổ quốc này, họ lặng lẽ ra đi mà không hề kể công hay than mệt mỏi…
Tôi nhớ, năm 2016. Tai nạn kép của Không quân Việt Nam khiến chúng ta bàng hoàng, tôi có chia sẻ đôi dòng cảm xúc không thể kìm nén được của mình lên trang FB cá nhân. Tôi nhận được rất nhiều lời chia sẻ và đồng cảm. Có rất nhiều người nhắn tin để bày tỏ lòng tôn kính với những người lính đã hi sinh. Bên cạnh đó, cũng chẳng ít kẻ nói ra nhiều điều không hay, có những kẻ lợi dụng chuyện đó để định hướng chính tri, tôi đọc và tôi hiểu.
Tôi đã từng viết trong một vài dòng chia sẻ: “Ai yêu Cộng sản hay ghét Cộng sản thì mặc ai, nhưng bất kể kẻ nào hả hê, vô tâm, hay hời hợt trước sự hy sinh của những người đã ngã xuống để mình được sống trong bình yên, thì những kẻ đó đáng nhận được hai từ: “KHỐN NẠN”. Tôi nhận được nhiều lời đồng cảm, tôi bỗng nhiên thấy chút vui trong lòng, không phải vui vì sự hi sinh của người lính, mà vui vì tôi đọc được quá nhiều lời tri ân của thế hệ trẻ dành cho những người lính ấy.
Ôi! Họ biết đau đấy, biết kính trọng. Họ biết đến sự hi sinh của những người lính. Có lẽ, họ hiểu được giá trị của hòa bình. Họ không hề vô tâm chút nào, chỉ là, họ không nhận ra thôi…
Tôi đã có niềm tin vào một thế hệ biết cúi đầu, cúi đầu theo đúng nghĩa. Cúi đầu biết ơn và cúi đầu nhìn nhận.
Ngày 22.9.2019, Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy – cánh bay huyền thoại của Không quân Việt Nam, người đã từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ qua đời. Tôi biết ngày này sẽ đến, nhưng vẫn bàng hoàng, tôi chưa bao giờ có được cơ hội gặp ông, nhưng cũng được nghe, được đọc về ông rất nhiều.
Ôi! Đau xót làm sao… Lại một huyền thoại nữa nữa ra đi, lớp lớp người anh hùng cứ dần dần rời bỏ thế hệ trẻ chúng tôi, làm những đứa trẻ đang núi kéo một thời hào hùng của thế hệ cha anh như tôi tuột mất thêm một hi vọng.
Tôi đọc thật nhiều, thật nhiều, tất cả những trang mạng đều đưa tin về người anh hùng chân đất Nguyễn Văn Bảy, ngay cả những diễn đàn giới trẻ mà hàng ngày tôi cho là “câu like” “xàm xí”, hay những người bạn chưa hề có một bài viết nào trên FB, họ đều viết, đều nói về ông bằng tất cả lòng biết ơn và tôn kính. Và tất cả những bình luận, những bài chia sẻ của thanh niên chúng tôi đều thể hiện niềm đau thương. Chỉ cần 1 bình luận xuyên tạc về ông thôi, thì ngay lập tức, hàng trăm, hàng ngàn sự bức xúc, giận giữ được thể hiện …
Hoá ra, bọn trẻ chúng tôi không hề thờ ơ, chúng tôi không hề vô ơn. Mà làn sóng của sự tôn kính, của tình yêu dân tộc chưa có cơ hội được thể hiện mà thôi. Ẩn sau cái vẻ như đang thờ ơ đó, là ngọn lửa yêu nước đang âm ỉ, đang đỏ rực, và nó có thể bùng lên bất cứ lúc nào, khi bất kì kẻ nào động vào một đất nước ngoan cường, động vào lòng tự tôn dân tộc của chúng tôi…
Trong lòng, lũ trẻ chúng tôi dù được gặp hay chưa, được nghe hay không, đều có chung một cảm xúc, một niềm tôn kính những người anh hùng thực thụ, những người sẵn sàng xả thân vì thế hệ mai sau….
Sáng nay, khi nhìn thấy hình ảnh của Trung tướng Phạm Phú Thái cúi đầu chào tiễn biệt Anh Hùng Nguyễn Văn Bảy trong lễ tang. Tôi đã xúc động mạnh. Những người lính xưa kia, họ ngẩng cao đầu để xông vào trận mạc, họ ưỡn ngực đón đạn hứng bom, họ vào sinh ra tử cùng nhau, họ chưa bao giờ cúi đầu trước khó khăn, họ chưa bao giờ cúi đầu trước hòn tên mũi đạn, những khí tài hiện đại và ác liệt nhất hay bất kì sự man rợ nào, họ chưa bao giờ cúi đầu trước bọn địch bặm trợn to lớn. Nhưng họ đã cúi đầu trước người đồng đội, họ cúi đầu biết ơn và tôn kính…
Còn chúng tôi. Liệu có cúi đầu? Nếu quên mất cội nguồn, chúng tôi sẽ ra sao? Có bơ vơ và vô vọng hay không?
Chúng tôi – người ta gọi là thế hệ cúi đầu, còn tôi tự gọi mình là thế hệ hạnh phúc. Hạnh phúc bởi chúng tôi không bị ám ảnh bởi tiếng súng, tiếng bom. Chúng tôi được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất, chúng tôi được hưởng thành quả mới nhất của nhân loại. Không lý do gì để thế hệ này quên đi giá trị thực. Chẳng hà cớ gì thế hệ này lại vô trách nhiệm và vô ơn…!
Liệu tôi có quá bi quan không, khi chỉ nhìn vài hành động, nghe vài lời nói mà đã vội vàng tự cảm thấy buồn cho một thế hệ?
Một niềm tin mãnh liệt dâng trào, niềm tin về một thế hệ “biết cúi đầu” tạ ơn và biết ngẩng cao đầu hiên ngang để dốc sức dời non lấp bể cho một đất nước tự cường!
Tôi tin rằng thế hệ chúng tôi luôn biết ơn và trách nhiệm.
Tôi đã từng sợ vài trăm năm sau, lịch sử chỉ ghi về chúng tôi một dòng vắn tắt… “Một thế hệ buồn, nhạt nhẽo đã đi qua”…
Tôi đã từng sợ nhưng không hề vô vọng. Bởi vì lịch sử là do chính tay những người của thế hệ đó viết nên. Ngay cả tôi, cũng đã bao lần dùng dằng, chòng chành trước chút khó khăn, sợ hãi trước một vài vấp ngã. Nhưng, ngoài kia vẫn còn nhiều lắm, nhiều lắm những bạn trẻ đang dấn thân, đang dám nghĩ, dám làm những điều lớn lao cho đất nước…đang trăn trở, lo toan, và biết ơn, trách nhiệm…
Vẫn còn cơ hội để thế hệ trẻ chúng tôi thay đổi. Để sử sách lưu lại, chúng tôi – một thế hệ biết ngẩng đầu và biết cúi đầu …!
Tôi nhớ lại nụ cười tươi xinh của bé con nơi ngã tư đường, có lẽ, lớn hơn một chút, bé cũng sẽ hành động như tôi, và cảm thấy hạnh phúc như tôi…
Tôi tin vào một thế hệ “Biết cúi đầu”!
Phương Trang
Bài viết liên quan
Chẳng lẽ nỗi sợ của thế hệ anh hùng lại trở thành sự thật sao?