+
Aa
-
like
comment

Chẳng lẽ nỗi sợ của thế hệ anh hùng lại trở thành sự thật sao?

26/09/2019 14:42

Tôi đã từng rất buồn lòng, tôi đã từng tin vào nỗi sợ hãi của những vị anh hùng, tôi đã từng nghĩ, tôi đã từng sợ, sợ người ta sẽ lãng quên những con người đó, quên một thế hệ anh hùng… 

Có một lần dừng đèn đỏ trên ngã tư, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nhạc xập xình ở các hàng quán ồn ào, lấn át tiếng hát của một ca khúc cách mạng nào đó. Tôi ngoái nhìn, một người lính già (có lẽ vậy), ông cụt một tay, đứng đó với gói bông tăm, bật lửa, ông cứ hát, dòng người dừng lại rồi dòng người đi qua… không một ai chú ý đến chiếc áo quân phục đã cũ mèm, bạc phếch của cụ.

Tôi vội vàng lục cặp tìm ví, chỉ còn đúng vài chục nghìn, tôi gọi nhỏ “ông ơi, bán cho con gói tăm bông”. Tôi đưa ông 20 ngàn, cẩn trọng bằng hai tay và nói cảm ơn. Ông loay hoay lục túi để tìm tiền thừa, tôi vội nói “ông ơi thừa vài ngàn thôi, con biếu ông”, ông cụ lúng túng “cảm ơn cô”. Tôi hỏi thêm “có phải trước ông là bộ đội không?”. Ông xua xua “lâu rồi, xong rồi, thắng rồi”. Tôi lặng người, có lẽ cụ không muốn nhắc đến máu và đạn, ông cụ lấy tay quẹt mồ hôi trên trán, tôi thấy vậy, vội vàng lấy cốc trà chanh vừa mua trên đường định biếu cụ, loay hoay mãi không tháo được cái túi bóng, đúng lúc thì đèn xanh.

Dưới tôi, người ta bấm còi inh ỏi. Tôi ngẩng đầu, bất chợt chạm ánh mắt của một bác trai tầm 60 tuổi khắc khổ, có một vết thẹo dài trên mặt, một ánh mắt như biết cười, sáng lên niềm hy vọng. Ánh mắt tôi lướt qua bác, bác gật đầu ra vẻ đồng ý, dường như bác đã theo dõi hành động của tôi trong suốt hơn 90s vừa qua. Phải chăng, bác cũng từng là một người lính?

Mọi người đều rất vội, còn tôi vẫn lung túng tháo nút buộc của cái túi bóng ở móc treo. Có một cô bé xinh xắn chừng lớp 3 nhìn tôi cười rất tươi, mẹ cô bé cũng quay sang nhìn tôi, tôi không biết cô bé ấy cười vì điều gì. Tôi chỉ đủ quan sát trong vài giây, thì một tốp thanh niên đằng sau bấm còi inh ỏi, họ phóng qua, tôi nghe loáng thoáng “bố con điên, nó thiếu gì tiền”, “Đi thì đ** đi, đèn xanh rồi cứ đứng”. Tôi hơi sửng sốt, quay lại nhìn ông cụ ái ngại, có lẽ cụ hiểu chuyện gì đó, cụ xua tay ra hiệu tôi đi đi, và vẫn tiếp tục hát…

70413939_1866760780136407_2505889670894714880_n

Trở về nhà, gặp đứa em năm nay đã lên lớp 12. Tôi hy vọng rằng, tôi sẽ kiếm được niềm tin từ một đứa trẻ 18 tuổi, tôi rôm rả bắt chuyện.

– Mày ôn thi tốt nghiệp khối gì thế?
– Em thi khối C
– Có học được lịch sử không?
– Em bình thường thôi.
– Thế Nước mình độc lập năm bao nhiêu?
– Năm 75
– Chắc không?
– Chắc!
– Thế mày biết giải phóng miền nam ngày nào không?
– 2/9. Giải phóng miền Nam, thành lập nước Việt Nam còn gì?

Tôi thở dài không hỏi thêm gì nữa, và lòng lại buồn hơn. Chẳng lẽ nỗi sợ của thế hệ anh hùng lại trở thành sự thật sao? Tôi không giỏi lịch sử, cũng không phải đứa biết nhiều, tôi cũng chỉ được đọc, được xem trên báo đài sách vở, và may mắn được nghe những người viết nên huyền thoại kể lại. Nhưng, có lẽ cũng hơi đủ để biết cha ông ta đã trải qua những gì, thế hệ anh hùng đã trải qua chiến tranh tàn khốc ra sao. Bỗng nhiên, tôi sợ quá, tôi sợ một ngày, lớp trẻ chúng tôi – lớp người mà họ gọi đùa là ‘thế hệ cúi đầu’ sẽ không còn biết gì về cội nguồn nữa…

…(Còn nữa)…

Phương Trang

Bài viết liên quan…

Bỏ điện thoại xuống để cứu vãn một ‘thế hệ cúi đầu’

Viết cho một thế hệ biết ngẩng đầu và biết cúi đầu

Bài mới
Đọc nhiều