Vì sao tuổi trẻ chúng tôi ‘cắn răng thà chết không xa Đảng’?
Tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định vẫn một lòng sắt son với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh! Cho đến hơi thở cuối cùng, như lời thề khi đứng trước cờ Đảng hôm nào.
Năm 1968-1969 chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân long trời lở đất buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và xuống thang chiến tranh. Nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố phản kích ác liệt.
Trong nội thành Sài Gòn – Gia Định, địch đàn áp, lùng sục bắt bớ cơ sở cách mạng suốt ngày đêm, nhiều cuộc hành quân cảnh sát huy động hàng đại đội lính bao vây truy quét một khu phố, một xóm lao động nhỏ.
Và Thành Đoàn đã bị tổn thất nặng cả cơ sở bí mật lẫn công khai, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang biệt động.
Đến cuối năm 1969 thì đồng chí bí thư, hai phó bí thư và mấy đồng chí ủy viên Ban Thường vụ nữa cũng sa lưới địch. Trong tù lúc này tính ra cán bộ cơ sở Thành Đoàn đã hàng trăm người “có mặt”.
Vấn đề cấp bách bấy giờ là cần phải động viên anh chị em giữ vững khí tiết cách mạng. Chúng tôi liên lạc với nhau qua hệ thống đường ống cấp nước trong cátsô và các phòng giam, giữa khoảng thời gian ngưng cấp nước.
Lo nhất là một số anh em hoạt động công khai ít được gần tổ chức và ít được học tập lý luận, thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong tù.
Những ngày mới bị bắt vào tù thật rùng rợn và bức xúc vì mất tự do:
Khi những trận dòn điên cuồng đã dứt,
Ta mơ màng tỉnh lại, buốt tim gan.
Tiếng hát bạn tù tha thiết ngân vang
Như giục giã, như gợi hồn thương nhớ.
Khi trong cơn mơ chợt nghe cửa mở:
Lại đồng chí mình bị khảo, bị tra.
Khám chật thân xiềng uất hận lòng ta…
(Phạm Chánh Trực, Cátsô Nha Đô thành Saigon – 1969)
Tuổi trẻ luôn có nhiều ước mơ, hoài bão, nhưng chế độ Mỹ Diệm chỉ lùa thanh niên vào trại lính và ấp chiến lược. Chúng vu khống những người kháng chiến chống thực dân Pháp và phát động tố Cộng, diệt Cộng trên toàn Miền Nam.
Chúng xé bỏ Hiệp định Genève, chống hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc. Chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh và “Bắc tiến”. Chống lại chúng chỉ có đối mặt với tù đày và máy chém.
Tuổi trẻ Việt Nam lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo phải lựa chọn: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” như tuyên bố đanh thép của Lý Tự Trọng ngày trước.
Và như vậy tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định vốn thiếu định hướng, đã bắt gặp lý tưởng cộng sản một cách tự nhiên và tràn đầy nhiệt huyết: giải thoát kiếp sống lệ thuộc thực dân kiểu mới của Mỹ cho mình, giải phóng dân tộc mình và giải phóng cả loài người.
Lớp cùng nhau tổ chức đấu tranh ngay trong lòng địch, lớp ra chiến khu tham gia kháng chiến.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 là một giai đoạn mà tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định do Thành Đoàn dẫn dắt đã bị khủng bố ác liệt. Hãy nghe người con gái Sài Gòn trong tù đối đáp với bọn địch tra khảo:
Điện, nước, dùi cui, tăng thêm lửa bỏng
Cho hận thù, cho máu nóng sôi lên.
– Bí danh gì?
– Không, tôi chỉ có một tên.
– Ai tổ chức mày?
– Chính tôi thù xâm lược
Lãnh đạo tôi là đồng bào cả nước
Thách các người bắt hết được về đây!
Ôi những lời khai như pháo nổ bên tai!
(Nguyễn Thị Thanh Tùng, tháng 7-1970)
Tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định bất khuất. Địch càng trấn áp phát xít dã man thì niềm tin chính nghĩa càng mạnh mẽ, niềm tin lý tưởng càng vững chắc. Sau thời gian tra tấn là đày đi các nhà lao. Và đây là chuồng cọp Côn Đảo:
Còng chân suốt năm dài
Ăn mắm chua khô đắng
Phải tuyệt đối im lặng
Và phải nằm suốt ngày.
Cấm không được khua còng
Cấm ho và tằng hắng
Cấm giết rệp trên tường
Cấm không được tắm nắng.
Ngày hè một ngụm nước
Ngày đông một muỗng cơm
Ốm đau không thang thuốc
Mỗi bữa vài trận đòn.
(Thiên Lý Nguyễn Chơn Trung, Chuồng cọp Côn Đảo 19-5-1969)
Có áp bức thì có đấu tranh. Tiếp theo là những cuộc đấu tranh đẫm máu:
Saigon ơi!
Trăm thương nghìn nhớ
Có hay gì? Nơi ngục tối Quy Nhơn
“Đả đảo đàn áp tù binh”
“Đả đảo, đả đảo”
Tiếng vọng thất thanh
Gào thét căm hờn
Máu đã đổ vẫn trườn tới trước
Kẻ thù run lên
Bạo tàn lùi bước.
(Nguyễn Thị Thanh Tùng, trại nữ tù binh Quy Nhơn, tháng 6-1971)
Trại nữ tù binh Quy Nhơn đã đấu tranh đẫm máu như vậy thì ở khám Chí Hòa cũng quyết liệt, uất hận ngút trời:
Chí Hòa qua nửa đêm!
Hỏa tiễn nổ đùng đùng
Lính “dã chiến” như bầy chó sói
Một lũ ma vương đang đói thịt người…
Máu rơi… Máu ơi!
Hô la như tốc nóc trời
OG, FG… Các phòng giam cố thủ…!
… Hai mươi ngày đêm,
Hai trăm tù nhân
Mình trần
Chân trong xiềng xích
Vẫn vào cuộc đấu tranh
Không chào cờ địch!
Vẫn hát vang bài
Hy vọng, Niềm tin.
(Dân Thanh, 1970)
Vâng, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định “Vẫn hát vang bài Hy vọng, Niềm tin”, vẫn một lòng sắt son với Đảng. Bởi tuổi trẻ đã xác định:
Đường cách mạng vượt qua bao vất vả
Vẫn bền gan giữ một dạ thủy chung
Giữ lời thề với khí tiết kiên trung
Đầy tin tưởng vào tương lai tươi sáng!
(Trần Hồi Sinh – Côn Đảo 1968)
Vâng, tuổi trẻ Sài Gòn – Gia Định vẫn một lòng sắt son với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh! Cho đến hơi thở cuối cùng, như lời thề khi đứng trước cờ Đảng hôm nào.
Và, đó chính là tấm gương cao cả tuyệt vời của ba cô gái anh thư liệt nữ cán bộ chiến sĩ “Đội Thanh niên cận vệ Sài Gòn” – danh hiệu mà Bí thư Thành ủy Trần Bạch Đằng đã tặng Thành Đoàn trong chiến dịch Tết Mậu Thân:
Ba người con gái Đảng yêu ơi!
Chết thật rồi sao? Vĩnh biệt rồi!
Lũ bán nước kia – quân tội ác!
Máu đào đẫm ướt tuổi đôi mươi.
Gương mặt nào hôm qua sáng tươi,
Suốt ngày ròn rã tiếng ai cười,
Trên đường phố hay trong rừng thẳm
Buổi gặp nhau vang tiếng hát ai?
Em đi năm ấy tuổi còn thơ
Cô gái nhà quê dáng ngẩn ngơ
Phố lớn, chó săn, xe mắc cửi
Giao liên xuất sắc chẳng ai ngờ.
Bỏ bút bỏ nghiên theo núi sông,
Khi trên đường nhựa lúc băng đồng
Mấy năm lặn lội gầy cơ sở
Bám chặt thành đô vẫn vẹn lòng.
Em đi năm ấy tóc còn xanh
Xóm nghèo quê mẹ mái nhà tranh
Gái mười bảy tuổi không son phấn
Lòng mãi ước mơ giải phóng thành.
Một phút sa cơ giặc bắt em
Ngục tù tra tấn suốt ngày đêm
Ngất đi tỉnh lại bao nhiêu bận
Vẫn vững lòng tin trong lặng im
Ôi! Tiếc thương sao tuổi anh hùng
Bền gan chiến đấu giữ kiên trung
Cắn răng thà chết không xa Đảng
Như lưỡi gươm vung, phút cuối cùng!
Có biết không em mấy đợt rồi
Máu kêu trả máu, hận thù sôi
Cửu long dậy sóng vùi chôn giặc
Thành phố vùng lên rợp bóng người.
Ba người con gái Đảng yêu ơi!
Tuổi trẻ hy sinh đẹp tuyệt vời.
Cháu Bác Hồ – Thanh niên Cận vệ
Sống vì đời, chết để tương lai!
Như một nén hương cho linh hồn PHƯƠNG-THOA-THÁI
(Phạm Chánh Trực – Cátsô Nha Đô thành lần thứ hai trở lại, 1970)
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng ta, tuổi trẻ thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu rất đỗi tự hào đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp cách mạng của các thế hệ ông cha, đã phấn đấu xứng danh “đội hậu bị tin cậy của Đảng” trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập toàn cầu.
PHẠM CHÁNH TRỰC/TT