+
Aa
-
like
comment

Từ 20/10, lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

17/09/2020 15:13

Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành từ ngày 20/10/2020 đến hết ngày 10/11/2020. Điều này nhằm phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Tiểu ban văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (ảnh TTXVN)

Phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân

Ban Tuyên giáo T.Ư vừa ban hành Hướng dẫn số 51 về ciệc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Mục đích của việc lấy ý kiến là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân.

Thông qua việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc công bố, thảo luận và tổng hợp ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII bảo đảm khoa học, thiết thực, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của Nhân dân đối với Đảng và đất nước.

Các Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến Nhân dân, gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Biện pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Về Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, Hướng dẫn đề nghị cho ý kiến về: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới. Tầm nhìn và định hướng phát triển: Quan điểm chỉ đạo; mục tiêu phát triển tổng quát; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025; 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.

Đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, tập trung thảo luận và đóng góp đối về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011 – 2020 đã đầy đủ, đúng, sát với thực tiễn chưa?

Việc xác định xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại trong thời gian tới?

Bên cạnh đó là những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là thị trường quyền sử dụng đất; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân…

Những vấn đề nổi cộm về thực trạng và phương hướng xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; những biện pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Văn Kiên/TPO

Bài mới
Đọc nhiều