+
Aa
-
like
comment

Lật tẩy trò “xếp ghế nhân sự” nhằm tấn công Trưởng ban Tổ chức Trung ương

Đặng Trường - 28/05/2020 10:40

Có lẽ, hầu hết người dân đều tò mò, mong ngóng muốn biết ai sẽ nằm trong danh sách “tứ trụ” lãnh đạo bộ máy nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, cứ mỗi ngày trôi qua sẽ càng hoang mang và tự đặt câu hỏi: Ô sao các nhà dân chủ “múa bút” lại có nhiều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội như vậy?

Các vị lãnh đạo thường xuyên bị các đối tượng đưa vào trò hề “xếp ghế nhân sự đại hội 13”.

Như đã biết, công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII là một trong hai nội dung cực kỳ quan trọng của Đại hội 13. Tại cuộc họp tiểu ban nhân sự Đại hội 13 diễn ra ngày 19/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Công tác nhân sự Đại hội 13 gắn liền với sự sống còn của Đảng, của chế độ và tiền đồ phát triển của đất nước. Vì vậy công tác này cần được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm sự dân chủ, công tâm, thực sự trong sáng, khách quan; cách làm phải thận trọng, làm từng khâu, từng công đoạn, làm đến đâu, chắc đến đó”.

Dưới sự chỉ đạo rõ ràng, cứng rắn của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như của Tổng Bí thư thì công tác nhân sự Đại hội XIII được thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy định. Nhiều văn bản pháp lý quan trọng đã được ban hành để đảm bảo cho Đại hội Đảng 13 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp như Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiếp tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó, có quy định công tác nhân sự phải bảo đảm đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch. Nếu theo dõi các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội thì có lẽ phần đa người dân sẽ cảm thấy yên tâm phần nào với công tác bầu chọn sắp tới dù chưa biết ai sẽ trở thành những người lãnh đạo chủ chốt.

Luận điệu xuyên tạc của trang “chân trời mới Media”.

Ông bà ta có câu, “biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”, khi không có đủ cơ sở để kết luận ai sẽ trở thành Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội thì điều cần nhất là theo dõi, lắng nghe thông tin, hoạt động, tiến trình diễn ra Đại hội. Huống hồ, phải gần cả năm nữa mới diễn ra Đại hội 13 thì sẽ còn biết bao nhiêu sự thay đổi và không ai có cơ sở gì dám chắc người mình phán đoán sẽ làm ông này bà nọ, được bầu vào đúng vị trí đó. Ấy vậy mà, trang FB “Chân trời Mới Media” tiếp tục “cầm đèn chạy trước ô tô” tung ra bài đăng “Đại Hội 13: Nguyễn Xuân Phúc – Trần Quốc Vượng tay đôi tranh ghế Tổng Bí thư”. Không phải là dự đoán thông thường lãnh đạo này, lãnh đạo kia vào vị trí A, B, C, D mà là những luận điệu đơm đặt, vẽ ra cuộc chiến “đấu đá nội bộ”, “đả hổ” giành ghế các kiểu. Những kẻ đứng sau trang FB này cho rằng “chỉ có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đủ tiêu chí ngồi vào ghế Tổng Bí thư. Còn chức Thủ tướng là sự cạnh tranh của hai bác Trương Hoà Bình và Vương Đình Huệ”. Chúng tự cho mình là chuyên gia để phán “những cuộc tranh giành tay đôi vẫn còn ở hồi bất phân thắng bại, nên có lẽ các bên sẽ còn tung ra nhiều chiêu đòn nặng ký hơn trong những tháng còn lại” rồi tự quy chụp “dù bác nào lên thì người dân việt Nam vẫn khổ”.

Bất chợt nhớ đến câu ngạn ngữ: “Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất”. Mỗi chức danh nằm trong “tứ trụ” hay những vị trí chủ chốt của Trung ương chỉ chọn một người nhưng với mỗi đối tượng, từng trang tin phản động lại có những suy diễn, sắp đặt đến hoa cả mắt. Với trang “Chân trời mới Media” thì biết rồi. Còn với trang “Việt Tân” thì “ông Trần Quốc Vượng phải làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính – Thường trực Ban Bí thư; ông Tô Lâm – Trưởng Ban tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Thủ tướng, ông Võ Văn Thưởng tái ứng cử Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương”. Còn trang “Việt Nam Thời Báo” thì quả quyết: “Chủ tịch nước sẽ là ông Trương Hòa Bình, Thủ tướng – Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy TP.HCM – Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư – Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Dân vận TW – Võ Văn Thưởng”. Theo chân Bùi Thanh Hiếu, Phạm Minh Vũ và các nhà “dân chủ” cộm cán, Lê Văn Đoành cũng hăm hở xếp ghế nhân sự Đại hội nhiệt tình: “Tổng Bí thư là ông Trần Quốc Vượng, Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội – Trương Thị Mai, Thủ tướng – Trường Hòa Bình, Thường trực Ban Bí thư – Phạm Minh Chính, Trưởng ban tổ chức Trung ương – Tô Lâm”. Cứ thế “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” từ ngày này sang ngày khác, tạo ra trò hề “xếp ghế nhân sự” rất khó chịu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác nhân sự Đại hội là hết sức nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết”.

Như đã nói, công tác nhân sự là công việc rất quan trọng của Đảng, vì thế luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Các đối tượng cơ hội chính trị, trang tin phản động kể trên nắm được đặc điểm tâm lý này của người dân nên luôn tìm cách nhào nặn thông tin, gây chú ý, tò mò nhất và tạo ra những kịch bản hấp dẫn để người nghe tin là thật. Từ đó mới có chuyện, Trung ương chưa họp nhưng “ghế” lại được chúng bố trí sẵn rồi mặc nhiên mở “hội nghị bàn tròn”, bình phẩm về nhân vật mà họ gọi “sẽ thay thế”. Đáng nói, trong câu từ bình phẩm, có rất nhiều nội dung cố tính chọc ngoáy, chia rẽ nội bộ mà trong binh pháp Tôn Tử gọi là “kế ly gián”. Chúng cũng bình luận tính cách cá nhân, xem sự thể trong quá khứ người lãnh đạo này đã làm được gì, còn khuyết điểm nào đưa ra rồi mặc nhiên phán xét hay dở nếu sắp xếp người này vào vị trí. Còn những trường hợp thôi chức hoặc bị xử lý thì chúng sẽ suy diễn, gán ghép đó là hệ lụy của cuộc “thanh trừng phe phái”.

Một bộ phận người dân không biết sẽ trầm trồ trước những câu chuyện “thâm cung bí sử” như phim, trong khi kẻ biết thì chỉ ngồi rung đùi cười khẩy. Bởi những câu chuyện theo kiểu trà đá, vỉa hè do chính não trạng đen tối và bàn tay dơ bẩn của chúng nhào nặn và quăng ra đã câu dụ được “con mồi”. Nói thẳng, mục đích cuối cùng của bọn chúng là tạo ra bức tranh chính trị trong nước u ám lèo lái dư luận đi theo chiều hướng tiêu cực. Một khi người dân nghĩ người lãnh đạo đang “đấu đá” vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm như vậy thì còn đâu niềm tin về việc lãnh đạo sẽ điều hành, chỉ đạo, đưa đất nước đi lên nữa. Hơn nữa, trở lại bài đăng của “Chân trời mới Media” thì càng rõ thấy âm mưu ly gián Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chia rẽ sự đoàn kết trong bộ máy nhà nước Việt Nam, làm chậm tiến trình diễn ra Đại hội 13. Chính vì vậy, cần lắm nhiều người dân tỉnh táo, kịp thời lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt nói trên.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều