TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính quốc tế
TP HCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng lẫn yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định trong bối cảnh mới, Việt Nam phải nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới. Đại hội đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 sẽ trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.
Nhiều lợi thế, tiềm năng
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 cũng xác định phương hướng, nhiệm vụ “thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế”. Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế, TP HCM cần phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Có thể thấy, TP HCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng lẫn yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTC quốc tế. Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và kinh tế năng động, TP HCM đã và đang là một đầu tàu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Dù chưa được xếp hạng trong chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) nhưng TP HCM đang dẫn đầu danh sách 10 TTTC tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.
Tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của TP HCM sẽ củng cố động lực tăng trưởng cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.
Đề án phát triển thành TTTC quốc tế, TP HCM đã xác định 4 nhóm chính sách; đồng thời xác định lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025: Củng cố vị thế TP HCM là TTTC quốc gia; giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển TP HCM thành TTTC khu vực; giai đoạn từ năm 2031 trở đi: Phát triển TP HCM thành TTTC toàn cầu.
Phát triển các ngành dịch vụ mới
Nghị quyết 31-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị xác định TP HCM có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đến năm 2045, TP HCM phấn đấu phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới; trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phân công nhằm tận dụng lợi thế, TP HCM cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng TTTC, trung tâm thương mại – du lịch – logistics, trung tâm đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế.
TP HCM cần rà soát, chuyển đổi công năng các KCX, KCN theo hướng phát triển công nghệ cao – giá trị gia tăng cao gắn với hình thành các KCN chuyên đề, các trung tâm đổi mới sáng tạo và KCN – dịch vụ – đô thị hiện đại.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm sản xuất giống cây trồng – vật nuôi, trung tâm chế biến xuất nhập khẩu nông sản.
Ngoài ra, TP HCM cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việc này nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho thành phố trong giai đoạn tới.
TP HCM cần tập trung phát triển giáo dục – đào tạo chất lượng cao, đưa thành phố thành trung tâm cung ứng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động.
Từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP HCM trong vùng là thành phố hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo; nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng và cả nước; nơi tập trung các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Đẩy mạnh giao thông kết nối
Trước mắt, TP HCM cần chủ động, tích cực phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập quy hoạch thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Song song đó, làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương lân cận triển khai những dự án giao thông kết nối vùng.
Bên cạnh các công trình giao thông, TP HCM cần chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải.
Đây là dự án không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Bích Vân