Thêm tiêu chí quan trọng lựa chọn “hạt giống” cho Đại hội XIII
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập trong nội dung bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị Nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, một lần nữa tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã tiếp tục đưa ra gợi ý tiêu chí lựa chọn nhân sự.
Lựa chọn nhân sự Đại hội XIII là một trong những công tác rất quan trọng bởi nó quyết định đến hiệu quả của cả dây chuyền vận hành bộ máy nhà nước, liên quan đến vận mệnh của cả quốc gia và dân tộc. Vì thế Ban Chấp hành TW Đảng phải đưa ra những tiêu chuẩn lựa chọn vô cùng khắt khe, chúng là kết quả của sự cân nhắc rất kỹ lưỡng, đúc rút kinh nghiệm từ những bài học đắt giá, từ những sai lầm, khiếm khuyết trong công tác cán bộ thời gian qua.
Nhắc lại một việc đáng suy nghĩ đó là chưa có nhiệm kỳ nào mặc dù chưa hết 5 năm mà số lượng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật nhiều như nhiệm kỳ XII, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Hoàng Chí Bảo cho rằng, thực tiễn này tuy đau đớn và đắt giá nhưng cho chúng ta bài học đó là luôn luôn thường trực trong tư duy và hành động Đức là gốc, Tài là quan trọng, Đức và Tài không tách rời. Đạo đức đảm bảo cho tài năng phát triển, còn tài năng làm cho đạo đức được phát huy. Có Tài mà không có Đức thì cán bộ dễ hư hỏng, không có Đức thì tài năng cũng không sử dụng được, thậm chí biến dạng trở nên bất mãn, co cụm vào để lo vun vén cho gia đình, nhóm lợi ích. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa Tâm và Tài, gợi ý tiêu chuẩn lựa chọn người vừa có Tâm vừa có Tài. Nhưng Tài ở đây không phải là ở bằng cấp, trình độ học vấn bởi rất nhiều cán bộ hiện nay mua bằng cấp làm “trang sức”. Vì vậy, Tài ở đây được hiểu là đạt đến trình độ sáng tạo, dũng cảm nhìn nhận sự việc để phát hiện cái mới và sẵn sàng đổi mới và xuất phát từ cái Đức tốt, cái Tâm chính nghĩa.
“Nếu có giống tốt thì cây ắt sẽ tốt” là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vận dụng sáng tạo trong công tác cán bộ. Trên cương vị người đúng đầu Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khắc ghi học tập để đưa gợi ý lựa chọn cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Sau tiêu chí Đức và Tài thì Tổng Bí thư cũng thẳng thắn đặt ra yêu cầu “không chọn người tham vọng quyền lực vào BCH Trung ương”, nhấn mạnh phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu. Một khi có dấu hiệu tham quyền lực thì phải loại bỏ ngay, không sẽ để lại mầm mống tai họa về sau, đó là lộng quyền, là chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, coi thường nhân dân, là tham ô, tham nhũng, thâm hụt ngân sách, làm dân chúng bất mãn, mất niềm tin vào đất nước. Với đội ngũ nhân sự tương lai của đất nước, Tổng Bí thư nhận định rằng: “Điều quan trọng nhất là phải làm sao lựa chọn đúng và bầu được các đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc”.
Nói đúng bản chất của công tác cán bộ lần này không chỉ lựa chọn mà còn phải phát hiện để có thêm những “hạt giống” tốt mới, đồng thời kiên quyết loại bỏ những “hạt giống lép”, không đủ tiêu chuẩn để phát triển thành cây tươi tốt. Đó là một cuộc thanh lọc để những cán bộ xứng đáng nằm trong đội ngũ nhân sự cấp cao. Để làm được điều đó thì công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng vốn được Trung ương và các cấp ủy chuẩn bị từ sớm, ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Nhiều chủ trương, giải pháp lớn đã được ban hành một cách thận trọng, thiết thực; nhiều hiện tượng, biểu hiện tiêu cực trong mặt công tác này được nhận diện, đẩy lùi; không ít “con lươn, con chạch” buộc phải “hiện nguyên hình” và bị chặn đứng cơ hội chui sâu, leo cao với những mưu đồ tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Không phải ngẫu nhiên trong các phát biểu, bài viết gần đây, bằng cách gián tiếp, trực tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhắc tới vai trò, vị trí của công tác cán bộ và yêu cầu đặt ra rất cao đối với công tác đánh giá cán bộ. Suy cho cùng, đánh giá cán bộ vốn là khâu yếu, việc khó, căn bệnh chạy chức chạy quyền, tham ô tham nhũng vẫn diễn ra dưới nhiều màu sắc, hình hài khác nhau, rất khó phát hiện. Hệ quả của việc đánh giá sai cán bộ dẫn đến lựa chọn, sử dụng nhầm cán bộ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy, trong công tác cán bộ nếu chỉ có quyết tâm của Tổng Bí thư thôi thì chưa đủ mà phải có sự đồng bộ đồng lòng thực hiện nghiêm của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy mới tin rằng, Đại hội 13 sẽ có những chuyển biến tích cực, có thể chọn được những người tài đức vẹn toàn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Đặng Trường