+
Aa
-
like
comment

Tổng bí thư: Cán bộ bị kỷ luật lúc đầu cãi ghê lắm

15/10/2019 12:50

Nhắc tới hơn 70 cán bộ cấp cao bị kỷ luật, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói sẽ tiếp tục xử lý hành chính, hình sự.

Sáng 15/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Các cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện khỏe mạnh, hỏi thăm tới từng cử tri.

Kiên quyết chống tham nhũng

Gửi lời cảm ơn tới tình cảm thân thiết của cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hứa sẽ cố gắng giữ gìn sức khỏe. Nhắc đến Hội nghị Trung ương 11 vừa qua, Tổng bí thư nhấn mạnh Hội nghị đã thành công với sự đoàn kết, thống nhất cao của Trung ương.

Trong bối cảnh sắp đến Đại hội Đảng XIII, Tổng bí thư nhấn mạnh không chỉ chú ý đến vấn đề văn kiện, đường hướng cơ bản của Đảng mà phải quan tâm vấn đề nhân sự.

“Tôi cảm thấy bà con lo lắm. Nhưng Bộ chính trị vừa rồi có quy định chính là chuẩn bị cái đó, hạn chế tiêu cực, cố gắng chọn người thật xứng đáng, chuẩn bị không chỉ cho Trung ương mà tất cả các ngành, các cấp”, Tổng bí thư nói.

Tong bi thu: Can bo bi ky luat luc dau cai ghe lam hinh anh 1
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trả lời các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Ngọc Thắng.

Riêng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư đồng tình với cử tri rằng vừa qua đã có nhiều cố gắng, là điểm nhấn trong nhiệm kỳ, đạt kết quả tốt không chỉ trong nước mà còn được dư luận quốc tế quan tâm.

“Chúng ta đã làm được, có cố gắng, trong nước, quốc tế đều hoan nghênh nhưng còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp vì không phải đấu tranh với người khác, với bên ngoài mà đấu tranh với chính chúng ta, trong từng con người ta”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhắc lại con số cán bộ đã bị kỷ luật hơn nửa nhiệm kỳ qua gồm hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 ủy viên Bộ Chính trị và 4 ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên phó thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, tại Hội nghị Trung ương 11 lại tiếp tục thi hành kỷ luật 2 nguyên ủy viên Trung ương, nguyên bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

“Lúc đầu cãi ghê lắm chứ có nhận lỗi đâu. Đây mới chỉ là kỷ luật về Đảng còn về hành chính phải tương ứng, về hình sự phải tiếp tục làm”, Tổng bí thư nói.

Nhấn mạnh đây là “căn bệnh” không chỉ của riêng ta mà của nhiều nước trên thế giới, Tổng bí thư lưu ý chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, phải tiếp tục làm quyết liệt.

Giữ độc lập chủ quyền

Trong vấn đề xử lý quan hệ đối ngoại nói chung, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tổng bí thư cho biết Hội nghị Trung ương vừa rồi dành một buổi nghe báo cáo vấn đề Biển Đông để tạo sự thống nhất.

Quan điểm được người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh là phải đặt vấn đề trong tổng thể, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập nhưng phải giữ được môi trường hòa bình để phát triển.

Theo Tổng bí thư, xử lý mối quan hệ này không hề đơn giản, chúng ta phải khôn khéo, mềm dẻo; đồng thời tái khẳng định “cố gắng giữ quan hệ tốt, cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng”.

“Đây là lợi ích của quốc gia dân tộc. Chưa có thời kỳ nào đất nước ta có không khí ổn định tốt thế này, phải biết giữ lấy”, Tổng bí thư nói.

Không để hy sinh một người, tài sản để lại nhiều đời sau

Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề được cử tri phản ánh với người đứng đầu Đảng, Nhà nước, song công tác phòng, chống tham nhũng vẫn tiếp tục được cử tri quan tâm đề cập. Cử tri Nguyễn Mạnh Hảo (Ba Đình) nhấn mạnh đây là vấn đề không mới, song thực trạng về tham nhũng, lãng phí hiện nay đang hết sức nhức nhối, diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Cử tri nhận định chống tham nhũng là cuộc chiến rất gay go, quyết liệt và khẳng định nhân dân ghi nhận việc Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang có quyết tâm rất cao.

Quan trọng nhất là thu hồi tài sản bất minh, ông Hảo đánh giá việc này “còn rất hạn chế”, có hiện tượng xử lý “nhẹ trên nặng dưới”. Ông mong muốn Đảng, Nhà nước cần có giải pháp mạnh tay hơn, trước hết phải có bộ máy trong sạch, đội ngũ người chống tham nhũng phải sạch sẽ, chí công vô tư.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những cán bộ để xảy ra tham nhũng và tham nhũng khi xử lý xong phải tịch thu tài sản, đưa vào công quỹ, không để “hy sinh đời bố củng cố đời con, cháu, chắt”.

“Không để một người hy sinh mà để lại tài sản cho muôn đời con cháu về sau”, ông Hảo nhấn mạnh.

Tong bi thu: Can bo bi ky luat luc dau cai ghe lam hinh anh 2
Cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện khỏe mạnh sáng 15/10. Ảnh: Ngọc Thắng.

Là cử tri quận Ba Đình, thiếu tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nhắc đến Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền và kỳ vọng kỳ họp Quốc hội tới đây khi bàn về Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ đưa tinh thần của Quy định 205 vào.

“Vì Đảng lãnh đạo chứ Đảng không điều hành. Trong khi tham nhũng nằm trong bộ máy của Nhà nước nhưng những vụ tham nhũng vừa qua không thấy cơ quan Nhà nước nào tự phát hiện mà chủ yếu do Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra”, tướng Thước nói.

Theo ông, trong một sự việc, nếu một cá nhân sai phạm thì trước hết người đó phải chịu trách nhiệm, nhưng người lãnh đạo, chỉ huy cũng phải chịu trách nhiệm. “Vụ trưởng vi phạm kỷ luật mà bộ trưởng vô can, hay bộ trưởng vi phạm nhưng Chính phủ không kiểm điểm, kỷ luật là không đúng”, ông Thước nói.

Đề cập đến việc hơn nửa nhiệm kỳ qua đã có hơn 70 cán bộ cấp cao bị kỷ luật, cử tri Nguyễn Danh Lam (Tây Hồ) cho biết người dân rất lo lắng về vấn đề nhân sự. Thực tế ở những khóa trước đã có những người không xứng đáng lọt vào bộ máy.

Ông Lam nhắc đến câu chuyện lùm xùm ở Sóc Trăng vừa qua. Đó là việc Trưởng ban Dân vận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới rình rang cho con trai, hay việc cả tập thể ban thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng liên quan việc lấy tiền ngân sách của Đảng để lắp camera an ninh cho nhà riêng của các lãnh đạo.

“Như vậy, họ có xứng đáng nằm trong cấp ủy nữa hay không”, ông Lam đặt vấn đề.

Cử tri này tin tưởng nếu Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền sẽ giúp chống triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch cán bộ.

Hoài Thu

Bài mới
Đọc nhiều