+
Aa
-
like
comment

Tin vui: Cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương

Bích Ngân - 20/05/2024 17:02

Báo cáo với Quốc hội sáng nay, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66% cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Theo Phó Thủ tướng, đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo tình hình kinh tế – xã hội

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 43,1% dự toán (tăng 10,1%). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây…

“Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp, Chủ tịch Ủy Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết nhiều cử tri, nhân dân lo lắng khi giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng. Việc này ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.

Ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai chính sách tiền lương mới. Chính phủ cũng cần giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính bằng lương cơ sở (1,8 triệu đồng) nhân hệ số lương. Hệ số lương được tính theo ngạch bậc của từng nhóm công chức. Từ ngày 1/7, công chức loại A (ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương) có mức lương cao nhất 14,4 triệu, thấp nhất 3,8 triệu đồng một tháng. Công chức loại B (ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương) mức lương cao nhất 7,3 triệu; thấp nhất 3,3 triệu đồng. Công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương), mức lương cao nhất 6,5 triệu; thấp nhất 2,4 triệu đồng.

Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm.

Giải pháp hạn chế rút BHXH một lần

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng có tình trạng lao động thôi việc hàng loạt do e ngại thay đổi chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần, không có phụ cấp thâm niên. Ông đánh giá thị trường lao động rủi ro, đời sống bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu và đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng trưởng chậm. Số người dừng tham gia BHXH tự nguyện tăng do mức hỗ trợ còn thấp.

“Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu cho thấy dấu hiệu giảm sút”, ông Thanh nói, cho rằng nguyên nhân là chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiết hụt kỹ năng nghề, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý, chưa ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần; sửa đổi điều kiện, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. “Chính phủ cần quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội”, ông Thanh nói.

Thị trường BĐS phục hồi chậm

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong báo cáo, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức.

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng.

Theo đó, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp. Giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm…

“Chính phủ đánh giá, những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều