+
Aa
-
like
comment

Tín hiệu đen tối phát ra từ cuộc khủng hoảng Sri Lanka

Lan Hoa - 25/07/2022 16:30

Việc Sri Lanka vỡ nợ như một lời cảnh báo khẩn cấp đến nhiều quốc gia, từ tình hình kinh tế đến quan hệ ngoại giao và cả những cuộc tranh giành quyền lực “căng thẳng” nhất trên thế giới.

Sri Lanka chìm trong khủng hoảng sau tuyên bố vỡ nợ của Chính phủ vào tháng 5/2022

Cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ tại một số nước châu Á và châu Phi

Sri Lanka, nền kinh tế có quy mô 81 tỷ đô la nằm ngoài khơi bờ biển phía Nam của Ấn Độ Dương, đã sa lầy vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều tuần do lạm phát tính theo năm ở mức cao kỷ lục 30%. Câu chuyện vỡ nợ của hòn đảo này có ảnh hưởng sâu sắc đến các thị trường mới nổi, nơi tình trạng thiếu hụt và giá cả lương thực đang diễn biến hết sức phức tạp. Thách thức càng trở nên khó khăn hơn khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất trong nỗ lực dập tắt lạm phát, dẫn đến chi phí đi vay cao hơn.

BXH các quốc gia dễ vỡ nợ vào năm 2022

“Việc Sri Lanka vỡ nợ là một dấu hiệu đáng ngại. Tăng trưởng chậm lại và các điều kiện tài trợ khó khăn hơn sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ, đặc biệt là đối với các nền kinh tế cận biên”, ông Guido Chamorro, đồng giám đốc phụ trách nợ bằng ngoại tệ của thị trường mới nổi tại Pictet Asset Management, công ty nắm giữ trái phiếu Sri Lanka, cho biết.

Mới đây, ít nhất 14 nền kinh tế mới nổi đã được Bloomberg liệt vào danh sách rủi ro có nguy cơ vỡ nợ. Áp lực gia tăng của việc tăng giá lương thực và năng lượng đã bắt đầu nổi lên ở các quốc gia hàng đầu như EI Salvador, Ghana, Ai Cập, Tunisia… Nó có nguy cơ biến thành một khoản nợ lớn hơn và một mối đe dọa khác đối với sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.

Toan tính của Trung Quốc

Vấn đề lớn nhất mà Sri Lanka đang đối mặt là món nợ nước ngoài quá lớn, trong đó chỉ tính riêng khoản nợ Trung Quốc là hơn 8 tỉ USD. Theo báo cáo của Quỹ châu Âu nghiên cứu Nam Á (EFSAS), Sri Lanka trong những năm qua đã dốc hầu bao cho các dự án xây dựng với các khoản vay từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các dự án này không tạo ra nguồn thu, trong khi dự trữ ngoại hối của đảo quốc giảm từ 6,9 tỉ USD năm 2018 xuống còn 2,2 tỉ USD năm nay. Số nợ mà nước này phải trả trong năm 2022 là 4 tỉ USD, bao gồm 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế. Tổng số nợ nước ngoài cùa Sri Lanka hiện nay lên đến khoảng 45 tỉ USD và tổng nợ quốc gia chiếm đến 105% GDP trị giá 81 tỉ USD.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được Thủ tướng Sri Lanka Malinda Rajapaksa tiếp đón hôm 9.1

Tờ Hindustan Times của Ấn Ðộ mới đây cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế hiện nay tại Sri Lanka một phần bắt nguồn từ món nợ khổng lồ mà họ đã vay của Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc hiện không muốn giúp đỡ thêm phải chăng vì Trung Quốc đang có lý do và toan tính riêng.

Hơn nữa, sau hàng loạt khủng hoảng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây còn thẳng thừng tuyên bố không có kế hoạch hợp tác cùng các tổ chức quốc tế để giải quyết những khó khăn của Sri Lanka. Tuy nhiên, sau ít lâu, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ Sri Lanka thông qua chương trình của IMF một cách miễn cưỡng. Nhưng rõ ràng Trung Quốc tỏ ra không hề hài lòng với quy trình ra quyết định của IMF về việc cho Sri Lanka tiếp cận giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ để trả nợ.

Theo Hindustan, phải chăng Trung Quốc đang cố tính đẩy Sri Lanka vào “chân tường” để thực hiện một âm mưu lớn hơn mà chúng ta chưa thể lường trước.

Sri Lanka có đang tạo điều kiện cho Mỹ – Trung – Ấn cạnh tranh?

Một vấn đề khác cần phải bàn tới trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện tại, đó là việc vỡ nợ không chỉ tạo ra khoảng trống nguy hiểm trong nội bộ Sri Lanka mà còn có thể khiến cạnh tranh địa chính trị Nam Á thêm khốc liệt. Nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, Sri Lanka luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã và đang dành ra nhiều khoản đầu tư lớn, cũng các ưu đãi về tín dụng nhằm tranh thủ giành ảnh hưởng tại đảo quốc Ấn Độ Dương này.

Sri Lanka có vị trí địa lý chiến lược ở Ấn Độ Dương. Ảnh: AP

Đối với Trung Quốc, Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch Vành đai con đường và Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ dương. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện chưa đáp ứng đề nghị của Sri Lanka về việc giúp đỡ tài chính, có thể là do muốn thấy Sri Lanka sụp đổ hẳn để dễ bề thao túng. Hoặc có thể Trung Quốc đang chờ đợi một chính phủ mới được thành lập ở Sri Lanka, sau đó mới quyết định dùng viện trợ để tranh thủ, lôi kéo Sri Lanka vào quĩ đạo của mình.

Với Ấn Độ, Sri Lanka bị khủng hoảng và rơi vào quĩ đạo của Trung Quốc sẽ là một thách thức an ninh lớn đối với sườn phía Đông Nam, đặc biệt là việc triển khai chính sách Láng giềng trên hết, nhằm duy trì ảnh hưởng nổi trội của Ấn Độ ở Nam Á và Ấn Độ dương. Do vậy, từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Ấn Độ đã rất tích cực can dự, cho đến nay đã cho Sri Lanka vay 4 tỷ USD để nước này tái cơ cấu nợ và có ngoại tệ để nhập hàng thiết yếu.

Với Mỹ, Sri Lanka đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ dương – TBD tự do rộng mở. Mỹ đang tích cực thông qua IMF để giúp Sri Lanka vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên sự giúp đỡ của IMF luôn kèm theo các điều kiện chặt chẽ, khiến cho đàm phán bị kéo dài.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn như nói trên, Sri Lanka sẽ phải lựa chọn dựa vào một trong những cường quốc trên đây, hoặc phải thực hiện chính sách cân bằng với tất cả các cường quốc để tranh thủ nguồn lực xử lý vấn đề kinh tế trong nước cấp bách. Đây sẽ là một bài toán hóc búa với bất cứ chính quyền nào sắp tới của Sri Lanka.

Lan Hoa

Bài mới
Đọc nhiều