Sự thật video bé gái Ukraine giơ nắm đấm với lính Nga: ‘Biến về nước ngươi đi!’
Theo xác minh của Reuters, đây thực chất là đoạn video từ năm 2012, trong đó ghi lại cảnh một bé gái người Palestine đang phản ứng trước sự hiện diện của lính Israel,
Hãng tin Reuters cho hay, ngày 27/2, trên mạng xã hội Twitter lan truyền một đoạn clip với dòng mô tả: Bé gái Ukraine dũng cảm đối đầu đội quân xâm lược của Putin: “Biến về nước các người đi!”.
Cũng đoạn video này đã được chia sẻ trên nền tảng TikTok 2 ngày trước với mô tả: Bé gái Ukraine cố gắng ngăn chặn lính Nga! Hãy cầu nguyện cho Ukraine!
Sau khi được đăng tải, những đoạn clip này đã thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, theo xác minh của Reuters, đây thực chất là đoạn video từ năm 2012, trong đó ghi lại cảnh một bé gái người Palestine đang phản ứng trước sự hiện diện của lính Israel, không có bất cứ liên quan gì tới chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga ở Ukraine.
Theo mô tả của “Samer Nazzal” – Tài khoản đã đăng tải đoạn video gốc lên You Tube, trong đoạn băng, bé gái người Palestine đang yêu cầu các binh sĩ Israel thả anh trai của cô bé sau khi bé trai này bị họ bắt giữ vài phút trước đó.
Hình ảnh liên quan tới vụ việc cũng được Getty đăng tải với chú thích đề cập tới cuộc biểu tình phản đối việc Israel tịch thu đất của người Palestine ở làng Nabi Saleh, Bờ Tây gần Ramallah.
Hãng tin có trụ sở tại Anh cho biết, những ngày gần đây, đang có nhiều hình ảnh sai sự thật được lan truyền về tình hình ở Ukraine.
Trước đó, một số người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh một bé gái bị thương, đầu rỉ máu kèm theo nội dung: “Một trong những hình ảnh đau lòng nhất từ cuộc chiến Nga/Ukraine. Putin phải chấm dứt ngay điều này vì lợi ích của nhân loại!”.
Reuters đã truy tìm nguồn gốc bức ảnh. Kết quả cho thấy nó từng được đăng tải trong một bài báo của hãng tin BBC xuất bản ngày 6/1/2018 về cuộc chiến Syria.
Ngoài ra, bức ảnh này còn được đăng trên website của Hãng thông tấn ảnh báo chí châu Âu (EPA) với chú thích: Một bé gái được điều trị tại bệnh viện sau vụ đánh bom ở Mesraba, Đông al-Ghouta, Syria, ngày 3 tháng 1 năm 2018. Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong những cuộc không kích vào các thành phố Erbeen và Mesraba của các lực lượng trung thành với chính phủ Syria.
“Bức ảnh lan truyền trên mạng về một bé gái bị thương là hình ảnh từ năm 2018 và được chụp trong cuộc chiến ở Syria, không phải trong chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine như một số người dùng mạng xã hội tuyên bố” – Reuters kết luận.
Minh Ngọc