Sự thật video ‘máy bay Nga bị bắn rơi ở Kyiv’
Theo Reuters, đoạn video ghi lại cảnh chiếc máy bay Su-35 của quân đội Nga bị bắn hạ thực chất được cắt từ game mô phỏng,
Các hãng thông tấn AP, Reuters đồng loạt đăng bài kiểm chứng video “Máy bay MiG-29 của không quân Ukraine bắn hạ máy bay Su-35 của không quân Nga tại Kyiv”. Theo thông tin xác thực, đây là video giả, được cắt từ một game mô phỏng.
Cụ thể, video nói trên được lan truyền trên Twitter. Tài khoản chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine cũng dẫn lại (retweet) video trên với thông tin giả. Tuy nhiên, nguồn đăng bài, người dùng YouTube có tên “Comrade_Corb” đã nói rõ đây là đoạn phim cắt từ game Digital Combat Simulator (DCS).
“Đây là đoạn phim từ game DCS, được tạo ra để tôn vinh huyền thoại ‘bóng ma Kyiv'”, tài khoản này chia sẻ trong phần mô tả.
Người này cũng xác nhận với AP rằng đoạn phim hoàn toàn được lấy từ hình ảnh game, còn phần âm thanh được lấy từ video khác lan truyền trong thời điểm Nga tấn công Ukraine.
“DCS là một chương trình mô phỏng máy bay với hình ảnh rất thực tế, cho phép tạo ra những đoạn phim mang tính điện ảnh”, người dùng này chia sẻ với AP qua email.
“Bóng ma Kyiv” là tên một câu chuyện được chia sẻ trên mạng tại Ukraine, nói về một phi công nước này bắn hạ 6 máy bay trên chiếc MiG-29. Tuy nhiên, đây cũng là câu chuyện chưa được kiểm chứng.
Đến sáng 26/2, video của Comrade_Corb đã đạt hơn 1,1 triệu lượt xem trên YouTube.
Matthias Techmanski, đại diện của Eagle Dynamics, công ty làm game DCS xác nhận đây là cảnh trong game.
“Chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc video được lan tỏa, cũng như không khuyến khích các nội dung này”, ông Techmanski cho biết.
Các hình ảnh chiến tranh tại Ukraine được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Rất nhiều hỉnh ảnh, video giả cũng được lan truyền, khiến nhiều người dùng hoang mang. Theo AP, nhiều ảnh được chia sẻ như tình hình mới nhất tại Ukraine thực chất đã được chụp từ nhiều năm trước, trong các cuộc chiến tranh khác tại châu Âu.
AP cũng cho biết một video được phóng viên của hãng này ghi lại tại Lybia hơn 10 năm trước đang được chia sẻ lại. Trong phần mô tả, người chia sẻ cho biết đó là hình ảnh máy bay chiến đấu của Nga bay qua Ukraine. Một số video khác cho thấy hình ảnh lính dù Nga đổ bộ xuống Ukraine đã có tới 22 triệu lượt xem, nhưng thực tế là video cũ.
John Silva, Giám đốc tổ chức chống tin giả News Literacy Project, cho rằng người dùng mạng xã hội dễ dàng chia sẻ hình ảnh, video sau khi xem mà không suy nghĩ kỹ,
“Chúng ta nhìn thấy một lính dù nói tiếng Nga, và thế là không cần suy nghĩ gì thêm nữa. Khi nhận được một thông tin mới với chính mình, chúng ta có xu hướng chia sẻ với người khác”, ông Silva nhận định.
Trong khi đó, ông Bret Schafer, trưởng nhóm tin giả tại Alliance for Securing Democracy cho rằng người dùng có xu hướng tin vào tin giả bì họ thiếu thông tin.
“Nhu cầu nhận thông tin mới tăng mạnh, thông tin đáng tin cậy thì rất ít, do đó nhiều tin khó kiểm chứng đã lấp vào chỗ trống”, ông Schafer nhận định.
Tối 25/12 (giờ Việt Nam), tài khoản Facebook có xác minh danh tính (tick xanh) của bà Hanna Maliar, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Ukraine lên tiếng kêu gọi người dân nước này ngừng đăng hình ảnh, video hành quân lên các ứng dụng mạng xã hội.
“Chúng tôi kịch liệt yêu cầu người dân ngừng đăng ảnh và video hành quân, vận chuyển thiết bị, có chứa gương mặt của binh lính Ukraine lên các ứng dụng có thể truy cập miễn phí. Với những hành động như vậy, chính bạn đang giúp kẻ thù có được thông tin chính xác về quân đội của chúng ta”, tài khoản Facebook của bà Hanna viết.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine còn khuyến khích người dân ghi lại hình ảnh hành quân, vận chuyển vũ khí của Nga để cung cấp cho chính quyền.
Minh Ngọc