Những kẻ tha hóa về bản chất thì tư cách gì cho rằng Đảng ‘suy thoái’
Sau khi Đại hội XIII và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV cùng HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 thành công tốt đẹp, các thế lực chống đối vẫn đang thể hiện sự tức tối, hậm hực do những mưu mô phá đám bất thành. Trong bài viết “Hai nguy cơ suy thoái Đảng vẫn căng thẳng sau 5 năm thực hiện “luật Đảng” – Nghị quyết 4 – khóa 12”, trang mạng RFA lại đã tung ra những luận điệu vu khống, xuyên tạc một cách trắng trợn bản chất của Đảng, của chế độ, vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang diễn ra.
Trong bài viết, RFA tích cực rêu rao luận điệu xấu, độc hại như “Kinh tế thị trường ‘bén rễ sâu’ và lớn mạnh đang trở thành ‘thế lực tự nhiên’ thách thức, đối chọi với quyền lực Đảng”, “Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII là ‘đảng luật’, mở đường cho ta đánh ta”, “chống tham nhũng chỉ là một cách ‘thanh trừng’ nội bộ”…
Trước hết, cần khẳng định rõ ràng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt để bảo đảm tính chiến đấu, tính tiên phong cũng như sức mạnh của Đảng. Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên, nhìn nhận trung thực vấn đề tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Từ việc tự nhìn thẳng vào chính mình, Đảng đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp một cách quyết liệt, đồng bộ nhằm loại trừ những mầm mống tiêu cực, sai trái, ung nhọt ra khỏi nội bộ.
Đặc biệt, chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng đã nóng hơn bao giờ hết. Thời gian qua, hàng loạt cán bộ cấp cao trong bộ máy nhà nước đã bị đưa ra xử lý về các hành vi sai phạm. Gần đây nhất, 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các sai phạm trong quản lý đất đai. Rõ ràng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để Đảng ngày càng trong sạch hơn, mạnh mẽ hơn chứ không phải là để “đấu đá”, “tranh giành” quyền lực như luận điệu được các đối tượng xấu đang tô vẽ.
Và cũng phải thấy rõ, việc nhiều cán bộ bị xử lý không đồng nghĩa với việc tất cả Đảng đều tiêu cực, đen tối như những gì các “nhà bình loạn” đánh giá. Thực tế cho thấy, Đảng ta hiện nay có hơn 5 triệu đảng viên. Số lượng cán bộ, Đảng viên bị kỷ luật nhìn vào thì thấy có vẻ là nhiều nhưng nếu so sánh với tổng số đảng viên hiện có thì tỷ lệ cũng không phải là cao. Vì vậy, đánh lận số liệu, lấy một số vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đảng viên bị xử lý thời gian vừa qua để quy chụp bản chất của Đảng là không khách quan, thiếu thiện chí và vô căn cứ.
Thứ hai, về luận điệu cho rằng “kinh tế thị trường đối chọi với Đảng cộng sản”. Nói về kinh tế thị trường, đây không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản như những gì các đối tượng tô vẽ. Nền kinh tế thị trường là một loại hình kinh tế – xã hội mà ở đó các quan hệ kinh tế, sự trao đổi, sự mua bán các sản phẩm và nhất là sự phân chia lợi ích, tìm kiếm lợi nhuận,… đều do các quy luật của thị trường điều tiết và chi phối. Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó bản chất của nền kinh tế được hướng đến là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có…”
Như vậy có thể thấy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta là nền kinh tế không chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế mà cao hơn là vì sự phát triển của con người, vì cuộc sống của con người. Chính bởi vậy, nền kinh tế thị trường không hề “đối lập” với Đảng cộng sản.
Suy cho cùng, đằng sau những luận điệu, lời nói hoa mỹ là mục đích chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo để không bị “dắt mũi” bởi các đối tượng “dân chủ”.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.