Chọn nhân sự cấp chiến lược: Cuộc tổng tìm kiếm hiền tài
Chọn nhân sự cấp chiến lược được coi như là một cuộc tổng tìm kiếm nhân tài, hiền tài cho đất nước. Những bài học từ lịch sử cho thấy chỉ hiền tài mới chọn và sử dụng được hiền tài.
Tôi rất đồng tình với câu hỏi “Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu”? của tác giả Đinh Duy Hòa, một người đã dành hầu hết thời gian của mình cho Ban Tổ chức và Cán bộ thuộc Phủ Thủ tướng trước đây, và Bộ Nội vụ hiện nay. Anh may mắn được đứng trong đội ngũ những người trên tuyến đầu của công cuộc cải cách hành chính đất nước, trong đó có việc phát hiện và sử dụng nhân tài. Anh có nhiều điều kiện để đi khắp các cấp địa phương xã, huyện, tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đại hội Đảng 13 đang tới gần, việc lựa chọn, sàng lọc nhân sự cho Đại hội đang đi vào giai đoạn cuối. Những người đã nằm trong qui hoạch nhân sự này sẽ trả lời cho câu hỏi trên một cách thực tiễn nhất, tuy đúng sai vẫn còn là một vùng cần phân định. Tuy nhiên, những nhân tài đã thành danh bởi đã tạo nên những thực tiễn về hiền tài thì họ đã thuộc về chân lý. Với họ, dù còn sống hay đã khuất đều không tự nhận mình là nhân tài. Những người đó trước khi nhắm mắt còn chưa kịp nói lời cuối cùng rằng “nhân tài là tôi, đang ở đây”.
Nhân tài là có thật
Trước tượng đài Thánh Gióng, từ bao đời, ai ai cũng tôn thờ Ngài, một hiền tài của đất nước, đã theo lời kêu gọi của non sông, được nhân dân trao ngựa sắt, gậy sắt và cả mọi rừng tre trúc, đứng lên cùng toàn dân tiêu diệt giặc Ân, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập của quốc gia. Trong lịch sử nhiều nghìn năm của mình, Việt Nam đã sản sinh ra biết bao hiền tài như mẫu mực Thánh Gióng. Đó là những con dân, tự nguyện xung trận khi Tổ quốc cần, và để lại chiến tích như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ…
Nhiều người hiền tài đã khuất, nhưng các ngài vẫn hiện diện tới ngày nay tại những ngôi đình làng trên khắp các vùng miền đất nước, được nhân dân suy tôn là Thánh, là Thành hoàng làng. Trong những Thánh này, có ngài khai khẩn đất đai để giao cho dân an cư lạc nghiệp cho tới ngày nay; Có ngài mang nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải hoặc làm đồ gốm, đồ đá, đồ đồng để mở mang sự nghiệp làm giầu bền vững cho dân. Cũng không hiếm những hiền nhân, được tôn vinh từ những giá trị mưu lược của mình như Nguyễn Trãi, Chu Văn An…
Trở lại những trang sử đã qua từ thế kỷ 20 đến nay, không khó để nhận ra hàng loạt hiền tài đã hiện ra trong nhiều lĩnh vực. Đó là Hồ Chí Minh, đất nước đã sinh ra Người, và chính Người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta, như đánh giá của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong Điếu văn vĩnh biệt Người năm 1969. Không chỉ vậy, chính Người hiền tài này đã phát hiện ra và sử dụng được hàng loạt nhân tài khác. Đó là Võ Nguyên Giáp trong quân sự, Phạm Văn Đồng trong nội chính và ngoại giao, Trần Đại Nghĩa trong quân khí, Huỳnh Thúc Kháng trong hàng ngũ quan triều Bảo Đại…
Cũng chính Người hiền tài này đã phát động mọi người phấn đấu làm “Người tốt, việc tốt”, coi mỗi người đó đều là một bông hoa đẹp, và mong rằng cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp. Trên rừng hoa này, người tài, người hiền tài sẽ xuất hiện, không phải đốt đuốc đi tìm, vừa khó khăn lại lắm rủi ro. Vậy đó, hiền tài, nhân tài là có thật, bằng xương bằng thịt, có tên, có địa chỉ rõ ràng. Tất cả các vị đó đều có một mẫu số chung, đó là được nhân dân tôn vinh, tâm phục, khẩu phục bởi đã hiến dâng toàn bộ thân thế và sự nghiệp của mình cho dân giàu, nước mạnh.
Chọn nhân sự cấp chiến lược: Cuộc tổng tìm kiếm hiền tài
Từ năm 1969 đến nay, cả nước ngày càng đi vào chiều sâu và bề rộng trong việc học tập và làm theo tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, gương về một hiền tài Hồ Chí Minh thì chưa được hội tụ lại thành một chủ điểm trong các chiều sâu rộng đã được mở ra đó.
Chưa bao giờ như thời gian chuẩn bị nhân sự Đại hội 13, vấn đề đi tìm nhân tài lại được quan tâm sâu rộng như hiện nay. Hàng loạt nghị quyết, chỉ thị của trung ương về tiêu chuẩn, qui trình trong qui hoạch, ứng cử, đề cử, bầu cử nhân sự các cấp đã được ban hành. Trong đó chọn nhân sự cấp chiến lược được coi như là một cuộc tổng tìm kiếm nhân tài, hiền tài cho đất nước. Những bài học từ lịch sử cho thấy, chỉ hiền tài mới chọn được hiền tài và sử dụng được hiền tài. Tình trạng không chọn được hiền tài, không sử dụng được hiền tài không chứng tỏ rằng đất nước không có hiền tài, mà chỉ vì thiếu người làm được việc này.
Công khai tìm những người tự nguyện gánh việc nước
Ở thời Thánh Gióng, do không chọn được người giúp đánh thắng giặc Ân, triều đình đã cử sứ giả đi “loa loa” khắp thiên hạ để mời người đứng ra gánh vác việc này. Khắp nơi không thấy ai “đăng ký” ngoài một chàng trai ở làng Phù Đổng. Tính công khai và sự tự nguyện đã thành công trong việc đi tìm người tài ngay tại thời đó. Ở thế kỷ 20, đất nước có người hiền là Hồ Chí Minh, chính Người đã là điều kiện cần và đủ để phát hiện và sử dụng nhiều người tài giúp cứu nước thắng lợi, kiến quốc thành công. Từ khi Hồ Chủ tịch về với thế giới người hiền, vị trí này của Người chưa có ai thay thế.
Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, chưa bao giờ thấy áp dụng tìm người hiền như thời Thánh Gióng, tức “loa loa” đi khắp thiên hạ để công khai tìm người tự nguyện gánh vác việc nước như Thánh Gióng, mặc dù công nghệ số ngày nay đã chuyển sang thế hệ 4.0 rồi 5.0, có thể làm cho việc tuyển trạch như vậy đạt hiệu quả gấp bội phần so với công nghệ xưa tại làng Phù Đổng.
Nhân dân vinh danh người hiền tài
Việc chọn tìm nhân tài như lâu nay dù vô tình hay hữu ý đều đã làm nảy sinh tình trạng chạy chức, chạy quyền không phương cứu chữa. Chỉ trong nhiệm kỳ 12 hiện nay, Đảng đã kỷ luật hàng ngàn cán bộ, đảng viên các cấp, trong đó có tới trên dưới một trăm cán bộ cấp chiến lược. Đây là một sự thật đòi hỏi phải được nhìn thẳng vào đó để cải cách, đổi mới phương thức tìm chọn hiền tài.
Trước hết, cần xác định chọn hiền tài để làm gì cho quốc gia, dân tộc chứ không phải để đảm nhận chức vụ nào đó trong bộ máy cầm quyền. Thí dụ chọn hiền tài để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc… Cũng tương tự như vậy, chọn người tài cho từng lĩnh vực, như đuổi kịp thế giới về thực hiện cách mạng 4.0, về nông nghiệp sạch, về môi trường xanh, về giao thông không tai nạn (hoặc với tai nạn tối thiểu), về thành phố không ngập lụt…
Những việc này phàm những ai không phải là hiền tài thì không sao làm nổi.
Thứ hai, thực hiện công khai hóa trong toàn xã hội để tuyển trạch những người tự nguyện đứng ra thực hiện những công việc của quốc gia, dân tộc mà chỉ những người hiền tài mới dám đảm nhận. Nếu có nhiều người cùng tự nguyện đảm nhận một công việc thì đặt qui chế để chọn được người xứng đáng nhất.
Thứ ba, đặt chế độ ưu đãi đối với những hiền tài để họ yên tâm cống hiến hết mình cho công việc mà nhà nước và nhân dân giao phó và mong đợi. Chế độ này khác hẳn chế độ tiền lương của cán bộ, công chức áp dụng trong hệ thống chính trị.
Thứ tư, tùy từng công việc, một số trong những người hiền tài có thể được giao đảm nhận chức vụ trong bộ máy công quyền, nhưng tuyệt đối không đồng nhất người có chức vụ với người hiền tài.
Thứ năm, người tự nguyện làm hiền tài chỉ chính thức trở thành hiền tài khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhân dân là người công nhận và vinh danh người hiền tài.
Nhân tài là tôi, đang ở đây. Những hiền tài trong lịch sử đã nói vậy, không phải đi tìm đâu xa. Còn những hiền tài trong tương lai thì luôn không có sẵn để đi tìm dù đốt đuốc hay thắp đèn trời cũng không thấy. Họ được sinh ra trong thời hiện tại, nhưng hiền tài chỉ đến với họ trong tương lai khi họ có công trạng với quê hương, đất nước. Không ai được tự xưng là hiền tài. Chỉ nhân dân mới là người trao vinh danh này cho những ai có công trạng với dân với nước chứ không phải cho chức cao, quyền trọng trong bộ máy công quyền.
TS Đinh Đức Sinh