Nhận diện cán bộ tham vọng quyền lực không phải dễ
Việc nhận diện cán bộ tham vọng quyền lực trên thực tế không phải dễ bởi họ hay giấu mình.
Chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội 13 của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết rất quan trọng, trong đó yêu cầu không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm.
Tham vọng quyền lực gắn với chạy chức, chạy quyền
Luận bàn về quan điểm này, ông Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cho rằng, đây là một yêu cầu cấp thiết, đúng đắn. Bởi nếu để lọt những người tham vọng quyền lực vào những vị trí quan trọng của bộ máy lãnh đạo đất nước thì hậu quả khôn lường. Do đó cần phải chú ý nhận diện những kẻ cơ hội chính trị và tham vọng quyền lực.
Theo ông Đào Duy Quát, dấu hiệu để nhận diện người tham vọng quyền lực thường gắn với các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy phiếu bầu, luồn cúi, bằng các hành vi gian dối để đạt được quyền lực, đạt được tham vọng. Khi quyền lực rơi vào tay những cá nhân kém đức, kém tài thì quyền lực ấy sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích quốc gia, dân tộc.
“Họ dùng chính quyền lực đó để trục lợi kinh tế và trục lợi chính trị. Khi có quyền lực, họ đưa con cháu, họ hàng vào các vị trí trong bộ máy”- ông Quát nhận định.
Ông Đào Duy Quát cho rằng, khi quy hoạch và lựa chọn cán bộ, không có gì tốt hơn bằng việc thực hiện công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Thông qua các kênh giám sát này, người dân sẽ phát hiện, báo cáo với Đảng về những cán bộ không đủ điều kiện, từ đó các cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra, điều tra thì hoàn toàn có thể sàng lọc được những kẻ tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị.
Cùng với đó phải tìm được cơ chế để lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân ở khu dân cư, ở cơ quan, đơn vị cán bộ đang công tác. Bởi phiếu tín nhiệm đó cũng chính là bước sàng lọc cán bộ rất quan trọng.
“Hiện nay các địa phương đang tổ chức Đại hội Đảng cấp cơ sở, theo đó cần thực hiện đúng chủ trương công khai, minh bạch, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của nhân dân thì chúng ta chắc chắn sẽ chọn lọc được những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, sàng lọc được những đối tượng cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Ví dụ công khai tài sản khi cán bộ tham gia ứng cử để quần chúng nhân dân biết, vì họ biết rõ cán bộ có bao nhiêu tài sản. Tại sao con anh mới có hơn 20 tuổi mà có biệt phủ, có khối tài sản như vậy. Tại sao với mức thu nhập của một công chức, một cán bộ như anh mà có thể cho mấy người con đi du học tự túc, còn anh đi đánh golf hàng tuần? Những vấn đề đó người dân đều đặt câu hỏi hết” – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương nhấn mạnh.
Nhận diện cán bộ tham vọng quyền lực không phải dễ
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, cuộc đời mỗi con người đều có những tham vọng, ước mơ để hướng cá nhân mình phấn đấu. Tuy nhiên, chữ “tham” trong từ “tham vọng quyền lực” ở đây được hiểu theo nghĩa, một cá nhân nào đó bằng mọi giá, có thể dùng tiền, dùng mối quan hệ… để có được chức quyền cao hơn so với năng lực, đạo đức của họ, nhằm phục vụ lợi ích nhóm hoặc cho cá nhân họ.
Chuyện này đã từng xuất hiện ở nơi này, nơi kia và Đảng ta cũng đã kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp như vậy nhằm răn đe, cảnh tỉnh cán bộ, công chức. Chính vì vậy, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có uy tín trước nhân dân trong nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng thì những người làm công tác tổ chức phải có con mắt tinh tường, khách quan, có trách nhiệm với hiện tại, tương lai và luôn đặt lương tâm, trí tuệ của mình vào lựa chọn đúng người, đúng việc, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, việc nhận diện cán bộ tham vọng quyền lực trên thực tế không phải dễ bởi họ hay giấu mình. Để nhận diện những người này cần phải dựa vào các yếu tố, đó là ở cơ quan, đơn vị, địa phương – nơi cán bộ đó sinh sống; qua thăm dò ý kiến của nhân dân… Hơn nữa, việc nhận diện những cán bộ như vậy phụ thuộc vào người đứng đầu, vào cấp trên bởi vì họ có con mắt nhìn cán bộ. Cho nên vai trò của người đứng đầu ở các cấp rất quan trọng. Người đứng đầu tốt, trong sáng thì chắc chắn sẽ chọn được những người phụ tá, cấp dưới tốt.
“Quay trở lại với bài học chọn cán bộ của Bác, thời kỳ đó không có quy trình 5-6 bước như hiện nay nhưng Bác chọn cán bộ rất đúng và trúng. Bác chọn ông Võ Nguyên Giáp – một thầy giáo sau này đã trở thành Đại tướng huyền thoại của dân tộc; Bác chọn ông Lê Duẩn – người đã hoàn thiện ước mơ của đất nước là giành độc lập dân tộc năm 1975. Nói như vậy để thấy rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng” – PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Kim Anh/ VOV