Ngỡ ngàng mất hàng trăm triệu đồng khi nhận BHXH một lần
Việc hưởng BHXH một lần đồng nghĩa với việc những người lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hàng tháng từ lương hưu và không được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Báo động tình trạng lao động trẻ nhận BHXH một lần
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%).
Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng người lao động nhận BHXH một lần lên đến 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc. Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng BHXH để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước. Trong đó, độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi.
Ông Đỗ Ngọc Thọ – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng việc người lao động đăng ký nhận BHXH một lần, tự mình rời khỏi hệ thống BHXH là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế – xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Thọ, người lao động nhận BHXH một lần chịu nhiều thiệt thòi, ít nhất là có 4 thiệt thòi lớn đối với người lao động sau này.
Đó là người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014; không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già; không được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng; người lao động không có cơ hội tăng lương theo điều chỉnh chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, người lao động nhận BHXH một lần còn nhiều thiệt thòi khác, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cháu và xã hội.
Nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Mất trắng hàng trăm triệu đồng khi nhận BHXH một lần
Điều đặc biệt nhất, theo ông Thọ, người nhận BHXH một lần còn bị mất đi một số tiền lớn so với nhận lương hưu hàng tháng.
Phân tích của ông Thọ cho thấy, một người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH, với mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4.000.000 đồng/tháng, thì đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2021.
Trong trường hợp này, nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được mức lương hưu là 1.880.000 đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 71 năm (số liệu tuổi thọ bình quân của nam giới theo Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê) thì số tháng hưởng lương hưu là 129 tháng.
Như vậy, tổng số tiền mà người lao động này được hưởng từ quỹ BHXH là 273.973.400 đồng, trong đó tiền lương hưu là 242.520.000 đồng (129 x 1.880.000 đồng), tiền mua thẻ bảo hiểm y tế là 10.913.400 đồng (4,5%), trợ cấp mai táng phí khi qua đời là 14.900.000 đồng (tương đương 10 tháng lương cơ sở), trợ cấp tuất 5.640.000 đồng.
Đối với lao động nữ, do tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ lớn hơn (55%) và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam (tuổi thọ bình quân của nữ là 76,3 tuổi, tương đương sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55 tuổi 4 tháng người nghỉ hưu sẽ sống thêm 240 tháng), nên tổng số tiền mà lao động nữ trong trường hợp này được nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội là 572.864.000 đồng.
Trong khi đó, cũng trường hợp trên, nếu nhận BHXH một lần, người lao động cả nam và nữ đều thực hiện theo cách tính như sau: 4.000.000 x (1,5 x 13 + 2 x 7) = 134.000.000 đồng.
“Như vậy, nam giới hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận BHXH một lần là 139.973.400 đồng còn nữ giới lợi hơn đến 438.864.000 đồng. Nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần rất thiệt thòi cho người lao động. Vì người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng nhiều quyền lợi và thực tế đã cho thấy, chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập”, ông Thọ chia sẻ.
Ông Đỗ Ngọc Thọ khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng BHXH một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.
Tại TP.HCM, hơn 111.000 người nhận BHXH một lần trong năm 2020, tăng khoảng 14.500 trường hợp so với năm trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ tháng 4/2020, nhiều doanh nghiệp ở thành phố phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa khiến hàng trăm nghìn người mất việc. Sau một năm nghỉ việc và không tìm được việc mới, người lao động có quyền làm hồ sơ nhận BHXH một lần. Do đó cơ quan bảo hiểm dự đoán từ tháng 5/2021, lượng người làm thủ tục BHXH một lần còn tăng cao.
Bạch Dương