+
Aa
-
like
comment

Ngày mai, họ sẽ viết về một vụ nổ hạt nhân ở gần nhà bạn!

Phạm Khoa - 08/09/2022 11:20

Bài viết về tình trạng vỡ nợ của nước Nga hay tin về một vụ nổ hạt nhân trên Biển Đông đã từng thu hút sự chú ý của độc giả toàn cầu, nhưng rồi rất nhanh sau đó bị bóc trần là tin giả. Chuyện gì đang xảy ra với thời đại chúng ta đang sống?

Ảnh chụp màn hình tin về “sự cố hạt nhân ở Biển Đông” trên website của Hal Turner Radio Show.

Có một điểm chung dễ thấy là trên mạng xã hội, mọi người đều có xu hướng phản ứng rất nhanh với tin tức và “hiệu ứng số đông” dễ khiến người ta nhấn like hay chia sẻ một bài viết, một bản tin mà bản thân thấy thích, hay hợp quan điểm mà không cần quan tâm đến tính xác thực. Đây chính là điều kiện để tin giả có đất sinh sôi và ngày càng khó phân biệt, kiểm soát. Vì vậy, tác hại cũng trở nên khó lường.

Tháng 12/ 2016, một người đàn ông 28 tuổi sống tại Bắc Carolina tên là Edgar Maddison Welch đã bất ngờ xách khẩu súng trường AR-15 tới nhà hàng Comet Ping Pong, phía bắc thủ đô Washington, sau đó điên cuồng bắn ba phát vào đây. Khi Welch bị bắt, anh ta thừa nhận động cơ của vụ việc là để “giải cứu trẻ em”. Hóa ra Welch tin vào thông tin được các báo mạng đưa suốt 2 tháng trước đó về nghi vấn bà Hillary Clinton đã từng “điều hành một đường dây mại dâm trẻ em tại Comet Ping Pong”.

Vụ việc chưa gây hậu quả đáng tiếc, nhưng với câu chuyện về nợ công của nước Nga dưới đây thì uy tín của một quốc gia bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Ngày 26/6, khi Nga vướng lệnh cấm vận của phương Tây, không thanh toán được khoản lãi 100 triệu USD, nước này lập tức bị đồn vỡ nợ. Sự thật là nước Nga chẳng thiếu tiền, nhưng họ không được chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp, trong khi ngoại tệ của họ ở các nhà băng quốc tế bị đóng băng.

Không phải ngẫu nhiên mà đầu năm 2018, chính phủ Anh phải thành lập đơn vị đặc trách về truyền thông an ninh quốc gia, với nhiệm vụ chống lại tin tức sai lệch từ mọi nguồn tin. Chia sẻ cách nhìn với Anh, Liên minh châu Âu (EU) cũng thành lập một ủy ban chuyên trách về tin giả và đòi hỏi quyền tiếp cận kho dữ liệu của các mạng xã hội. Theo đó, cảnh báo được dán trên các thông tin sai lệch và cả những nguồn tin đã được xác nhận đáng tin cậy cũng được gắn thẻ.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng đã lần lượt ban hành luật liên quan đến tin giả với các chế tài ngày càng nghiêm khắc. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế, khi cơ quan an ninh mạng liên tục phát hiện, xử phạt các cá nhân, tổ chức đưa tin giả, phát tán tin giả.

Đến đây, người viết chợt nhớ đến câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Jim Acosta, phóng viên CNN chuyên trách Nhà Trắng: “Ông là kẻ đưa tin giả”. Câu nói đầy nộ khí đó cho thấy, ngay cả tổng thống Mỹ cũng không thoát khỏi bàn phím trục lợi của giới truyền thông bẩn. Và bất cứ ai, nhất là giới chính khách các nước càng trở “chủ điểm” bị bôi lem dưới ngòi bút của hệ thống truyền thông bẩn. Thực tế, cả CNN, CNBC, Guardian, Epoch Times… đều cũng từng bị cáo buộc đưa tin giả, thiếu xác thực, hay Intelligence Online từng bị tờ Malta Today bóc trần cái gọi là “cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tại Malta”…Nên việc cảnh giác và xác thực nguồn tin sẽ không bao giờ thừa trên “trận địa thông tin”.

Phạm Khoa

Xem thêm: Ngẫm từ việc trang Intelligence Online bị bóc trần…

Bài mới
Đọc nhiều