+
Aa
-
like
comment

Có một phát đã biểu đụng chạm đến sự tự ái của những “nhà dân chủ tào lao”

sông trà - 12/05/2021 16:05

Một khi dân chủ được phát huy, vấn đề đoàn kết các dân tộc, tôn giáo thành một khối thống nhất thì tạo nên sức mạnh vô địch, không một thế lực nào có thể đe dọa đến sự toàn vẹn của đất nước.

Đài RFA tiếp tay cho các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc phát biểu của Chủ tịch nước về dân chủ
Đài RFA tiếp tay cho các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc phát biểu của Chủ tịch nước về dân chủ

Một lời phát biểu đụng chạm đến sự tự ái của những “nhà dân chủ tào lao”

Mới đây, tại UBND xã Hòa Phú (huyện Củ Chi, TPHCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn).

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước đã nói về vấn đề dân chủ trong bầu cử rằng: “Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân, nhưng dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn… Việt Nam là một nhà nước pháp quyền luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, nhưng nếu không giữ vững ‘kỷ cương, phép nước’ thì sẽ không đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội”.

Phát biểu này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dường như đụng chạm đến sự tự ái của nhiều “nhà dân chủ” và một số phần tử ở nước ngoài, làm “nóng” mạng xã hội, báo đài hải ngoại như RFA, BBC News Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, cũng như trang mạng của tổ chức phản động Việt Tân, Hội Anh em dân chủ…

Đài RFA đã “tiếp sức” cho một số đối tượng “nổi tiếng” chống phá trên diễn đàn dân chủ thời gian qua như Nguyễn Quang A, Nguyễn Văn Đài… khi các đối tượng này liên tục công kích, bôi nhọ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói riêng và nền dân chủ của Việt Nam nói chung.

Chẳng hạn: Nguyễn Quang A – người trượt dài trên con đường từ một Tiến sĩ trở thành con “buôn chính trị” không ngại miệng khi nói: “Tôi nghĩ người ta kêu ổng là ông Phúc nổ thì không có sai gì cả. Là bởi vì ổng nói mà ổng không biết ổng nói cái gì? Thật sự nếu ổng là một ông nông dân mà nói bổ bả như thế thì nó có thể rất là hay. Nhưng một ông Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một trong bốn nhà chính trị đứng đầu Việt Nam mà ăn nói những câu gọi là hết sức thô lỗ như thế… thì tôi nghĩ không có cái gì để có thể bình luận về một chính trị gia như vậy được.”

Còn đối tượng Nguyễn Văn Đài luôn cho rằng dân chủ chỉ có một, chứ không có thứ dân chủ tào lao hay dân chủ xã hội chủ nghĩa, hay dân chủ nào khác và đã mất nhiều thập kỷ… khi hầu hết các quốc gia đều có nền dân chủ thì Việt Nam vẫn chưa có được điều đó. Từ đó đối tượng Đài nói Chủ tịch nước phát biểu dân chủ tào lao thì không biết ông hiểu như thế nào là dân chủ…

Thực tế trên cho thấy, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước triển khai tích cực. Đây cũng là thời điểm mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện nhiều hoạt động chống phá quyết liệt, đặc biệt là chiêu trò lợi dụng mạng xã hội để tung ra các luận điệu xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử.

Thực tế dân chủ ở Việt Nam

Hiến pháp Việt Nam đã quy định nhiều nghĩa vụ và quyền của công dân như: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3). “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6). “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” (Điều 21)…

Tức là, tinh thần dân chủ đã được cụ thể hóa thành thể chế, pháp luật; và quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, ý kiến của cử tri được lắng nghe và giải quyết thấu tình đạt lý, đặc biệt là trước và trong mỗi cuộc bầu cử.

Dưới góc nhìn cử tri, mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ là thực hiện quyền dân chủ, mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với vận mệnh đất nước, với bao thế hệ đã hy sinh xương máu để giành lại quyền thiêng liêng cho dân tộc là độc lập, tự do, dân chủ.

Vì thế, những biểu hiện của một số công dân như thờ ơ, bàng quan với bầu cử; dùng lợi ích cá nhân để “mặc cả” việc đi bỏ phiếu bầu cử; hay đi bỏ phiếu kiểu “cho xong”, “gạch bừa” chỉ để được đóng dấu “đã đi bầu”, không những tự mình tước bỏ quyền lợi thiêng liêng của mình, mà còn là hành xử thiếu trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc.

Còn với mỗi đại biểu, việc tiếp xúc cử tri trong quá trình vận động bầu cử là nhằm tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử để từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Rõ ràng để lựa chọn được người xứng đáng nhất, phải dân chủ trong từng khâu, từng bước, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là ý kiến nơi công tác và nơi sinh sống. Ngoài những đánh giá tốt, cần chú ý đến những ý kiến trái chiều, dù chỉ là thiểu số, nhưng cần lắng nghe, làm rõ, nếu cần phải xử lý cho nghiêm. Không vì tuyệt đại đa số đánh giá tốt mà bỏ qua ý kiến thiểu số. Bởi đôi khi những ý kiến tuy thiểu số nhưng lại đúng, còn đánh giá thành tích nhiều khi lại do cả nể, không dám nói thẳng, nói hết.

Lẽ tất nhiên, một đất nước với gần 100 triệu dân, chúng ta không thiếu người có tài, có đức. Điều quan trọng là cần phải lựa chọn bằng cơ chế, phương thức nào để chọn đúng và trúng người có tài, đức, tâm huyết, có trình độ. Để cử tri và nhân dân lựa chọn được người đại diện xứng đáng nhất, trước tiên họ cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin để nghiên cứu, tìm hiểu các ứng viên. Điều này đòi hỏi sự công khai, minh bạch về thông tin với mỗi ứng viên.

Nói cách khác, tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thì chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu “dân chủ tào lao”, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn.

Điều này cũng có nghĩa, bất kể đất nước nào, chế độ xã hội nào cũng có kỷ cương phép nước, có luật pháp, mọi hoạt động, phát ngôn phải tuân thủ pháp luật nếu vượt ra khỏi khuôn phép pháp luật, ảnh hưởng an ninh quốc gia tổn hại danh dự tổ quốc đều được coi là loại dân chủ tào lao.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều