+
Aa
-
like
comment

“Mong muốn của cử tri” hay là vọng tưởng của những kẻ núp bóng “dân chủ” chống phá đất nước?

Bảo An - 26/05/2021 17:01

Hậm hực, cay cú là những gì các đối tượng chống đối núp bóng dân chủ đang thể hiện sau khi Việt Nam tổ chức thành công cuộc bầu cử ngày 23/5.

Luận điệu xuyên tạc của đối tượng "Gió Bấc" được RFA tung hê.
Luận điệu xuyên tạc của đối tượng “Gió Bấc” được RFA đăng tải.

Đúng như kịch bản được dựng sẵn, trước, trong và sau khi cuộc bầu cử diễn ra, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra nhiều chiêu trò chống phá, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa, mục đích cũng như tính dân chủ trong tổ chức bầu cử ở Việt Nam. Nếu như trước bầu cử, hoạt động chống phá tập trung vào thủ đoạn “tự ứng cử” và kích động “tẩy chay bầu cử” thì sau khi việc bầu cử kết thúc, mũi nhọn công kích lại được các đối tượng xấu tập trung và việc xuyên tạc bản chất dân chủ, khách quan của công tác tổ chức bầu cử. Những “kền kền dân chủ” núp danh báo chí như BBC Tiếng Việt, RFA, RFI Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt… đã có nhiều bài viết với nội dung xuyên tạc một cách trắng trợn vấn đề bầu cử tại Việt Nam. Mục đích của các đối tượng này là kích động sự hoài nghi, làm sai lệch bản chất của công tác bầu cử, tạo cớ để chống phá chế độ, chống Nhà nước Việt Nam.

Trong một bài viết với tiêu đề “Quốc hội khoá mới: cử tri mong muốn gì?” của đối tượng “Gió Bấc” được RFA đăng tải, vô số luận điệu xuyên tạc, hướng lái tiêu cực đã được tung ra. “Miệng lưỡi cú vọ” của các đối tượng dân chủ vu khống rằng bầu cử ở Việt Nam là “màn kịch dân chủ lẩn thẩn, rối rắm như dĩa hát bị cà lăm”, “chính phủ Đảng chọn dân bầu không phải là tạo ra cái bánh mới, giá trị mới cho đất nước, người dân mà chỉ biết dùng quyền lực Nhà nước cướp đất của người dân, bán rẻ tài nguyên”, “độc quyền lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và hệ thống chính trị bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ của người dân”…

Đồng thời, với giọng điệu cay cú, hậm hực, các đối tượng này ra sức bôi lem, xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của một số ứng cử viên. Mặt khác, lợi dụng việc một số ứng cử viên bị xoá tên khỏi danh sách ứng cử, các đối tượng dân chủ đã “thêm mắm, thêm muối”, đổ lỗi cho quy trình khi “để lọt” những người trên vào danh sách ứng cử. Cuối cùng, sau hàng loạt lời lẽ xuyên tạc dài dòng văn tự, với mưu đồ đã định sẵn, những “nhà dân chủ” cũng chỉ rêu rao mục đích cuối cùng là “đòi Quốc hội “sửa đổi Hiến pháp”, đòi “đa nguyên, đa đảng” mà thôi.

Trước hết, về công tác tổ chức bầu cử, cần phải khẳng định việc bầu cử ở Việt Nam tổ chức hoàn toàn khách quan, dân chủ. Viêc một số ứng cử viên sau khi thông qua các vòng Hiệp thương, trở thành ứng cử viên chính thức nhưng bị xoá tên khỏi danh sách chính thức hoặc tự xin rút lui khỏi danh sách chính thức không phải là do quy trình có vấn đề như luận điệu được những kẻ xấu rêu rao.
Việc ứng cử viên dù đã có trong danh sách chính thức nhưng bị loại bỏ sau khiphát hiện sai phạm hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn cho thấy chúng ta làm việc hoàn toàn khách quan, công tâm, nghiêm túc. Không có bất kỳ sự du di, thoả hiệp nào cho những người không đủ tiêu chuẩn.

Thứ hai, Đảng, Nhà nước Việt Nam có “của dân, do dân, vì dân” hay không thì chính những người dân tại Việt Nam hiểu rõ. Nếu cuộc bầu cử ở Việt Nam chỉ là hình thức, nếu Quốc hội được lập ra không giải quyết được vấn đề gì, nếu Nhà nước không có khả năng chăm lo cho đời sống nhân dân thì chắc chắn sẽ chẳng thể tồn tại đến bây giờ. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chính những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch đã góp phần nâng cao, củng cố niềm tin của người dân. Thay vì những thứ “dân chủ tào lao”, “dân chủ nửa mà”, mà các đối tượng mơ tưởng, Nhà nước Việt Nam đang xây dựng, củng cố nền dân chủ cho tất cả mọi người.

Cuối cùng, về luận điệu xuyên tạc con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang đi, chúng ta không phủ nhận đây là con đường gian nan, vất vả, có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà cha ông ta đã chọn. Như bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đề cập: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”. Và để đạt được mục đích trên, không còn con đường nào khác là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Sự nghiệp cách mạng mà Việt Nam đang đi phải đối mặt với không ít khó khăn, chống phá. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn chúng ta sẽ vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều