Lối thoát nào cho Lục địa già?
Mới đây, ngay tại Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã phải vật lộn để tìm ra các giải pháp thực tế ngay lập tức để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng và duy trì một mặt trận thống nhất khi đối mặt với sự ép buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sau khi các cuộc hội đàm kéo dài tại Brussels kéo dài đến khuya, 27 nhà lãnh đạo EU không thể thu hẹp sự chia rẽ giữa một số quốc gia thành viên lớn và không thể áp đặt giới hạn giá khí đốt để chống lại chiến lược cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho khối này theo ý muốn của Nga .
Tuy nhiên, họ đồng ý tiếp tục làm việc để tìm ra thỏa hiệp trong danh sách các biện pháp dựa trên các đề xuất được Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, công bố vào đầu tuần này, đã được thảo luận sâu và chỉnh sửa tại hội nghị thượng đỉnh. Các nước EU đã nhất trí qua đêm để tiếp tục thực hiện một số biện pháp khẩn cấp để kiềm chế giá năng lượng cao
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo rằng các nhà lãnh đạo EU “quyết tâm mạnh mẽ, đồng lòng sẻ chia” để cùng hành động nhằm đạt được ba mục tiêu: hạ giá năng lượng, đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm nhu cầu.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt ngoài tầm kiểm soát trong mùa hè khi các quốc gia EU tìm cách trả giá cao hơn lẫn nhau để lấp đầy dự trữ cho mùa đông. Các quốc gia đã đồng ý tiến tới việc mua khí đốt chung và tạo ra một chuẩn giá khí đốt mới vào đầu năm 2023 để phản ánh thị trường tốt hơn. Các quốc gia thành viên đã đồng ý cắt giảm nhu cầu khí đốt 15% trong mùa đông.
Họ cũng đã cam kết lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt đến ít nhất 80% công suất vào tháng 11 và – như một cách để giảm sản lượng điện bằng khí đốt – để giảm nhu cầu điện cao điểm ít nhất 5%.
Họ cũng tán thành tiến độ về mức trần giá tạm thời đối với các giao dịch khí đốt tự nhiên và kêu gọi Ủy ban châu Âu “khẩn trương đệ trình các quyết định cụ thể” về các biện pháp này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi hiện có một lộ trình rất tốt và vững chắc để tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng. Nhưng bà cũng đồng thời thừa nhận đây mới chỉ là “hướng dẫn chiến lược” để các nước thành viên EU tiếp tục làm việc về chủ đề giá năng lượng.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hài lòng về thỏa thuận, cho rằng khoảng thời gian 2 – 3 tuần tới sẽ cho phép EC đưa ra đề xuất nhằm thực thi các cơ chế này. Theo ông, thỏa thuận này đã gửi đi tín hiệu rõ ràng đối với thị trường về sự quyết tâm và đoàn kết của khối. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá EU đã đạt được tiến triển tốt trong vấn đề năng lượng.
Theo giới phân tích, một trong những bất đồng lớn nhất là kế hoạch thiết lập giá trần mà các nước EU phải trả để nhập khẩu khí đốt.
Bộ đôi động lực truyền thống của EU – Đức và Pháp – đang ở trong phe đối lập, trong đó Đức bày tỏ sự nghi ngờ và từ chối kế hoạch giới hạn giá, trong khi hầu hết các nước khác muốn thúc đẩy.
Việc giá năng lượng ở châu Âu tăng cao do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở châu lục này, trong đó Đức chịu ảnh hưởng nặng nề vì phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga. Hiện 15 quốc gia, trong đó có Pháp, Italy, Ba Lan, đang nỗ lực thúc đẩy nhanh chóng áp đặt mức trần giá khí đốt. Tuy nhiên, nỗ lực này đang vấp phải sự phản đối của Đức – nền kinh tế lớn nhất EU và Hà Lan – nước nhập khẩu khí đốt nhiều nhất khối này.
Những bất đồng và ngoại lệ này khiến khả năng EU đạt được các giải pháp toàn diện mang tính ràng buộc để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng càng trở nên mong manh hơn.
Người châu Âu ngày càng cảm nhận được một mùa đông cận kề do nhiệt độ trung bình giảm mạnh mỗi ngày. Khi những bông tuyết đầu tiên đang sắp bao phủ “Lục địa già”, trong bối cảnh EU phải đối mặt với một hành trình khó khăn, khi những vấn đề năng lượng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Tuệ Ngô