Lá chắn thép Cảnh vệ sẵn sàng cho Đại hội Đảng 13
Để chuẩn bị cho công tác bảo vệ Đại hội 13 của Đảng, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, huấn luyện chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng và các đơn vị.
Phóng viên trò chuyện với Trưởng Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Huấn luyện chuyên biệt
Thưa ông, với những yêu cầu đặc thù về nhiệm vụ, công tác đào tạo, huấn luyện với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng diễn ra như thế nào? Đặc biệt là với Đại hội Đảng 13 sắp tới?
Là lực lượng tuyệt đối trung thành, “lá chắn thép” bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng Cảnh vệ luôn tự hào và xác định rõ trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước và ngành giao phó.
Để chuẩn bị cho công tác bảo vệ Đại hội 13 của Đảng, ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, huấn luyện chuyên biệt cho từng nhóm đối tượng, đơn vị khác nhau như: Bảo vệ tiếp cận, lái xe nghiệp vụ, tuần tra, canh gác bảo vệ mục tiêu trọng điểm, công tác kiểm tra, phát hiện xử lý bom mìn, vật liệu nổ, công tác kiểm nghiệm, huấn luyện lực lượng đặc nhiệm…; đồng thời, quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng, những yêu cầu đặc biệt về công tác bảo đảm an ninh, an toàn và tổ chức phục vụ Đại hội.
Công tác đào tạo, huấn luyện của lực lượng phải lấy yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ khi xây dựng nội dung bài giảng, chương trình huấn luyện và tổ chức huấn luyện trên thao trường.
Những nội dung cụ thể về võ thuật, bắn súng, bơi lội, ngoại ngữ, tin học, kiểm tra, phát hiện vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ, chiến thuật xử lý tình huống… được lựa chọn kỹ lưỡng và phù hợp với từng đối tượng huấn luyện.
Đặc biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ rất quan tâm đến tổ chức diễn tập thực binh phương án xử lý tình huống ở nhiều cấp độ. Đây có thể nói là hình thức huấn luyện cao nhất, giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp và người chiến sĩ không bị động trong mọi tình huống.
Đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định: Các chương trình đào tạo, huấn luyện đã được triển khai đúng tiến độ, sát với tình hình thực tế và phù hợp với tính chất, đặc thù nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Bảo đảm “quân dự bị”
2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước mà trước mắt là Đại hội Đảng 13. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?
Lường trước được những khó khăn này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt và cụ thể đối với các đơn vị, nhất là khâu nắm tình hình, rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và khi xây dựng phương án phải đạt được yêu cầu “toàn diện, chặt chẽ”, đặc biệt lưu ý đến việc phòng, chống dịch bệnh trong phương án tổng thể.
Mặc dù việc bảo đảm an ninh y tế, phòng chống dịch do Bộ Y tế chủ trì, song Bộ Tư lệnh Cảnh vệ luôn xác định đây là yêu cầu gắn liền với công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ.
Các đơn vị phải tiếp tục phải quản lý chặt chẽ cán bộ chiến sĩ, thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch.
Khi xây dựng phương án cũng như tổ chức lực lượng ứng trực phải đảm bảo có “quân dự bị”. Đây là yếu tố hết sức quan trọng trong xây dựng, triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn các đối tượng cảnh vệ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Có thể nói, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ luôn tập trung tinh thần, lực lượng để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện quan trọng của đất nước vừa đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tuyệt đối an toàn với 21 đoàn khách quốc tế
Vị thế đất nước ngày càng gia tăng trên trường quốc tế đồng nghĩa với các chuyến thăm viếng, hội nghị song phương và đa phương tại Việt Nam và liên quan đến Việt Nam sẽ gia tăng. Công tác cảnh vệ gặp khó khăn thách thức như thế nào?
Tính đến ngày 26/10/2020 thế giới đã ghi nhận có 11 nhà lãnh đạo cấp cao có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 như: Mỹ, Nga, Anh, Ba Lan, Belarus… Điều này cho thấy, Covid-19 không loại trừ bất kỳ ai, đặc biệt khi lây nhiễm qua những nhân vật cấp cao là thách thức thực sự lớn cho lực lượng y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và lực lượng cảnh vệ nói riêng.
Theo yêu cầu về công tác đối ngoại, các nhân vật cấp cao thường được miễn trừ ngoại giao (không tổ chức kiểm tra y tế, lấy máu xét nghiệm khi nhập cảnh Việt Nam). Đồng thời, lãnh đạo cấp cao có nhiều hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước của Việt Nam trong chuyến chính thức, chào xã giao, dự chiêu đãi… và thường tham gia hoạt động tập trung đông người, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, báo chí… nên càng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Lực lượng an ninh, phục vụ thường xuyên phải tiếp xúc gần với đoàn cấp cao để kịp thời nắm bắt thông tin, chương trình, thành phần đoàn và triển khai nhiệm vụ theo đúng chức trách, vì vậy không tránh khỏi việc tiếp xúc gián tiếp với nguồn lây nhiễm không rõ nguồn gốc.
Trước khi đoàn cấp cao chính thức sang Việt Nam, các nước đều cử đoàn tiền trạm sang để chuẩn bị. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Năm qua, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch Covid-19 khi phối hợp bảo đảm tuyệt đối an toàn với 21 đoàn khách quốc tế, điển hình như: Thủ tướng Nhật Bản 18-20/10, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc 31/10 4/11…
Ứng phó với ‘đối thủ’ gần như vô hình
Trong năm qua, Việt Nam đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, dịch Covid đã làm thay đổi nhiều phương án/kế hoạch chuẩn bị từ trước. Điều này đặt ra những khó khăn thế nào? Và lực lượng Cảnh vệ đã thích ứng ra sao?
Năm 2020, ngoài diễn biến phức tạp của các yếu tố an ninh truyền thống, thì dịch Covid-19 có tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới công tác tổ chức, bảo đảm an ninh, trật tự.
Gần đến ngày tổ chức hội nghị, các cơ quan, đơn vị cũng không thể khẳng định được hội nghị cấp cao sẽ tổ chức dưới hình thức trực tiếp hay trực tuyến hay kết hợp cả hai. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến phương án, kế hoạch, đòi hỏi lãnh đạo Bộ Tư lệnh phải có quyết định nhanh và chính xác trong điều kiện phụ thuộc vào thông tin từ phía các nước đối tác.
Để chủ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cho tình huống các hội nghị cấp cao tổ chức trực tiếp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với bên liên quan để nắm thông tin kịp thời, chính xác để quyết định phù hợp.
Sau khi có thông tin chuyển sang hình thức trực tuyến, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ, tổ chức khảo sát cụ thể từng địa điểm tổ chức hội nghị trước khi triển khai công tác bảo vệ.
Mặc dù hầu hết sự kiện phải chuyển sang hình thức trực tuyến song yêu cầu bảo đảm an toàn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phái đoàn ngoại giao khi cùng đến tham dự các sự kiện vẫn không thay đổi.
Trước “đối thủ” gần như vô hình virus SARS-CoV-2, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ gặp khó khăn không nhỏ trong việc phòng ngừa lây nhiễm cho đối tượng cảnh vệ, cho cán bộ chiến sĩ.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị phải quản lý chặt chẽ cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong các giai đoạn dịch bùng phát, thực hiện tốt những khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch.
Khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị yêu cầu ban tổ chức thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch. Sĩ quan bảo vệ tiếp cận báo cáo các lãnh đạo để giữ khoảng cách hợp lý, hạn chế tiếp xúc tại nơi đông người. Cán bộ, chiến sĩ căn cứ nhiệm vụ, giữ khoảng cách hợp lý để bảo đảm an toàn cho đối tượng cảnh vệ…
Diệu Thúy – Hiền Anh/ VNN