Khi Chính phủ tháo gỡ nút thắt mang tên “chậm tiến độ”
Chính quyền địa phương là cầu nối đặc biệt quan trọng giữa Nhà nước và người dân. Họ cũng chính là người trực tiếp đưa các chính sách vào trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ thật sự hoạt động hiệu quả khi được Nhà nước trao quyền tự chủ trong mọi hoạt động thuộc phạm vi của địa phương cùng với sự giám sát chặt chẽ.
Quay trở về thời điểm tháng 4/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh theo cơ chế tự chủ. Những phương án này phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và công tác phòng chống dịch bệnh trên cả nước.
Thời điểm đó, tại những điểm nóng sau vài lần kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách toàn xã hội thì tình hình dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát rất tốt. Số lượng bệnh nhân bị nhiễm mới là rất ít, trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phủ sóng cao. Thành công này có công rất lớn từ sự phối hợp giữa Chính phủ và các cấp chính quyền cơ sở tại mỗi địa phương.
Từ đó có thể thấy, việc trao quyền tự chủ cho các địa phương được phép linh hoạt xử lý khi có vấn đề xảy ra sẽ giúp mang lại hiệu quả cao hơn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là trong bối cảnh khi mà hiện nay nhiều dự án trọng điểm của nước ta vẫn còn đang bị chậm trễ trong khâu kiểm duyệt và đi vào khởi công xây dựng thì việc trao quyền tự chủ cho các địa phương là vô cùng cần thiết.
Điển hình như dự án đường Vành đai 3 TPHCM đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Theo như kế hoạch thì dự án này sẽ được chính thức khởi công vào tháng 6/2023. Trước đó để đẩy nhanh tiến độ và kịp thời gian khởi công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP yêu cầu Chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành phố trên phải hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và triển khai các công việc có liên bao gồm cả chỉ định thầu và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Chính phủ cũng cho phép các địa phương được tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần theo từng giai đoạn, tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ngoài ra để đảm bảo sự đồng bộ trong cơ chế thực hiện, Chính phủ đã giao cho TP.HCM làm “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời thường xuyên trao đổi thống nhất với các tỉnh, thành phố khác. Điều này không chỉ giúp làm tăng sự chủ động của các Bộ ngành và UBND các địa phương mà còn nhằm đảm bảo cho dự án được diễn ra đúng tiến độ, không bị kéo dài và gây lãng phí ngân sách quốc gia.
Từ bài học về phòng chống dịch Covid-19, việc nâng cao chính sách trao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương là một quyết sách đúng đắn nhưng cũng đặt các địa phương vào những nhiệm vụ lớn lao hơn để thực hiện cam kết trước Quốc hội. Từ đó, sẽ giúp dự án chạy đúng tiến độ và công trình sớm đi vào hoạt động.
Minh Thanh