+
Aa
-
like
comment

Hết thời… “tổ Đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”

Thế Khoa - 25/09/2019 15:09

Phải nói rằng “cả nhà làm quan” chưa bao giờ lại được xã hội nhắc đến với tần xuất nhiều đến vậy. Chồng làm chi cục trưởng, thì đến phó sẽ phải là vợ. Một ông làm quan to trên tỉnh, thì cả họ phải “dây mơ rễ má” ở các phòng ban…. Mà quan trọng nhất là “đúng quy trình” và hợp chuẩn mô hình ngầm “dòng họ trị”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Mới hôm nào người dân còn bàn luận chuyện dòng họ Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh làm lãnh đạo; chưa kịp nguôi thì lại đến cả nhà làm quan cấp huyện ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) nổi lên; báo chí chưa đặt bút kết thúc câu chuyện trước thì dư luận lại phải nói về “dòng họ trị” tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Yên Bái… Thật khó chấp nhận được khi dòng họ cả chục người cứ nghiễm nhiên ngồi vào những chiếc ghế quan trọng của bộ máy quản lý địa phương. Thực chất, trong xã hội phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay, quyền lực được ràng buộc chằng chịt với lợi ích nên nhiều người tìm mọi cách ngoi lên bằng con đường quan chức là điều dễ hiểu. Mật ngọt ắt có ruồi.

Nhìn ở góc độ tích cực, nếu quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm đúng quy định, đúng người đúng việc và đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ thì chẳng có gì phải bàn cả. Mọi người đều bình đẳng như nhau trước mọi vị trí việc làm. Chẳng nhẽ vì là cháu, là em Chủ tịch nên không được ngồi vào chỗ này chỗ nọ? Nhưng thiên hạ cũng có lý do để bức xúc về sự minh bạch trong mọi hoạt động, ái ngại về sự dân chủ trong nội bộ. Chính việc sắp xếp, đề bạt cán bộ lãnh đạo cứ làm “đúng quy trình” tuyển chọn đã dẫn đến chuyện mặc sức cài cắm, đôn con nhét cháu vào các cơ quan, tổ chức để làm vây cánh, hòng thao túng chủ trương lớn nhỏ. Có không ít cuộc họp ảnh hưởng đến tương lai của một huyện hoặc tỉnh, ngành mà nhìn lui nhìn tới chỉ thấy những người vỗ vai gọi nhau là cô bác, chú dì.

Trong tổ chức mà người nhà của sếp chiếm đa số thì ai đảm bảo là không có bao che cho người thân và lấn át người khác? Liệu người đứng đầu có đủ dũng cảm xử lý bà con của mình khi để xảy ra sai phạm? Và người không ruột rà có dám phê bình bộ sậu “dây mơ rễ má kia”? Phải chăng cả xã không còn ai tài năng hơn những người cận huyết với lãnh đạo? Cũng hiểu từ đó làm phát sinh tình trạng “tổ đảng nhà ta, chi bộ nhà ta”, làm mất đoàn kết nội bộ, làm mưa làm gió kéo bè kéo cánh, tranh chức tranh quyền giữa các dòng họ, mưu kế triệt hạ lẫn nhau. Dân gian thường nói, một người làm quan cả họ được nhờ. Còn nếu cả họ làm quan theo cách này thì đất nước không thể nào phát triển được. Mải lo đấu đá như thế thì còn tâm sức đâu mà lo cho cái chung? Đó là còn chưa kể nhiều trường hợp bổ nhiệm có cả người nhà chẳng bằng chẳng cấp, có cả người chạy điểm chạy bằng, kiến thức không có mà sự hống hách, ngang ngược thì có thừa làm khổ dân hại nước.

Phó Bí thư Huyện ủy Kim Thành cùng nhiều chức danh quan trọng ở huyện là “người trong một nhà”

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 205 “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Tại quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nêu rõ: “Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em…) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó Bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương…” Về cơ chế xử lý trách nhiệm với các vi phạm về công tác cán bộ sẽ bị áp dụng các biện pháp rất cụ thể và nghiêm khắc như: quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để xảy ra sai phạm, tiêu cực; đình chỉ công tác, chức vụ; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra…

Việc ban hành riêng một quy định về vấn đề này trong bối cảnh chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các cấp và Đại hội 13 của Đảng đã cho thấy những bước đi bài bản, quyết liệt và cứng rắn của Trung ương trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tư duy dòng họ, cả nhà làm quan, tạo lợi ích nhóm. Đã đến lúc phải coi việc đôn con nhét cháu đúng quy trình là hành vi tham nhũng, gây bức xúc lòng dân. Đã đến lúc cần có giải pháp muốn kéo cả họ hàng, đồng hương cũng không thể qua nổi hàng rào quy định, quy chế chặt chẽ.

Có thể ví quy định 205 như “thanh kiếm sắc” không chỉ rõ ràng, minh bạch và nghiêm khắc khi xử lý các vi phạm trong công tác cán bộ mà còn thiết lập một cơ chế phòng ngừa đủ mạnh mẽ để những cá nhân, tập thể có nhiệm vụ và quyền lực trong công tác cán bộ không thể ưu ái người nhà vào được nữa.

Thế Khoa

Bài mới
Đọc nhiều