Đừng lợi dụng tôn giáo để đứng trên tính mạng người dân
Sáng hôm nay, 8-4, Mỹ có gần 2.000 người chết trong 24 giờ, Pháp có gần 1.500 người tử vong; Việt Nam có thêm 2 ca mới, nâng số ca nhiễm lên 251. Mặc dù Việt Nam đã chữa khỏi 122 bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện, nhưng điều đáng lo hiện nay là, ca F0 đã có tín hiệu mất dấu, như bệnh nhân 251 thậm chí còn chưa biết bị nhiễm từ đâu. Công tác chống dịch Covid-19, phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Điều đó cho thấy, trong thời điểm này đây, chỉ cần chủ quan, lơi lỏng thì không ai nói trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Có thể nói, cho đến thời điểm này, Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, với số người nhiễm chưa đến 300, và gần 1/2 trong số đó đã chữa khỏi. Đó là điều đáng tự hào.
Sở dĩ Việt Nam kiểm soát dịch bệnh được như thời gian qua là do chúng ta có sự chuẩn bị “đón dịch” ngay từ những ngày dịch chưa bùng phát ở điểm khởi đầu là Vũ Hán. Thêm vào đó, công tác dịch tễ được thực hiện nghiêm túc, các F1, F2, F3, F4 được theo dõi chặt chẽ. Các nơi ăn chơi, cơ sở kinh doanh các hoạt động không cần thiết đều bị cấm; lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, “ở nhà là yêu nước” của Chính phủ được người dân hưởng ứng. Chỉ thị số 15/CT-TTg, ban hành ngày 27-3-2020 yêu cầu dừng tất cả các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, để phòng chống Covid-19 của Thủ tướng được các tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao đài giáo, Hồi giáo,…) trên khắp cả nước chấp hành nghiêm túc. Điều đó thể hiện rõ nét, mỗi người dân là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch – như lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thế nhưng, gần đây, việc một số linh mục ở Hà Tĩnh liều lĩnh, ngang nhiên rung chuông làm lễ với sự tham gia của hàng trăm người ở mỗi địa điểm, cố tình coi thường tính mạng của người dân. Điểm qua một vài giáo xứ, xem con số mà bức xúc vô cùng. Chỉ riêng tại giáo xứ Nghĩa Yên (thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ), tối 4/4 có hơn 500 người tham gia cầu nguyện trong nhà thờ. Đến sáng 5/4, khoảng 200 người vẫn tiếp tục hoạt động này. Tương tự, tại giáo xứ Thọ Ninh (xã Liên Minh, huyện Đức Thọ), tối 4/4 có khoảng 150 người, đến sáng 5/4 khoảng 200 người vẫn tham gia cầu nguyện trong nhà thờ. Sáng ngày 5/4, trên địa bàn xã Khánh Vĩnh Yên (xã Yên Lộc cũ) thuộc huyện Can Lộc, linh mục Nguyễn Xuân Hóa – quản xứ Tràng Đình vẫn rung chuông làm lễ với sự tham gia của hơn 300 giáo dân. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ một người trong số giáo dân đi lễ này là F1, F2, hoặc đang trong thời gian ủ bệnh?
Vào ngày 25-3, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã có thư, yêu cầu: “Bắt đầu từ 16h ngày 26-3 tất cả các nhà thờ và nhà nguyện của các giáo xứ và dòng tu trong Tổng giáo phận sẽ tạm ngừng hành lễ và tất cả các sinh hoạt tôn giáo với sự tham gia của cộng đoàn… Không được tham dự thánh lễ và các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ”. Đồng thời, để các vị chức sắc trên địa bàn nắm quan điểm, làm đúng công tác phòng tránh dịch bệnh Covid-19, ngày 27-3, đích thân Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đã có thông báo gửi đến quý Cha, quý tu sỹ nam nữ, quý chủng sinh và Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Hà Tĩnh: “Hủy bỏ các chương trình Ngắm các sự Thương khó Chúa, các việc đạo đức có tập trung đông người”. Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh cũng nêu rõ: “Khuyến khích làm các việc lành trong nội bộ gia đình mỗi người”.
Trong khi tín đồ của các tôn giáo nói chung, giáo dân khắp cả nước nói riêng thực hiện theo chỉ thị của Chính phủ, tổ chức lễ cầu nguyện cho tín đồ qua Internet. Như lễ Lá – lễ trọng của tín đồ đạo Công giáo, giáo dân dự lễ thông qua internet và cầu nguyện tại gia. Đại lễ Phật đản – lễ quan trọng nhất của Đạo Phật cũng được Giáo hội chủ trương không tổ chức trong mùa dịch Covid-19 này, để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Thì cớ gì một số linh mục ở giáo xứ Hà Tĩnh lại tập hợp giáo dân, ngang nhiên tổ chức lễ như “ngày hội” – như dịch Covid-19 chưa diễn ra, và bỏ qua chỉ đạo của các cấp Giáo hội quản lý?
Thật bức xúc vô cùng khi những vị linh mục coi thường sức khỏe, tính mạng cộng đồng, cố tình tụ tập giáo dân, trong khi Hà Tĩnh đang căng mình chống dịch, với 3 ca mắc Covid đang điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo, hơn 7.000 trường hợp cách ly tập trung tại các cơ sở. Việc một số Linh mục vẫn ngang nhiên tổ chức lễ đông người, hành động trên không chỉ đi trái với các khuyến cáo của giáo hội, mà còn thể hiện sự ngang nhiên thách thức pháp luật. Hành động của những linh mục này không thể nào chấp nhận được!
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và mọi người đều được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng. Và sức khỏe của người dân trong mùa dịch này là điều mà luật pháp đang bảo vệ, bất kể ai xâm phạm hoặc nhân danh tôn giáo, cố tình tập trung đông người, gây ra nguy hiểm cho cộng đồng đều bị trừng trị thích đáng. Trước đó, Cánh Cò đã có thông tin về việc, tại Hoa Kỳ, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý linh mục Howard-Browne tại Bahamas, tiểu bang Florida (xem tại đây), và mục sư Tony Spell tại Baton Rouge, bang Louisiana (xem tại đây) vì đã chống lại sắc lệnh của Tổng thống Trump, ngang nhiên mở cửa nhà thờ, đón tiếp giáo dân đến làm thánh lễ. Điều đó cho thấy, chả có ông linh mục nào có thể lợi dụng, nhân danh “tự do tín ngưỡng” làm sằn bậy mà ung dung sống ngoài quy định của pháp luật; chẳng ai đứng trên pháp luật, làm sai mà không bị xử lý!
Với những việc làm sai trái, nguy cơ gây ảnh hưởng cho cộng đồng rất cao trong mùa dịch này, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Việc đề nghị xử lý nghiêm trước hết là để bảo vệ tính mạng của chính các giáo dân tại giáo phận này, thứ đến là làm gương, và tránh sự sai phạm tiếp tục diễn ra ở những địa phương khác. Luật pháp Việt Nam áp dụng đồng đều cho tất cả mọi công dân sinh sống trên đất nước này, bất kể có tôn giáo hay không tôn giáo. Đó là chưa kể, những vị linh mục làm sai tôn chỉ, vi phạm những điều luật của Giáo hội quy định, những vị chức sắc cần phải có trách nhiệm, xử lý nghiêm những cá nhân sai trái này. Không thể để một số linh mục có chức sắc ngang ngược, thiếu phẩm chất như thế tồn tại trong Giáo hội, lại giữ vai trò dẫn dắt giáo dân ở một cơ sở tôn giáo thiêng liêng
Bồng Vũ