+
Aa
-
like
comment

Đừng để người lao động bị bỏ lại!

Thành An - 24/06/2024 11:29

Cần nhìn nhận một thực tế, việc tăng 30% lương cơ sở từ ngày 1/7 cho cán bộ công chức, viên chức là một nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc cải cách tiền lương. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng. Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng tăng 30%.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đầu năm 2023.

Hiện nay, có 4 nhóm đối tượng chính đang áp dụng mức lương cơ sở và hệ số lương, bao gồm:

  • Cán bộ, công chức làm việc từ cấp xã tới trung ương.

  • Người làm việc trong các đơn vị của Đảng/Nhà nước, trong các tổ chức chính trị xã hội/đơn vị sự nghiệp công lập và đang làm việc theo chế độ hợp đồng.

  • Người là sĩ quan, hạ sỹ quan, Quân đội nhân dân/công an nhân dân chuyên nghiệp, chiến sĩ phục vụ có thời hạn.

  • Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách ở các cấp cơ sở như xã/thôn, trong các tổ dân phố/phường/thị trấn…

Vì vậy, việc tăng lương cơ sở sẽ giúp rút ngắn chênh lệch trong mức thu nhập trung bình của khu vực công và tư trong thời gian tới. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh việc tăng lương cơ sở sẽ giúp làm tăng thu nhập của người lao động trong khu vực công thì hiện nay lương cơ sở cũng là căn cứ cho một số chế độ, chính sách theo pháp luật. Do đó một số chế độ cũng sẽ có sự thay đổi kể từ ngày 1/7.

Cụ thể, các khoản đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bằng 10,5% tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng trên nền lương cơ sở 2,34 triệu đồng (8% vào Quỹ Hưu trí tử tuất, 1,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế, 1% Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). Luật hiện hành quy định mức đóng cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở, tiền đóng tối đa từ 1/7 sẽ là 46,8 triệu đồng.

Lương hưu thấp nhất với người đóng đủ 20 năm BHXH bằng lương cơ sở, sắp tới sẽ lên 2,34 triệu thay vì 1,8 triệu như hiện hành. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đề xuất chỉ áp dụng chính sách này với người tham gia trước ngày 1/7/2025.

Đoàn phí công đoàn hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, đoàn phí tối đa bằng 10% lương cơ sở, tức tăng lên 234.000 đồng thay vì 180.000 đồng như hiện hành.

Tiền đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở, lương hưu hoặc trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện hành. Với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng từ 1/7, tiền đóng của người lao động và người thứ nhất trong hộ gia đình là 105.300 đồng mỗi tháng thay vì 81.000 đồng như hiện tại.

Trong hộ gia đình, từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người thứ nhất, tương ứng 73.710 đồng, 63.180 đồng, 52.650 đồng và 42.120 đồng mỗi tháng.

Tiền đóng BHYT theo năm với các thành viên hộ gia đình từ người thứ nhất trở đi lần lượt là 1.263.600 đồng, 884.520 đồng, 758.160 đồng, 631.800 đồng và 505.440 đồng.

Lương cơ sở điều chỉnh từ năm 2000 đến nay.

Một số quyền lợi gắn liền BHXH cũng tăng khi nâng lương cơ sở. Trợ cấp thai sản một lần tăng từ 3,6 triệu lên 4,68 triệu đồng. Luật hiện hành quy định lao động nữ sinh con, lao động nữ nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi nhận trợ cấp một lần bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận con nuôi. Nếu mẹ sinh con nhưng không đóng BHXH hoặc không đủ điều kiện hưởng mà người cha đủ điều kiện thì cha được nhận trợ cấp một lần.

Trợ cấp mai táng tính bằng 10 lần mức lương cơ sở, tăng tương ứng từ 18 triệu lên 23,4 triệu đồng. Trợ cấp tuất hàng tháng với thân nhân mỗi lao động qua đời bằng 50% mức lương cơ sở, tức nâng lên 1,17 triệu đồng thay vì 900.000 đồng như hiện tại. Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng mức trợ cấp bằng 70% lương cơ sở, tức 1,638 triệu đồng.

Từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp BHXH cũng tăng thêm 15% trên mức hiện hưởng; trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng mỗi tháng. Mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng, tức 38,9%.

Từ đó có thể thấy, việc tăng lương cơ sở phần nào cũng mang lại những gánh nặng cho những người lao động làm việc ở khu vực tư nhân. Thực tế, việc này cũng đã được tính toán để có sự cân bằng. Theo đó, lương tối thiểu vùng cũng sẽ tăng 6% từ 1/7, với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng.

Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 1/7. Cụ thể, vùng 1-4 sẽ tăng lên tương ứng 23.800-21.200-18.600-16.600 đồng/giờ.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trả lương. Trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Thế nhưng, thực tế rất đau lòng là dù có tăng 6% thì với mức tối thiểu vùng 1 là 4,96 triệu đồng, cũng là mức thu nhập hoàn toàn không phù hợp cho người lao động tại Hà Nội hoặc TPHCM. Thực tế, người lao động luôn được thoả thuận mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng phần lớn các doanh nghiệp sẽ dùng những chiêu thức lách luật để mức lương trên hợp đồng của người lao động chỉ ngang mức tối thiểu. Việc này là nhằm trốn tránh các mức đóng BHXH hiện hành, và từ đó cũng xâm phạm vào lợi ích của người lao động.

Từ đó, thiết nghĩ với việc tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng cần sớm tham mưu việc điểu chỉnh lương tối thiểu vùng của người lao động ở khu vực tư nhân gần với mức thực tế của xã hội hơn. Từ đó không những đảm bảo các quyền lợi của người lao động mà còn đảm bảo Quỹ BHXH. Có như vậy, người lao động ở khu vực tư, thành phần bị tổn thương nhiều nhất trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sẽ phần nào cảm thấy không bị bỏ lại.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều