+
Aa
-
like
comment

Dữ trữ ngoại hối Việt Nam đủ sức chống đỡ biến động thị trường

Đặng Trường - 20/03/2022 20:56

Nói về vấn đề dự trữ ngoại hối, có người đặt câu hỏi: “Giữ tiền lại như một người bần tiện hay tiêu tiền để sống”? Có thể trả lời, giữ hay tiêu là tùy thuộc vào hoàn cảnh nhưng trước khi tiêu thì phải tích trữ. Trước đây, Việt Nam không ngừng mua vào ngoại tệ để tăng con số dữ trữ ngoại hối. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đích thị đang “tiêu tiền để sống”.

Biến động thị trường có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Có muôn vàn lý do khiến thị trường biến động, thời gian gần đây việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT. Sự việc này có những tác động nhất định tới kinh tế và hoạt động giao thương của Việt Nam. Nông sản, dầu khí hay tiền kiều hối… của Việt Nam sẽ chịu tác động khi việc chuyển và rút tiền giữa doanh nghiệp và đối tác phía Nga gặp khó khăn. Theo như PGS.TS. Phạm Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng nhận định: “Bị ngắt kết nối với SWIFT thì giao dịch thanh toán giữa Việt Nam với Nga về cơ bản sẽ không thực hiện qua mạng này được, nên sẽ gây ảnh hưởng đến thanh toán quốc tế của chúng ta”. Việt Nam buộc phải tìm hệ thống thanh toán trung gian khác, có thể mất thời gian và chi phí cao hơn. Ngoài ra, tỷ giá cũng bị ảnh hưởng bởi đồng Ruble mất giá, tác động trực tiếp tới nguồn thu và ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Không chỉ vậy, thời gian qua, dịch Covid-19 đã khiến không ít hoạt động sản xuất bị đình trệ, cán cân xuất nhập khẩu giảm. Để ứng phó với đại dịch và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đẩy mạnh chi ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giữ nhà đầu tư. Có thể nói, mục tiêu phục hồi nền kinh tế của Việt Nam đang bị tác động rất nhiều bởi hoàn cảnh dịch bệnh và biến động thị trường. Vậy đâu là giải pháp tốt cho một quốc gia đang có độ mở về nền kinh tế khá lớn và tham gia nhiều hiệp định thương mại như Việt Nam?

Dự trữ ngoại hối là giải pháp “cứu cánh” kỳ diệu

Hiện nay, với tốc độ tăng trưởng dự trữ ngoại hối gấp 10 lần so với 12 năm trước, gần 4 lần so với cách đây 7 năm và đạt gần 110 tỉ USD thì bài toán Việt Nam chịu ảnh hưởng của biến động thị trường cũng dễ dàng được giải quyết hơn. Cụ thể, dự trữ ngoại hối có thể tạo nên sự thuận lợi trong việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị của VNĐ, giảm tình trạng lạm phát trong nước.

Hoạt động doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa để phục hồi.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, việc dự trữ ngoại hối trong bối cảnh hiện nay, đó là chính sách phù hợp. Chỉ cần lưu ý, là nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được. Ông nhấn mạnh: “Từ “vừa đủ” hàm ý rằng có thể trung hòa hơi lỏng một chút, không cần quá chặt chẽ, vì như thế cũng là một cách nới lỏng nhẹ tiền tệ, phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế trong thời gian dịch dịch Covid-19”.

Còn Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước phải nỗ lực rất nhiều năm mới đạt được mức dự trữ quốc gia như hiện nay. Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là để phục vụ điều hành tỷ giá. Chính sách tỷ giá ổn định thì doanh nghiệp, người nắm giữ ngoại tệ, doanh nghiệp FDI mới yên tâm, không sinh ra kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi.

Ngoài ra, khi dữ trữ ngoại hối tăng cao thì Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm và giao dịch với thị trường các nước khác nhiều hơn như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Canada,… Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một “sân chơi” mới bằng những chính sách thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25. Trong đó có yêu cầu cụ thể Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đồng bộ, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, công tác điều hành giá những mặt hàng nhà nước quản lý giá và các chính sách khác. Mục đích góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Rõ ràng với con số dự trữ ngoại hối đang cao hiện có thì Việt Nam hoàn toàn tự tin có thể giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến động thị trường.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều