+
Aa
-
like
comment

Ngành Dầu khí được “sửa mình” để tự chủ

LS Lê - 14/06/2022 19:19

Giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, gây ảnh hưởng khá lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Trước tình hình đó, Chính phủ đã có một quyết định mang tính vĩ mô, đó là sửa đổi Luật dầu khí 1993.

Sửa đổi Luật Dầu khí càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô khai thác được và phải nhập khẩu chủng loại khác. Bởi tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu của nước ta cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước. Trong khi đó, trữ lượng dầu khí của Việt Nam lại đứng thứ 26 thế giới (khoảng 1,5 tỷ m3) nhưng sản lượng khai thác hiện nay chỉ đứng thứ 34 thế giới. Việt Nam có đầy đủ cơ sở để tự chủ về nguồn năng lượng hoá thạch này nhưng thứ còn thiếu chính là biện pháp, chính sách cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng và tận dụng hơn nữa lợi thế vốn có.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng việc sửa đổi và bổ sung Luật sẽ khó có thể tác động trực tiếp lên tình hình thực tế. Tuy nhiên, những điều được Chính phủ xem xét đưa vào dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi mới đây lại rất phù hợp với thực tế ở Việt Nam. Đặc biệt là có tác động mạnh mẽ và lâu dài đến ổn định kinh tế vĩ mô và tự chủ năng lượng.

Khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đầu tiên, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi sẽ hướng đến các vấn đề tồn đọng ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dầu khí như các dự án cũ không hiệu quả, các dự án mới chưa đủ kinh phí để thi công hoặc còn gặp cản trở về mặt pháp lý… Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15) sẽ khắc phục các vấn đề nêu trên để các dự án dầu khí hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Một số quy định được sửa đổi có thể kể đến như quy định liên quan đến việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; thời hạn hợp đồng dầu khí nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó là quy định chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án dầu khí… Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đôn đốc cho việc thực hiện những dự án khai thác năng lượng khả thi mới.

Việc sửa Luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, tăng hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, loại bỏ rào cản, sự chồng chéo giữa Luật Dầu khí và các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước, Luật Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng,… Từ đó, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Dự thảo sửa đổi Luật Dầu khí đã được lên kế hoạch từ lâu chờ thời điểm phù hợp để ban hành.

Thứ hai, để tạo điều kiện phát triển tiềm năng quốc gia, Chính phủ đã tạo nên một chương hoàn toàn mới không hề có trong Luật dầu khí 1993. Đó là chương riêng về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trong dự thảo luật sửa đổi, PVN chủ động tổ chức điều hành, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí. Tập đoàn này cũng sẽ chủ động trong việc giám sát hợp đồng dầu khí và phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí mà không cần thông qua nhiều bước kiểm duyệt của Nhà nước như trước đây. Công tác này giúp cho PVN được chủ động, linh hoạt và tiết kiệm thời gian hơn trong việc khai thác dầu khí. Tuy nhiên quyền lợi càng nhiều thì trách nhiệm càng cao, PVN bắt buộc phải đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cũng như thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình với quốc gia nếu không sẽ phải nhận những kỷ luật tương ứng. Đây chính là cách Chính phủ vừa khích lệ vừa tạo áp lực cho ngành khai thác dầu khí phát triển.

Khi làm việc với PVN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài; phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ.

Có thể thấy, Luật Dầu khí sửa đổi sẽ giúp các đơn vị tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phát huy vai trò của ngành dầu khí trong sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển. Đặc biệt, nó đáp ứng kịp thời bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sớm khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên này.

Dự án Luật Dầu khí sửa đổi có nhiều tiến bộ, tiếp thu được ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu, hủy thầu, xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu, cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan. Có như vậy, trong tương lai, Việt Nam mới tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng dầu khí vốn có và giảm được sự phụ thuộc vào giá cả, nguồn dầu nhập khẩu như hiện nay.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều