Đại hội XIII: Khởi đầu cho Đổi mới 2.0
Đổi mới 1 là thừa nhận và phát huy vai trò của thị trường. Đổi mới 2 sẽ tập trung vào trụ cột nhà nước để có thể kiểm soát quyền lực cùng với thu hút được người tài tham gia vào quản trị quốc gia…
Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển nguồn nhân lực, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Ba đột phá này đã được kế thừa tại Đại hội XII, và Đại hội XIII đã có những bổ sung rất đáng chú ý, nhất là trụ cột thể chế.
Báo cáo Chính trị viết: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.”
Nội hàm của thể chế phát triển bao gồm thể chế kinh tế và thể chế chính trị nên rộng hơn rất nhiều so với hai kỳ đại hội trước. Thêm vào đó, Báo cáo cũng nêu: “Xử lý tốt các quan hệ lớn: … giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;… giữa nhà nước, thị trường và xã hội;… và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.”
Những điểm mới được đưa ra trong Đại hội XIII có lẽ là những đột phá quan trọng nhất về cải cách và tư duy phát triển kể từ Đại hội VI đến nay. Đây có thể là điểm khởi đầu cho Đổi mới lần 2 – đổi mới về trụ cột nhà nước và công nhận vai trò quan trọng của xã hội nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045.
Đổi mới 1: Trả lại vai trò của thị trường
Nhà nước, thị trường và xã hội là 3 trụ cột phát triển. Mỗi trụ cột có vai trò của mình và chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Con đường phát triển sẽ gặp trục trặc khi có ít nhất một trụ cột không thể phát huy vai trò của mình.
Mô hình kinh tế kế hoạch mà ở đó vai trò của Nhà nước được đặt làm trung tâm và thay luôn cả hai trụ cột kia là không thực tế nên không thể tồn tại. Đổi mới 1 vào năm 1986 đơn giản là trả lại vai trò tạo ra của cải cho xã hội của thị trường.
Những nỗ lực trong 35 năm qua, tương đương 7 kỳ đại hội ở Việt Nam chủ yếu là làm sao để thị trường phát huy tốt vai trò của mình. Đại hội XI chỉ xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình hội nhập quốc tế, ký kết các hiệp định và gia nhập các tổ chức quốc tế là việc làm cho kinh tế thị trường phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn ở Việt Nam.
Cho dù còn tranh cãi, nhưng tính thị trường và độ mở (giao thương với bên ngoài tính bằng tổng giá trị ngoại thương so với GDP) của kinh tế Việt Nam đã ở mức rất cao. Việt Nam đang trên con đường đi đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Điều đặc biệt quan trọng là nội hàm của định hướng XHCN ngày càng được làm sáng tỏ hơn. Đại hội XIII đã làm rõ hơn rất nhiều với cách hiểu tường minh hơn rằng định hướng XHCN có nghĩa là cải thiện công bằng. Nói một cách cụ thể, kinh tế thị trường là vì mục tiêu dân giàu, và định hướng XHCN là vì mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh.
Đổi mới 2: Xây dựng Nhà nước vì dân dựa vào tài năng
Khi mô hình dân chủ phương Tây thắng thế trên bình diện toàn cầu thì áp lực đẩy nhanh tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam cả từ bên trong và bên ngoài không phải là nhỏ. Tuy nhiên, khi mô hình dân chủ bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng và dân tuý nổi lên đã đưa lại một hàm ý và cách tiếp cận tường minh hơn rất nhiều đối với Việt Nam.
Cần phải khẳng định rằng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là đích đến của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tất cả các nước thành công và trở nên phát triển trên thế giới hiện nay đều dựa trên nền tảng kinh tế thị trường và hầu hết đều được xếp hạng dân chủ cao. Tuy nhiên, đó chỉ là những kết quả cuối cùng. Chưa có bằng chứng thuyết phục về mối quan hệ nhân quả dân chủ dẫn đến phát triển. Thêm vào đó, với những trục trặc đang xảy ra ở các nền dân chủ lâu đời, nhất là Mỹ, đang có những tranh luận về những nền tảng của dân chủ và vấn đề của nó.
Dựa vào những lập luận nền tảng về nhà nước cho thấy một cách nhìn rộng và tường minh hơn. Aristotle, triết gia Hy Lạp, ông tổ của khoa học chính trị, chỉ ra cách đây hơn 2400 năm rằng: “Những chính quyền nào mà quan tâm đến phúc lợi chung của mọi người là những chính quyền được thiết lập đúng theo công lý, hiểu theo nghĩa nghiêm nhặt nhất, và đó là những chính quyền đúng đắn; còn những loại chính quyền nào chỉ lo quyền lợi của kẻ cai trị là những loại chính quyền đầy rẫy khuyết điểm và bại hoại”.
Chính quyền tốt nhất, như Aristotle chỉ ra, là một chính quyền trong đó mọi người, bất kể là ai, đều có thể sinh hoạt theo đúng khả năng cao nhất của họ và sống một đời sống hạnh phúc.
Trong thời đại ngày nay, đối với các nước đang phát triển, để có thể thành công thì cần phải thu hút và tập hợp được những người tài năng vào guồng máy lãnh đạo. Thực tế từ những nước thành công, nhất là các nước chuyển từ nghèo sang giàu sau Thế chiến thứ II, cho thấy chìa khoá là những người tài năng tham gia vào điều hành và quản trị quốc gia. Một quốc gia sẽ thành công nếu tạo dựng được cơ chế để những người tài năng được chọn vào các vị trí quan trọng của quốc gia và hệ thống vận hành theo nguyên tắc người thổi sáo hay nhất được trao cây sáo tốt nhất. Điều này đã xảy ra với các quốc gia và nền kinh tế trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Không chỉ ở Việt Nam mà là rất nhiều nơi trên thế giới, việc lũng đoạn của các quan hệ thân hữu và lợi ích nhóm rất dễ xảy ra. Nếu không khéo, cả hệ thống chính trị và nền kinh tế rất dễ bị các nhóm nhỏ lũng đoạn và bắt làm con tin. Khi đó, tài năng sẽ không có chỗ và rất nguy hiểm cho một quốc gia.
Thành công của chiến dịch chống tham nhũng cho thấy rõ ràng là có cách để khống chế và giảm thiểu tham nhũng gắn với lợi ích nhóm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có lời giải tường minh cho câu hỏi làm thế nào để khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vì cái chung. Đại hội XIII đã dành một thời lượng đáng kể bàn về vấn đề này. Đây là một bước khởi đầu rất tốt. Việt Nam cần phải làm sao xây dựng được một nhà nước dựa vào tài năng và những quyết định tập thể được đưa ra và thực hiện tốt cho cái chung, giảm thiểu tối đa sự tác động hay chi phối của các nhóm lợi ích.
Đổi mới 3: Phát huy tốt vai trò của xã hội
Trong khoảng một nửa thế kỷ cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng vào năm 2007-2008, vai trò của thị trường đã được đề cao quá mức, nhất là từ đầu những năm 1980. Trong khi đó, vai trò của xã hội đã không được coi trọng đúng mức. Kết quả trục trặc đã xảy ra trên bình diện toàn cầu. Những trục trặc ở Mỹ hay một số nước phát triển khác bắt nguồn từ việc không phát huy tốt vai trò của trụ cột thứ ba. Đã có những đổ gãy.
Vấn đề thường nghiêm trọng hơn đối với các nước đang phát triển do nhu cầu tham gia vào các vấn đề xã hội của người dân không được xem xét và đưa ra các giải pháp thỏa đáng. Điều này dẫn đến cách mạng lật đổ ở nhiều nơi trên thế giới. Trái lại, những nơi kịp thời giải quyết các nhu cầu này đã đưa xã hội đi đến thịnh vượng.
Phát huy tốt vai trò của xã hội và đáp ứng nhu cầu tham gia vào các vấn đề xã hội của người dân là điều hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong khoảng hai đến ba thập kỷ tới. Cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội như đã được nêu ra trong Báo cáo Chính trị.
Tóm lại, Đổi mới 1 là thừa nhận và phát huy vai trò của thị trường. Đổi mới 2 sẽ tập trung vào trụ cột nhà nước để có thể kiểm soát quyền lực cùng với việc thu hút được người tài tham gia vào việc quản trị quốc gia; và phát huy vai trò của xã hội và đáp ứng nhu cầu tham gia các vấn đề xã hội của người dân – trụ cột thứ ba.