Đại hội XIII: Chỉ dấu công cuộc đổi mới lần thứ hai bắt đầu
Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ dấu rằng, công cuộc đổi mới lần thứ hai bắt đầu, một Đại hội mang dấu ấn của thời kỳ mới, một bước ngoặt để Việt Nam cất cánh.
Trao đổi với PV về ý nghĩa của Đại hội XIII diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh:
“Đại hội Đảng XIII chỉ dấu rằng, công cuộc đổi mới lần thứ hai bắt đầu, một Đại hội mang dấu ấn của thời kỳ mới, một bước ngoặt chuyển giao thế hệ lãnh đạo và bước ngoặt để Việt Nam cất cánh”.
Mang dấu ấn của thời kỳ mới
Vì sao ông lại nhận định: Đại hội XIII là chỉ dấu cho công cuộc đổi mới lần thứ hai bắt đầu, một Đại hội mang dấu ấn của thời kỳ mới?
Vì những dấu hiệu của bối cảnh hiện nay cho thấy, một cuộc đổi mới lần thứ hai sẽ xuất hiện. Nếu như trước đây cuộc đổi mới lần thứ nhất là sự mở đường, thay đổi thể chế ở một giai đoạn sơ khai thì lần này, đổi mới thể chế ở giai đoạn chi phối và chất lượng hơn nhiều để đưa Việt Nam đến thịnh vượng như dự thảo văn kiện đề ra.
Và hơn lúc nào hết, Đại hội hướng vào khát vọng của nhân dân, khát vọng về một Việt Nam “phồn vinh, hạnh phúc”.
Khát vọng về một Việt Nam “phồn vinh, hạnh phúc” chính là một trong những điểm nhấn trong dự thảo văn kiện lần này nhưng vấn đề nhiều người quan tâm là làm thế nào để biến khát vọng này thành hiện thực, thưa ông?
Hai chữ thịnh vượng, phồn vinh không phải tự nhiên sẽ đến mà phải bằng một sự lao động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là những người lao động, kể cả tri thức, lực lượng lao động phổ thông đều phải nung nấu tinh thần này.
Muốn nung nấu được tinh thần này thì phải chuyển giao tinh thần Đại hội, thành công của Đại hội vào trong quần chúng nhân dân, chứ không phải thành công của Đại hội chỉ là của Đại hội. Chúng ta phải làm sao để thành công ấy trở thành thành công của nhận thức toàn dân tộc, biến thành sự trỗi dậy của dân tộc.
Có như vậy hai chữ khát vọng không chỉ dừng ở mong muốn mà là hành động vươn vai ưỡn ngực, “Phù Đổng Thiên Vương”, một sự trỗi dậy, tạo nên một sức bật mới.
Cho nên việc chuẩn bị không chỉ là để Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp mà phải chuẩn bị cho sự thành công sau Đại hội, là chuyển hóa được tinh thần của Đại hội đến từng người dân. Điều đó mới là quan trọng nhất.
Vậy theo ông, chuyển hóa tinh thần của Đại hội đến từng người dân bằng cách nào?
Theo tôi là phải bắt đầu từ niềm tin, tức là phải có một đường lối chính trị đúng đắn trong thời kỳ mới và phải làm cho nhân dân biết được, hiểu được. Từ đó, chúng ta phải chuẩn bị một hệ thống động lực để thúc đẩy.
Đầu tiên là động lực tinh thần. Đó là không có gì bằng nền tảng tư tưởng đã được xác định: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phải đưa mọi người vào mục tiêu chung này, đây cũng là mong muốn trong di chúc của Bác Hồ.
Từng Đại hội là từng chặng đường đi để thực hiện di chúc Bác. Tư tưởng của Đảng, của cả dân tộc này là trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngoài sự chuẩn bị cho một tinh thần sẵn sàng thực hiện khát vọng thì cần có những điều kiện về động lực lợi ích. Trong đó xác định rõ, lợi ích của dân tộc ở đâu, lợi ích của cộng đồng ở đâu, lợi ích của tập thể ở đâu và lợi ích của từng gia đình ở đâu. Cho nên hơn lúc nào hết vấn đề hạnh phúc phải đặt lên trên.
Loại động lực nữa là, hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các thành phần kinh tế phát triển, nhỏ nhất là hộ gia đình, lớn nhất là tập đoàn. Những gì sai sót thuộc về thể chế thì Nhà nước cũng phải tự nhận trách nhiệm, đừng để người dân, DN phải chịu hậu quả, còn nhiều người đáng phải chịu trách nhiệm lại không chịu trách nhiệm.
Cho nên muốn nói vai trò lãnh đạo, quản lý của Nhà nước với những động lực phát triển thì phải là thể chế. Thể chế mở đường rất quan trọng.
Như ông nói, vấn đề hạnh phúc phải đặt lên trên và ngay trong dự thảo văn kiện, yếu tố hành phúc cũng được chọn là một trong những điểm nhấn. Vì sao, thưa ông?
Hai chữ hạnh phúc có giá trị giống như lời kêu gọi hiệu triệu. Suy cho cùng quyền con người, quyền công dân thì tối thượng của nó là tự do và hạnh phúc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho người dân. Cho nên quan trọng là chuyển tinh thần Đại hội vào cuộc sống và hiện thực hóa, đó là hạnh phúc từng ngày của người dân.
Đôi lúc chúng ta hiện thực hóa bằng con số nhiều quá thì cũng chưa phải. Con số chỉ là một phần thôi nhưng chất lượng cuộc sống không nằm trong con số mà nằm ở giá trị.
Giá trị ở đây không phải là bao nhiêu GDP, bao nhiêu thu nhập mà phải hướng đến làm nổi bật cái cốt cách, phẩm giá của người Việt Nam ở thời kỳ hiện đại.
Trách nhiệm làm rạng rỡ danh tiếng của dân tộc Việt Nam
Để thực hiện được những động lực như ông nói cũng như hiện thực hóa được những mục tiêu văn kiện đưa ra, đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ mới phải điều hành như thế nào, có những đường hướng ra sao, thưa ông?
Theo tôi, điều quan trọng là trong điều hành đất nước, người lãnh đạo, quản lý phải công khai, minh bạch những mục tiêu hướng tới và điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Người dân phải nắm rõ những điều đó và có sự giám sát lẫn nhau.
Điều quan trọng nữa là trong thời buổi này, Nhà nước phải đổi hẳn phương thức quản lý sang phục vụ nhân dân. Sự quản lý của Nhà nước phải chứa đựng hàm lượng 99 % là phục vụ.
Một nội dung quan trọng của Đại hội XIII là bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Vậy ông kỳ vọng như thế nào vào thế hệ lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới?
Qua theo dõi, tôi thấy nhân sự chuẩn bị cho Ban chấp hành Trung ương khóa mới có rất nhiều người thuộc thế hệ 7X. Tức là một thời kỳ chuyển giao giai đoạn những người được sinh ra, học tập, và cống hiến trong giai đoạn mới, trong hòa bình, trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Hơn ai hết, họ là những người nhận thức được những thành quả của các thế hệ trước mang lại, là những người đứng trên vai của những thế hệ đáng kính. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm làm rạng rỡ danh tiếng của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Họ phải xứng đáng, đóng góp phần quan trọng và có ý nghĩa quyết định như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Vì họ được thụ hưởng, có sự kế tục và đứng trên một tầm cao của thế hệ trước thì điều đầu tiên họ phải suy nghĩ là làm sao khi tới lượt mình gánh vác phải làm rạng rỡ non sông, đất nước hơn.
Nhưng điều quan trọng nhất theo tôi là làm sao chọn được “ngọn cờ đầu” tập hợp được khối đại đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị.
Thu Hằng – Trần Thường/ VNN