+
Aa
-
like
comment

Đại đa số người Thái không giàu hơn người Việt

10/01/2021 05:10

Từ lâu, Thái Lan được coi là nước có nền kinh tế ở “bậc trên” so với Việt Nam. Các con số thống kê trước đây cho thấy GDP và GDP bình quân đầu người của Thái Lan đều cao hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam.

Tuy nhiên, các con số qua từng năm đã cho thấy tăng trưởng nhanh giúp Việt Nam đang thu hẹp đáng kể khoảng cách so với Thái Lan. Đặc biệt, năm 2020, GDP của Việt Nam sau khi được tính toán lại đã áp sát GDP của Thái Lan. Cụ thể:

GDP danh nghĩa của Việt Nam là 343 tỷ, bằng 67% GDP của Thái Lan (509 tỷ USD).

GDP bình quân đầu người (theo danh nghĩa) của Việt Nam là 3.521 USD, bằng non nửa so với Thái Lan.

Ngân hàng Thế giới dự báo Thái Lan sẽ mất ít nhất hai năm để trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tình trạng đói nghèo ở tầng lớp trung lưu thành thị vẫn đang tăng nhanh.

Thế nhưng, theo khảo sát của tổ chức Hurun Report, Thái Lan hiện có 50 tỷ phú USD, đứng thứ 9 trên thế giới, nhiều hơn cả các quốc gia phát triển như Pháp, Nhật Bản và Singapore. Riêng tại Bangkok, sự giàu có ngày càng trở nên rõ rệt. Hiện nay, Thái Lan là quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo khá rõ ràng, mà ở đó 1% người giàu nhất Thái Lan kiểm soát tới 67% tổng tài sản nước này. Còn nhóm 10% người giàu nhất kiểm soát 85,7% tài sản quốc gia. Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, hậu quả phát sinh từ các chính sách, biện pháp bảo hộ đối với khu vực chế tạo ở thành thị, trong khi nông nghiệp ở các vùng nông thôn nghèo, xa xôi hẻo lánh như vùng Đông Bắc hầu như bị thả nổi.

Chênh lệch giữa các vùng còn trở nên trầm trọng hơn do Chính phủ không sử dụng các công cụ phân phối lại thu nhập một cách công bằng hơn. Mặt khác, tuy có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Thái Lan cũng là nước dẫn đầu về tốc độ khai thác tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng nhanh cùng với việc khai thác triệt để mang tính thương mại hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) lại đánh giá Việt nam đang rất thành công trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và phân bổ lợi ích của tăng trưởng khá đồng đều giữa các tầng lớp trong xã hội. Bất bình đẳng và phân hoá giàu nghèo đã xuất hiện nhưng vẫn ở mức có thể chấp nhận và không trầm trọng như với Thái Lan. Nếu không tính thu nhập của nhóm 10% giầu nhất thì phần còn lại của dân Thái Lan không giàu bằng nhóm thành phần tương ứng của Việt Nam.

Thành Nhân

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều