+
Aa
-
like
comment

Công tác nhân sự Đại hội XIII qua các hội nghị Trung ương

15/12/2020 06:52

Thành lập các Tiểu ban là một trong những “mốc” quan trọng trong tiến trình chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 2/10 đến ngày 6/10/2018 đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế – Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban Kinh tế – Xã hội; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng Tiểu ban Điều lệ Đảng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Tiểu ban Nhân sự giúp Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đây là một trong hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng, gồm việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng và bầu ra các cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới.

Hội nghị Trung ương 9, diễn ra trong hai ngày 25 và 26/12/2018, cho ý kiến việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với 205 nhân sự để Bộ Chính trị xem xét, quyết định quy hoạch theo thẩm quyền.

Quy hoạch này chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng.

Hội nghị đồng tình với tinh thần “phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt”.

Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã lấy phiếu tín nhiệm 21 Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư khoá XII theo quy định. Một trong những mục đích của việc lấy phiếu là giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Đại biểu dự Hội nghị Trung ương 14 ngày 14/12. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc
Đại biểu dự Hội nghị Trung ương 14 ngày 14/12.  

Hội nghị Trung ương 10 từ 16/5 đến 18/5/2019, cho ý kiến về đề cương các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; góp ý việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.

Theo đó, Trung ương đã xem xét báo cáo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; đồng thời, cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị khoá XII về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị Trung ương 11, từ 7/10/2019 đến 12/10/2019, cho ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Trong phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 11, liên quan đến nội dung trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay (tháng 10/2019), Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có một Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó Thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh.

“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói và đề nghị từng Ủy viên Trung ương Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, “tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường”.

Ông nêu rõ “chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất!”.

Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13 tiếp tục được xem xét, thảo luận trong Hội nghị Trung ương 12 hồi tháng 5. Tại đây, các Uỷ viên Trung ương Đảng, đại biểu tham dự hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến và xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII; thảo luận về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị, triển khai công tác nhân sự Trung ương.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng; đặc biệt chú trọng một số vấn đề như: Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh….; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm….; có trí tuệ, tầm nhìn, có trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương…

Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những nhân sự thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài.

Cùng với đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.

Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, khoá XII, tháng 5/2020. Ảnh: TTX
Đại biểu tham dự hội nghị Trung ương 12, khoá XII, tháng 5/2020.   

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển; tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 – 60 và từ 61 tuổi trở lên); trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Trung ương nhất trí cao với báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.

Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nói chung phải trên cơ sở Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết quả giới thiệu tín nhiệm cao của Trung ương, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; gắn kết chặt chẽ với việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội nhiệm kỳ tới.

Tiểu ban Nhân sự Đại hội và Bộ Chính trị cần chỉ đạo chặt chẽ để việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng những chủ trương, biện pháp mà Trung ương đã quyết định.

Đặc biệt, các Uỷ viên Trung ương phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách phá hoại, chia rẽ, gây rối nội bộ.

Hội nghị Trung ương 13, từ 5/10 đến 9/10 đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm và thống nhất cao với sự chuẩn bị của Bộ Chính trị về nhân sự; bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Uỷ viên chính thức và Uỷ viên dự khuyết Trung ương khoá XIII, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII.

Căn cứ ý kiến góp ý và kết quả hội nghị Trung ương 13, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khoá XIII và Quy trình công tác nhân sự đã đề ra, báo cáo Trung ương xem xét, quyết định trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.

Theo chương trình, hội nghị Trung ương 14 đang diễn ra sẽ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; dự thảo quy chế bầu cử, quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban chấp hành Trung ương, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 20/11, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tham khảo công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khóa gần đây về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, cơ cấu, độ tuổi, cách làm và những hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm được rút ra, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Hội nghị Trung ương 14 dự kiến diễn ra ra từ 14 đến 20/12.

Kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau:

(1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

(2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

(3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

(4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.

(5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.

(6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

(7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

(Trích phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương 12, khóa XII của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tháng 5/2020)

Hoàng Thùy/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều