Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp thăm chính thức Nhật Bản: Thông điệp về mối quan hệ đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng
Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-30/11.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đồng thời là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, đứng thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại của Việt Nam.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, “Trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, chúng tôi tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam–Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả và lâu dài trên mọi lĩnh vực, vì hòa bình, ổn định, và phát triển mỗi nước cũng như tại khu vực và trên thế giới”.
Nhân dịp này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm, đồng thời nhận định về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
PV: Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân?
Năm 2023, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế và văn hóa. Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Võ Văn Thưởng diễn ra vào thời điểm quan trọng như vậy sẽ mang ý nghĩa lịch sử và trở thành một trong những dấu ấn nổi bật nhất của năm kỷ niệm.
Không chỉ nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản-Việt Nam từ trước đến nay, chuyến thăm này còn truyền đi thông điệp rằng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương, mà đang trở thành mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Về mặt kinh tế, Nhật Bản mong muốn hỗ trợ các công ty Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch chuỗi cung ứng. Việt Nam và Nhật Bản vốn là hai quốc gia đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhật Bản nhận thấy tiềm năng hai nước có thể trở thành đối tác đổi mới về chuyển đổi xanh (GX) và chuyển đổi kỹ thuật số (DX). Ngoài ra, Nhật Bản cũng mong muốn tạo đà để khôi phục nguồn vốn ODA, đặc biệt là trong hợp tác về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, về mặt chính trị, Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Trong khi tình hình ở các khu vực như Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc hơn để duy trì, củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Về giao lưu nhân dân và văn hóa, các hoạt động giao lưu, trao đổi chuyến thăm giữa hai nước ở mọi cấp độ đang gia tăng nhanh chóng, trong đó có chuyến thăm của các lãnh đạo nhà nước. Tại Nhật Bản có khoảng 500.000 người Việt Nam đang sinh sống. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch giữa các thế hệ trẻ và giữa các địa phương, đồng thời mở rộng phạm vi giao lưu con người và giao lưu văn hóa.
PV: Năm 2023 đang dần khép lại với nhiều sự kiện ý nghĩa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao ở cả hai nước. Đại sứ có thể chia sẻ ấn tượng về hành trình “kể câu chuyện Nhật Bản – Việt Nam” trong suốt năm qua?
Điểm nhấn của năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam là chuyến thăm Việt Nam của Hoàng Thái tử Akishino và Công nương vào tháng 9 và chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Rất nhiều sự kiện kỷ niệm 50 năm đã diễn ra trong năm vừa qua, biểu trưng cho mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Trong đó có thể kể đến các lễ hội Nhật Bản và lễ hội Việt Nam được tổ chức ở nhiều tỉnh thành trên khắp Nhật Bản và Việt Nam; các hội thảo trong nhiều lĩnh vực như sự kiện Meet Japan và các hội thảo kinh tế cấp cao do Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì; hoạt động giao lưu văn hóa phong phú như biểu diễn Kyogen, và vở opera Công nữ Anio nêu bật lịch sử gắn kết lâu dài giữa hai nước.
Tôi từng nhiều lần chia sẻ rằng quan hệ hai nước đang ngày càng khăng khít và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển đó không chỉ diễn ra trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, mà còn nằm ở sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người, bắt nguồn từ mối liên kết lâu dài về mặt lịch sử và văn hóa giữa hai quốc gia. Thông qua chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm, tôi mong nhiều người sẽ một lần nữa khám phá và nhận ra những ví dụ cụ thể về sự thấu hiểu và đồng cảm giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tôi hy vọng rằng, khi nhìn lại kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam, các thế hệ tương lai sẽ đánh giá năm kỷ niệm có ý nghĩa kiến tạo nền tảng để quan hệ hai nước vốn ẩn chứa tiềm năng vô hạn sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng.
PV: Đại sứ kỳ vọng như thế nào về “làn sóng đầu tư” mới của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới khi hai nước đang thúc đẩy những chính sách thực tiễn để thúc đẩy đầu tư?
Hiện tại, tôi nhận thấy quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Về mặt kinh tế, ngành chế tạo Nhật Bản đang mở rộng thêm nhiều chi nhánh, đặc biệt là ở Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành bán lẻ cũng đang tập trung khai thác nhu cầu nội địa Việt Nam khi dân số vượt 100 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều.
Tôi rất kỳ vọng hoạt động đầu tư và triển khai kinh doanh của các công ty Nhật Bản, đang đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, sẽ trở nên sôi động hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng và các ngành trên.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản mong muốn khôi phục nguồn vốn ODA và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam ở cả khu vực công và tư trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh (GX), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kỹ thuật số (DX), công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đào tạo nguồn nhân lực.
Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cũng sẽ là một lợi thế cho Nhật Bản. Mặc dù Việt Nam còn những vấn đề cần giải quyết, Chính phủ và người dân Nhật Bản vẫn sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam phát triển trong 50 năm tới với tư cách là đối tác có mối quan hệ bền chặt.
Đông Duy