Chọn người tài và quy định “quy hoạch, độ tuổi” – Phần 2
“Có lần, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuống tỉnh bỏ phiếu đánh giá cán bộ, Bí thư của tỉnh đó được phiếu cao. Tổng Bí thư nhắc khéo, anh ấy có làm gì đâu mà có lỗi, không có lỗi nên phiếu cao”ĐBQH Lê Thanh Vân kể.
BBT tiếp tục giới thiệu cuộc đối thoại về vấn đề lựa chọn nhân sự trước thềm Đại hội Đảng XIII đang đến gần với Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.
Các tiêu chí về quy hoạch, về độ tuổi cho các ứng cử viên, ở góc độ nào đó, giúp xác lập trước được công tác nhân sự, nhưng, ở góc độ khác, cũng cản trở lựa chọn những ứng cử viên có tài khác. Ông nghĩ sao về các tiêu chí quy hoạch và độ tuổi?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Chúng ta cứ phát động toàn dân, toàn Đảng tìm kiếm nhân tài để tiến cử cho Đảng, nhưng công tác nhân sự lại phải theo quy hoạch, theo độ tuổi thì rất khó. Nếu không dỡ bỏ những quy định đó, nhân tài đích thực sẽ khó xuất hiện, nếu có chẳng qua nằm trong số ngẫu nhiên đã quy hoạch, khoanh vùng mà thôi.
Tôi nói vậy vì tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy bằng cấp vẫn diễn ra một cách tinh vi hơn. Tổng Bí Thư đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần chuyện này. Vì sao có hiện tượng như vậy? Vì chính quy định của ta trói hẹp quy trình tiến cử nhân sự tuân theo các bước nội bộ có tính chất khuôn hẹp nên không thể chọn người tài được.
Quy hoạch của ta vừa động vừa mở, chỉ là nguồn tham khảo chứ không phải nguồn bắt buộc. Trên cơ sở quy định đó, các cấp Uỷ Đảng cũng lại sử dụng một cách máy móc, cho rằng tiêu chí lựa chọn nhân sự đầu tiên phải trong quy hoạch nên người tài mấy nhưng nằm ngoài quy hoạch cũng không được. Quy định này đã ngáng trở lựa chọn nhân tài, nếu ta không điều chỉnh sẽ rất khó có nhân tài.
Về quy định độ tuổi cũng vậy. Cho đến nay, chưa có công trình nào đánh giá về tài năng lại hạn chế độ tuổi. Trong lịch sử, thời Trần có Nguyễn Hiển đỗ trạng nguyên năm 13 tuổi nhưng Vua Trần Minh Tông cho rằng trạng đang còn nhỏ nên cần học thêm lễ. Sau này, khi triều đình phương Bắc đưa ra câu đố, ông Nguyễn Hiển trả lời lúc đó mới biết tài năng thực sự của ông. Đó là cách dùng người không chỉ xem xét qua học vấn mà còn kiếm chứng qua thực tiễn. Hay Lí Thường Kiệt năm 81,82 tuổi vẫn xung trận và đánh đâu thắng đó. Đảng ta gần đây nhất có ông Đỗ Mười vào Ban chấp hành Trung ương dự khuyết lúc 59 tuổi. Ông Lê Khả Phiêu lần đầu tiên vào Ban chấp hành Trung ương là 60 tuổi.
Thời kì trước phải nói Đảng lựa chọn nhân sự chính xác như đồng chí Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu mỗi người có vai trò khác nhau nhưng đều đóng góp vào công cuộc đổi mới, chỉnh đốn Đảng rất cao. Từ cổ chí kim chẳng có quy định nào đến 60 tuổi là không được tham gia nữa.
Những quy định hạn chế về độ tuổi thể hiện sự bất khả kháng trong đánh giá, lựa chọn nhân tài. Đó là những nhận định chủ quan trái với quy tắc khách quan.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp?
Tôi đề nghị nên dỡ bỏ hai quy định về quy hoạch và độ tuổi, còn lại lựa chọn nhân sự, nhân tài phải có quy trình khách quan.
Để phát hiện nhân tài không có cách nào khác là dựa vào quần chúng nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã nhắc lại câu nói của Bác Hồ rằng cái gì không biết thì hỏi dân, dân biết hết. Năm 1946, Bác Hồ đã có hai công thư gửi Ủy ban hành chính các cấp về việc tiến cử nhân tài cho Chính phủ, Nhà nước, có trọng thưởng và xử phạt nghiêm minh. Đó chính là tư duy tiếp biến của Bác Hồ trong việc sử dụng “chiếu cầu hiền” của các vị vua anh minh trước đây.
Nhưng bây giờ ta chưa có “chiếu cầu hiền” nào tầm cỡ như vậy. Đảng có chủ trương trọng dụng nhân tài nhưng mới chỉ nằm rải rác trong các quy định chứ chưa có một đạo luật về trọng dụng nhân tài; pháp luật, nghị định cũng chưa có hay thể hiện trong chính sách của nhà nước thế nào cũng chưa có.
Bác Hồ đã lựa chọn nhân tài theo 3 cách: Hỏi qua bạn bè xem họ có thừa nhận người đó giỏi không; xem ứng xử của người đó trong gia đình với cha mẹ, anh em hàng xóm có hiếu nghĩa, đạo đức hay không; nền tảng học vấn giỏi giang, đức độ trong ứng xử. Người giỏi và người tài khác nhau. Người giỏi có thể là giỏi kiến thức thôi, nhưng tài là ứng biến qua công việc cụ thể.
Sau khi hơn 100 cán bộ cao cấp bị kỉ luật gần đây có một thực tế khác. Đó là dường như không thấy các nhà lãnh đạo địa phương dám tạo đột phá mang lại phồn thịnh cho địa phương mình. Vậy vấn đề nằm ở chỗ không có người tài, hay là họ bị gò bó không phát huy được hết khả năng, hoặc họ không muốn phá vỡ hiện trạng để giữ an toàn…?
Đúng là có hiện trạng đó. Nhìn vào các địa phương hiện nay có sự ỷ lại, trông chờ vào cấp trên cho ý kiến trước khi thực hiện trong khi đường lối chính sách có rồi nhưng không làm mà đùn đẩy lên trên, hoặc cho làm nhưng không dám làm vì sợ vi phạm, hoặc có tình trạng đi đâu cũng nói lời êm ái để giữ cho mình tròn trịa.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một số loại cán bộ sau đây:
Loại cán bộ thứ nhất, do năng lực tầm nhìn của người đứng đầu cấp uỷ chính quyền ở đó còn hạn chế. Họ không nhận thức được cái sẵn có trong chủ trương, quyết sách.
Loại cán bộ thứ hai, nhận thức được nhưng không dám làm vì không có bản lĩnh.
Loại cán bộ thứ ba, do mua quan bán chức. Dạng này không ít, từ mua quan bán chức, quan hệ huyết thống đến quan hệ “không trong sáng”. Những loại này không biết gì, chỉ dựa vào đội tham mưu, bày gì làm nấy.
Cuối cùng, chỉ còn một dạng cán bộ là dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá sáng tạo. Bộ Chính trị cho các địa phương thí điểm nhiều. Dựa trên nền tảng quy định của Đảng, pháp luật (của Nhà nước) để vận dụng sáng tạo bứt phá, còn thấy sai lệch thì xin chủ trương trên cho thí điểm để tìm ra cách làm mới. Làm được việc này thể hiện tầm nhìn bản lĩnh của người đứng đầu.
Tôi cho rằng những cán bộ lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay Phó Chủ tịch không làm gì, giữ cho mình an toàn thì phải xử lí. Bởi họ để cơ hội tuột mất, vốn đầu tư không được giải ngân, làm thiệt hại cơ hội phát triển thì phải xử lí. Không làm gì không có nghĩa là không vi phạm.
Có lần Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xuống tỉnh bỏ phiếu đánh giá cán bộ, Bí thư của tỉnh đó được phiếu cao. Sau đó, Tổng Bí thư nhắc khéo anh ấy có làm gì đâu mà có lỗi, mà không có lỗi nên phiếu cao. Thực trạng này đến bây giờ vẫn còn. Trong pháp luật gọi là “Bất tác vi”, không làm gì cũng là một hành động làm thiệt hại cho tổ chức, địa phương, nhà nước.
Vậy theo ông, nhìn rộng ra cả ở cấp trung ương, cả ở cấp địa phương, làm thế nào để loại bỏ được những cán bộ làm trì trệ, làm thế nào để chọn được những người tài năng, dám làm, dám chịu vì sự phát triển?
Phải có quy trình thủ tục tranh cử. Ngày xưa, con đường xuất hiện của nhân tài có tiến cử, bảo cử và khoa cử.
Tôi cho rằng những cán bộ lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch tỉnh hay Phó Chủ tịch không làm gì, giữ cho mình an toàn thì phải xử lí.
Tiến cử là bất cứ ai miễn là người tài đều có thể tiến cử cho triều đình. Qua một cuộc sát hạch nếu đúng là người tài đích thực thì người tiến cử được trọng thưởng, ai tiến cử sai người bị phạt.
Bào cử là một vị quan đứng đầu một cơ quan phải có trách nhiệm bồi dưỡng một người xứng đáng thay thế mình. Nếu đề cử sai thì người tiền nhiệm dù có về hưu cũng bị xử phạt.
Khoa cử là thi cử rất nghiêm ngặt. Nhìn vào bốn môn thi để biết tầm tư duy: kinh văn (hệ thống lí thuyết, tứ thư ngũ kinh là bộ tri thức rộng ứng dụng vào trị quốc); chế chiếu (soạn thảo các văn bản pháp luật để đưa thành quy tắc xử sự); thi phú (khả năng cảm thụ với tự nhiên xã hội); vạn sách (những kế sách trị quốc).
Chúng ta cứ tham khảo quy trình tranh cử đó của cha ông ta. Cụ thể hiện nay, nếu ta gỡ bỏ được hai quy định về độ tuổi, quy hoạch thì con đường tiến thân của nhân tài sẽ rộng mở hơn.
Trước hết vận dụng con đường tranh cử đó trong Đảng. Bào cử là những vị đứng đầu các cơ quan trọng trách của Đảng và nhà nước, có trách nhiệm tiến cử cho Đảng, và viết cam kết về sự tiến cử của mình.
Ví dụ, một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị có thể bào cử một cá nhân vào một vị trí nào đó và chịu trách nhiệm trước Đảng. Việc tiến cử trong Đảng có thể không phải là người đang đương chức nhưng đã từng là lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ có quyền tiến cử nhưng việc này phải có thẩm tra kĩ hơn bào cử vì đang đương nhiệm. Khoa cử là thi bốn môn như trên. Hiện nay ta đang tiếp biến là thi môn lí luận, nhưng lí luận không phải tầm chương trích cú mà là giải thích hiện tượng, thực tiễn.
Quy trình lựa chọn dù bảo cử, tiến cử, khoa cử phải có thẩm định. Các bộ máy tham mưu, cơ quan tổ chức phải giúp thẩm định, có biên bản xác định thẩm định thông qua các bằng chứng. Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm từng cá nhân trong quá trình thẩm định. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu như người đứng đầu phải kí xác nhận trách nhiệm nhân sự.
Về mặt phiếu bầu phần phiếu phải chia làm hai phần: phần phiếu và cuống phiếu, đóng dấu của cơ quan cấp uỷ và văn phong cấp uỷ. Sau khi phiếu bầu xong lưu ở cơ quan tổ chức, còn lại cuống phiếu lưu ở Uỷ ban kiểm tra. Khi phát hiện nhân sự gian dối, không xứng đáng, vi phạm pháp luật thì truy cứu bằng cách hoàn phiếu lại.
Phòng thiết kế kiểm phiếu ngay cạnh nơi tổ chức Đại hội chứ không phải như tình huống tôi đã từng trải nghiệm, bê từng thùng phiếu từ tầng năm xuống tầng một. Như vậy không ai giám sát cả. Đến lúc kiểm phiếu thì tắt điện và nói đó là tình cờ bị mất điện.
Làm được như vậy, mọi cá nhân trong tập thể đều minh bạch như ánh sáng.
Lan Anh/ VNN