Chỉ có “dân điêu” mới đòi chống phá, tẩy chay Quốc hội
Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đang đến gần. Đây cũng là thời điểm các thế lực xấu, các đối tượng chống phá ráo riết tiến hành các hoạt động công kích, chống phá bầu cử.
Như một quy luật, khi đất nước diễn ra các sự kiện quan trọng thì các đối tượng xấu sẽ ngay lập tức “ăn bám” thông tin, tiến hành các “chiến dịch truyền thông bẩn” nhằm tấn công, bôi nhọ, chống phá đất nước. Theo kế hoạch cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ diễn ra vào ngày 23/5 sắp tới. Đây là thời điểm đặc biệt để người dân thực hiện quyền làm chủ đất nước của bản thân, lựa chọn ra các ứng viên đủ điều kiện tham gia vào các cơ quan dân cử, trong đó cao nhất là Quốc hội.
Xung quanh công tác tổ chức bầu cử, dễ dàng thấy được các đối tượng xấu đã có những kịch bản chống phá vô cùng chi tiết. Trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ của những ứng viên, các đối tượng này tiến hành chiêu trò tự ứng cử, đưa các “con buôn dân chủ” ra làm “ngọn cờ”. Khi các đối tượng “dân chủ” không lọt qua vòng hiệp thương, bị loại khỏi danh sách ứng cử viên thì một “dàn đồng ca dân chủ” lại ráo riết rêu rao vu khống Việt Nam không có tự do bầu cử, “Đảng loại bỏ những người “không theo phe Đảng” khỏi danh sách ứng cử viên… Gần đây, khi cuộc bầu cử sắp diễn ra, những kẻ này lại hô hào kích động đòi “tẩy chay bầu cử”.
Để đạt được mục đích tẩy chay bầu cử, các đối tượng xấu đã đưa ra nhiều thông tin, luận điệu, nhận định phiến diện, chủ quan, một chiều, thậm chí là thông tin xuyên tạc, vu khống. Không chỉ dừng lại ở việc tấn công công tác tổ chức bầu cử, các đối tượng này còn công kích hoạt động của Quốc hội, tấn công chế độ nhằm làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước. Những luận điệu xấu, độc, hại có thể kể đến như: “Cái gọi là Quốc hội của ĐCS Việt Nam không cần bầu và nên dẹp đi thì tốt hơn. Bởi những gì mà Quốc hội thông qua chỉ là hình thức mà thôi”, “Thực chất của cái gọi là Quốc hội ấy, nó không cần thiết vì nó chỉ là làm thủ tục cho quyết định của đảng, nói chung nó vô ích. Thực chất của cái gọi là Quốc hội ấy được ĐCS dựng nó lên chỉ để tiêu tốn tiền dân cho những trò nói nhảm của đám Đại biểu”, “Trong 500 Đại biểu Quốc hội thì hầu hết 200 ủy viên trung ương đều là Đại biểu. Còn lại 300 người chỉ làm nhiệm vụ gật theo chủ trương mà đã đưa ra theo “nguyên tắc tập trung dân chủ” thôi”…
Vậy liệu chăng Quốc hội của Việt Nam chỉ “hình thức” như luận điệu được tung ra? Rõ ràng là không.
Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng, quyền hạn được giao. Trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội và các cơ quan chuyên môn đã kịp thời đánh giá, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến đóng góp theo đúng quy trình để ban hành pháp luật. Riêng khoá XIV, Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh, góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo điều kiện để đất nước phát triển. Đồng thời, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao việc thực hiện pháp luật, việc giám sát theo đúng trọng tâm, trọng điểm; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại, phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Chính những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt là những kết quả tích cực trong công tác đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và kết quả công tác đổi mới, phát triển đất nước là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy những đóng góp của Quốc hội Việt Nam.
Đối với luận điệu vu khống Quốc hội chỉ có các “nghị gật”, điều này dễ dàng có thể bác bỏ bởi thực tiễn nghị trường. Trong khoá XIV vừa qua, nhiều phiên họp của Quốc hội đã được truyền hình trực tiếp. Việc tranh luận trên nghị trường diễn ra vô cùng thẳng thắn, thậm chí là “nảy lửa”. Đặc biệt, việc tranh luận trên nghị trường không chỉ diễn ra giữa Đại biểu Quốc hội với lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành mà còn diễn ra giữa chính các Đại biểu Quốc hội với nhau để tìm ra chân lý. Trong đó, nhiều vị Đại biểu Quốc hội đã trở thành “hiện tượng” sau các màn tranh luận soi nổi trên nghị trường như: nữ Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (nổi tiếng với màn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường “có gì đó sai sai”), Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (nổi tiếng với những màn tranh luận trước quan điểm của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về quan điểm “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”), Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (nổi tiếng những những mà tranh luận với Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT và vấn đề “biệt phủ”)…
Không chỉ vậy, trong nhiều phiên thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, hoạt động tranh luận cũng diễn ra vô cùng sôi động. Đặc biệt, trong quá trình thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, có thể thấy nhiều ý kiến đã được đưa ra, qua đó góp phần hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng.
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Nếu Quốc hội bị “tê liệt”, chỉ có các “nghị gật” như những đối tượng xấu đang rêu rao thì chắc chắn đất nước đã sớm chìm trong đói nghèo, bất ổn. Những luận điệu xấu chống phá Quốc hội chỉ là chiêu trò đê hèn để chống phá đất nước, đạp đổ lợi ích của nhân dân nhằm đưa Việt Nam đi vào chiến tranh, bất ổn.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.