Câu chuyện về “miếng bánh tiền lương”
Câu chuyện về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức luôn là chủ đề nóng được mang ra thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Đặc biệt là sau khi có thông tin hàng nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế công đã quyết định xin nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư nhân do áp lực cuộc sống và lương không đủ sống.
Theo thống kê từ Sở Nội vụ TP.HCM, trong suốt hai năm qua, số lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố nghỉ việc, chuyển việc đã lên tới 6.177 người. Chưa bao giờ làn sóng nghỉ việc của các cán bộ thuộc khu vực công lại dâng cao đến như vậy.
Nguyên nhân lớn nhất được nhận định là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ của các khu vực công hiện nay là khá thấp, không đủ để đảm bảo mức sống cho người lao động. Cùng với đó là cơ hội thăng tiến và áp lực công việc ngày càng tăng cao. Điều đó đã dẫn đến tình trạng các cán bộ, công chức, viên chức khu vực công nghỉ việc chuyển sang khu vực tư, đặc biệt là với ngành y tế và giáo dục.
Điển hình như hiện nay, mức lương cơ sở dành cho lực lượng lao động thuộc khu vực công là 1,49 triệu đồng/tháng. Đối với người lao động là công chức A1 trình độ đại học bậc 1 sẽ có hệ số lương là 2,34. Như vậy mức lương họ nhận được sẽ bằng lương cơ sở nhân với hệ số là 3,49 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở khối tư nhân, một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường có thể nhận ngay mức lương 5-7 triệu đồng/tháng tùy lĩnh vực. Công nhân tại các khu xí nghiệp, khu chế xuất cũng nhận được mức lương khá hấp dẫn 7-9 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm phụ cấp.
Tuy mức lương thấp như vậy, nhưng vẫn còn tình trạng một số người vì quan điểm ổn định, bền vững và chính sách trợ cấp lương hàng tháng sau khi về hưu nên vẫn “sống chết” bám trụ vào các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau khi đã “bám trụ” thì lại làm việc theo lối “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Điều này đã được, chính Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại từ năm 2013, “trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được”. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng những lao động giỏi thì thi nhau rời khỏi để chuyển sang khu vực tư trong khi các cán bộ viên chức chuyên môn yếu thì vẫn bám trụ và cố giành lấy một vị trí trong bộ máy làm việc của Nhà nước.
Trước tình trạng này, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ ngành phải tăng cường rà soát và thực hiện tinh giản biên chế để đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc hay không có năng lực, nhằm tinh gọn bộ máy, lược bỏ đi những khâu thủ tục trung gian không cần thiết và đơn giản hóa mọi thủ tục, quy trình. Từ đó hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, quá trình tinh giản biên chế cũng là bước đệm để Chính phủ thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Bởi thực tế, chúng ta chỉ có duy nhất một “miếng bánh ngân sách tiền lương”, nhưng với số lượng người tham gia vào cơ cấu Nhà nước ngày một đông đảo thì “miếng bánh” đó sẽ không thể nào chia được hết cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, quá trình tinh giản biên chế sẽ làm cho số lượng người lao động trong bộ máy hành chính giảm xuống.
Đ sẽ là cơ hội để các cán bộ, công chức, viên chức nhận được “miếng bánh” to hơn tương đương với tiền lương và thu nhập tốt hơn. Bởi chỉ khi người lao động nhận được mức đãi ngộ xứng đáng thì họ mới có thể hết lòng cống hiến vì tổ chức và vì sự nghiệp quốc gia, đồng thời không bị dao động bởi những “lời mời gọi hấp dẫn” từ các tổ chức tư nhân bên ngoài.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của Bộ, cơ quan, dự kiến cắt giảm được 17 tổng cục, trên 100 cục và tương đương. Nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2026 phải giảm tối thiểu 10% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận.
Minh Thanh