Cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ
Nghiêm cấm để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ…
Đây là một trong những nội dung được quy định tại điều 4, Quyết định 205 – QĐ/TW do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ngày 23/9 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Với những người làm công tác nhân sự hoặc theo dõi cán bộ tại địa bàn trong 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết phải điều động, chuyển đổi vị trí công tác.
Theo đó, để kiểm soát quyền lực, Bộ Chính trị quy định không để những người có mối quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan, như bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thành tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân; quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong từng khâu về công tác cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác cán bộ. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ và Quy định này.
Cần bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm những người lợi dụng việc này để tố cáo hoặc lan truyền các thông tin sai sự thật nhằm hạ uy tín người khác.
Bộ Chính trị nghiêm cấm hành vi cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ…Đồng thời, phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ trách.
Người đứng đầu cấp ủy không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.
“Bố trí cán bộ không đúng, chẳng những hiệu quả công việc kém mà còn làm cho bộ máy thêm cồng kềnh”. Đó là lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước những bức xúc của một số cán bộ, đảng viên về công tác đảm bảo nhân sự trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng thẳng thắn cho rằng làm công tác tổ chức cán bộ thì phải “bổ nhiệm người tài chứ đừng bổ nhiệm người nhà”. Điều đó cho thấy chủ trương, đường lối của Đảng đã rõ, quyết tâm chính trị cũng không thiếu. Vấn đề là cách làm như thế nào thôi!
Trẻ hóa đội ngũ cán bộ là điều nên làm, nhưng xin đừng nhân danh việc “ trẻ hóa” mà cố tình lấp liếm, che giấu khuyết điểm, đưa vào qui hoạch, luân chuyển những cán bộ không đủ năng lực phẩm chất, năng lực vào bộ máy, biến người sai phạm chỗ này thành người hùng chỗ khác. Nếu đã già, quá tuổi và không đủ năng lực để làm cũng đừng cố đưa vào quy hoạch vì là cánh hẩu.
Đã có nhiều trường hợp vì cố bổ nhiệm mà dẫn đến “ sai quy trình” gây nên bức xúc trong dư luận, tạo nên cái nhìn không tốt về công tác cán bộ như vụ việc của lãnh đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ trước đã làm với Trịnh Xuân Thanh; hay kiểu bổ nhiệm thần tốc cho Vụ phó 26 tuổi Vũ Minh Hoàng ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Giám đốc sở 30 tuổi trẻ nhất nước – Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam; Bí thư trẻ nhất nước ở Đà Nẵng…
Rồi chỗ này có hotgirl được “nâng đỡ không trong sáng”, chỗ kia có “cả họ làm quan” đúng qui trình… Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, không thể suy diễn người cùng huyết thống, họ hàng lại không được làm cùng trong một cơ quan nhà nước. Nếu họ có năng lực thật sự, có đạo đức, cống hiến vì nước vì dân, thì việc chỉ cho rằng do thân quen, có quan hệ họ hàng mà không tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt,… thì vi phạm quyền công dân, vi phạm pháp luật.
Nếu thấy có nghi vấn thì cơ quan chức năng có thể xem xét lại một số yếu tố sau: Thứ nhất, xem xét việc tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… cán bộ, công chức có căn cứ vào quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế hay không. Thứ hai, cá nhân được tuyển dụng, bổ nhiệm… có đủ điều kiện tiêu chuẩn tương đương với chức danh đó hay không. Thứ ba, xem việc đề bạt tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… có đúng quy trình chưa? Tất cả những nội dung này đều được pháp luật quy định rõ ràng.
Để tránh những trường hợp bổ nhiệm sai quy trình thì ngay từ đầu phải xem xét rõ ràng và công khai, minh bạch quy trình bổ nhiệm, có như vậy thì mới làm trong sạch được đội ngũ cán bộ, những người có năng lực thực sự phát huy được khả năng của mình. Như Bác Hồ khẳng định rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, trong công tác cán bộ thì việc lựa chọn, nhìn nhận những cán bộ tốt, đủ năng lực chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng nên một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm.
Kiên quyết loại bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy bằng cấp…. Thay vào đó là dân chủ, công khai, khách quan, vô tư, thực tâm tìm người tài cho đất nước là cách mà những người làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng lấy lại niềm tin đối với cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước về một Đảng cầm quyền thực sự trong sạch vững mạnh, về đội ngũ cán bộ lãnh đạo tận tâm với nước, với dân.
Đinh Lực