Bộ Chính trị cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ
Với các hành vi chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ, Bộ Chính trị yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Quy định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ.
Cấm tiết lộ hồ sơ nhân sự đang thực hiện quy trình cán bộ
Về nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm các quy định, thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Bộ Chính trị nhấn mạnh cần bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Xử lý nghiêm những người lợi dụng việc này để tố cáo hoặc lan truyền các thông tin sai sự thật nhằm hạ uy tín người khác.
Với những người làm công tác nhân sự hoặc theo dõi cán bộ tại địa bàn trong 5 năm liên tiếp hoặc khi thấy cần thiết phải điều động, chuyển đổi vị trí công tác.
Đặc biệt, quy định của Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thành viên cấp ủy cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái quy định trong công tác cán bộ.
Những người này phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột) là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Đồng thời, phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ trách.
Cấm để người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ; hoặc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Bộ Chính trị nghiêm cấm các hành vi như cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Cấm xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Cấm để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ; hoặc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Người đứng đầu cấp ủy không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình.
Theo quy định của Bộ Chính trị, các cán bộ, đảng viên vi phạm có thể bị đình chỉ công tác, chức vụ; tạm dừng có thời hạn việc quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm; hoặc huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ.
Đưa hối lộ để chạy chức, chạy quyền, không được xử lý hành chính
Liên quan đến nội dung về chống chạy chức chạy quyền, Bộ Chính trị nêu rõ cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, đơn vị có trách nhiệm phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời, bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý khác nhau.
Với các hành vi chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ, Bộ Chính trị yêu cầu phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Cụ thể, nếu bị khiển trách sẽ đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ.
Nếu bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ.
Nếu bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ.
Nếu bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Bộ Chính trị yêu cầu phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.
Hoài Thu/Zing News